Phát triển xu hướng thanh toán qua điện thoại di động tại Việt Nam

Thứ năm, 16/11/2017 15:05
(ĐCSVN) – Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, thanh toán qua điện thoại di động đang trở thành một xu hướng, kênh thanh toán mới, có tốc độ phát triển nhanh, phát huy hiệu quả, nhất là tại các nước đang phát triển có tỷ lệ người dân tiếp cận với dịch vụ ngân hàng còn thấp.
Ảnh minh họa (Ảnh:M.P)

Thanh toán điện tử tại Việt Nam đang có xu hướng phát triển mạnh

Theo đánh giá của Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), trong những năm gần đây, cùng với xu thế phát triển của công nghệ thông tin, viễn thông, hoạt động thanh toán tại Việt Nam nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng ngày càng đa dạng theo hướng an toàn, hiệu quả và tiết kiệm chi phí xã hội, hội nhập sâu rộng trong khu vực và thế giới.

Các phương tiện, dịch vụ thanh toán điện tử tại Việt Nam gần đây đang có xu hướng phát triển mạnh và đa dạng. Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện và phát triển các phương thức thanh toán truyền thống như ủy nhiệm thu, ủy nhiệm chi,… các ngân hàng thương mại đã và đang chủ động tiếp cận, phát triển các phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, gia tăng tiện tích và tiện lợi nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, như thẻ ngân hàng, thanh toán qua điện thoại di động, thanh toán qua Internet, …

Xu hướng sử dụng điện thoại di động làm phương tiện giao dịch thanh toán trong những năm gần đây đã và đang hỗ trợ các ngân hàng mở rộng mạng lưới tiếp cận tới khách hàng, cho phép ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán đến những khu vực mà mạng lưới ngân hàng chưa bao phủ, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, những nơi không có các điểm giao dịch ngân hàng và những đối tượng không được tiếp cận hoặc ít có điều kiện tiếp xúc các dịch vụ tài chính truyền thống, góp phần tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ tài chính (Financial Inclusion) - một mục tiêu mà Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang theo đuổi, nhằm giảm chênh lệnh giàu nghèo, giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường, bảo đảm mọi người dân, không phân biệt thành phần, điều kiện sống, khu vực địa lý đều có thể hưởng lợi từ các thành quả phát triển kinh tế, hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững.

Theo thống kê của NHNN, đến nay, tại Việt Nam đã có trên 41 ngân hàng thương mại triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động với số lượng, giá trị giao dịch tăng trưởng nhanh. Trong 9 tháng đầu năm 2017, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt trên 90 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch đạt trên 423.000 tỷ đồng (tương ứng đạt 93% và 139% so với năm 2016; đạt 153% và 316% so với năm 2015). Một số ngân hàng thương mại bước đầu triển khai có hiệu quả các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động để thanh toán tiền điện, tiền nước, cước phí điện thoại, viễn thông, truyền hình cáp, phí bảo hiểm và một số khoản thu khác.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã xem xét, chấp thuận cho 25 tổ chức không phải là ngân hàng được thực hiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có dịch vụ Ví điện tử thông qua kênh Internet và điện thoại di động nhằm phục vụ nhu cầu thanh toán các giao dịch thương mại điện tử và chuyển tiền nhỏ lẻ của người dân. Nắm bắt xu thế phát triển công nghệ thanh toán trên thế giới, một số ngân hàng và công ty công nghệ thông tin, viễn thông tại Việt Nam đã và đang nghiên cứu, hợp tác và đưa vào ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán trên thiết bị điện thoại di động, với việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sinh trắc, sử dụng mã QR Code, Tokenization, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS,... mang lại tiện lợi và an toàn trong giao dịch thanh toán điện tử.

Hoàn chỉnh hành lang pháp lý

Việt Nam có những điều kiện thuận lợi để phát triển thanh toán qua điện thoại di động do có tỷ lệ tiếp cận dịch vụ viễn thông và sử dụng điện thoại di động ở mức khá cao. Đến nay, số lượng thuê bao di động ở Việt Nam có phát sinh lưu lượng ước đạt khoảng gần 130 triệu thuê bao, trong đó thuê bao 3G phát sinh lưu lượng đạt khoảng 41,8 triệu thuê bao; tức là khoảng trên 1,4 thuê bao/người dân và khoảng 0,5 thuê bao sử dụng 3G/người dân. Bên cạnh đó, dân số Việt Nam đến cuối năm 2016 là trên 92,6 triệu người, trong đó trên 55% dân số sử dụng điện thoại thông minh.

Đáng chú ý, nhóm khách hàng sử dụng điện thoại thông minh hiện nay hầu hết là những người trẻ, có kiến thức và ham trải nghiệm, ưa chuộng các phương thức thanh toán mới, đặc biệt là các phương thức thanh toán dựa trên nền tảng di động. Phát triển thanh toán qua điện thoại di động tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện, cơ hội để phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán di động hiện đại, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt phù hợp với nhóm dân cư khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa vốn ít có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng truyền thống, qua đó tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ tài chính tại Việt Nam.

Tuy nhiên, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán điện tử gần đây có những diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, do đó các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho các dịch vụ thanh toán dựa trên công nghệ cao cần tiếp tục được tăng cường, thường xuyên cập nhật.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, trong bối cảnh phát triển mạnh của công nghệ thông tin và viễn thông; quá trình hội nhập quốc tế cũng đặt ra những thách thức, khó khăn trong lĩnh vực thanh toán điện tử. Sự hình thành các tổ chức không phải là ngân hàng, các công ty Fintech (công nghệ tài chính) tham gia vào lĩnh vực thanh toán đặt ra những khó khăn, thách thức cho việc xây dựng, phát triển và giám sát các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong thời đại ngày nay khi mà công nghệ thanh toán trên thế giới đang thay đổi và phát triển nhanh chóng; thanh toán qua điện thoại di động đang dần trở thành xu thế, thì việc hoàn chỉnh và đồng bộ hóa hành lang pháp lý cho lĩnh vực thanh toán qua điện thoại di động tại Việt Nam là rất cần thiết và quan trọng.

Khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách liên quan đến các dịch vụ, phương tiện thanh toán điện tử mới, hiện đại là những vấn đề mới, phức tạp, cần được tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tế và sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin và viễn thông. Trong đó, cần nghiên cứu, hoàn thiện hành pháp lý về hoạt động thẻ thanh toán với việc ban hành các tiêu chuẩn cho thanh toán phi tiếp xúc (contactless), QR Code, thanh toán qua di động, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho các Fintech hoạt động v.v; đồng thời tăng cường bảo vệ người tiêu dùng, an ninh, an toàn mạng cũng như năng lực quản lý, giám sát nhằm tạo điều kiện cho thanh toán qua điện thoại di động tại Việt Nam phát triển an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thanh toán ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp và phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế. 

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực