Quảng Nam: Cân đối ngân sách, tập trung phát triển hạ tầng kinh tế ven biển

Thứ hai, 06/07/2020 14:31
(ĐCSVN) - Đoàn công tác Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm trưởng đoàn đã thăm và làm việc tại Quảng Nam ngày 5/7. Theo đó, đoàn đã gặp gỡ lãnh đạo tỉnh và thăm quan, khảo sát một số dự án kinh tế trọng điểm trên địa bàn.

Là một tỉnh có nguồn thu từ nhà máy Ô tô Chu Lai - Trường Hải chiếm tỷ lệ cao khoảng 50-55% thu nội địa, nhưng trong các năm gần đây xu hướng tiêu thụ xe nhập khẩu tăng đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu của tỉnh. Nguồn thu từ thủy điện cũng đang gặp khó khăn do tình hình biến đổi khí hậu nên các hồ thiếu nước. Sản lượng tiêu thụ bia, rượu dự báo ngày càng giảm. Trong khi địa bàn Quảng Nam rộng và phân tán (toàn tỉnh có 9 huyện miền núi, chiếm 50%, trong đó có 6 huyện đang hưởng chính sách 30a, 30b), kết cấu hạ tầng về kinh tế, an sinh xã hội còn yếu, tỉ lệ hộ nghèo cao, đối tượng chính sách, người có công với cách mạng rất nhiều, do đó nhu cầu về nguồn lực đầu tư và chi trả các lĩnh vực trên rất lớn nên tỉnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều hành cân đối ngân sách không chỉ năm 2020 mà cả trong giai đoạn tiếp theo. Kết quả thu ngân sách nhà nước (NSNN) phần địa phương được hưởng trong 4 năm 2017-2020, thì có 3 năm hụt thu (năm 2017, năm 2019 và dự báo năm 2020 hụt thu khoảng 7.000 tỷ đồng).

Do đó, UBND tỉnh đề nghị lãnh đạo Bộ ghi nhận và kiến nghị Chính phủ khi xây dựng mới các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ NSNN cần đánh giá phù hợp với tình hình thực tế và khả năng huy động các nguồn thu vào NSNN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong thời kỳ ổn định ngân sách mới.

 Đoàn thăm quan, khảo sát thực địa tại khu Hội An – Tam Kỳ (Ảnh: MPI)

Dịp này, đại diện UBND tỉnh cũng kiến nghị, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp để bảo tồn, tôn tạo, phát triển và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo tinh thần Thông báo số 9651/TB-VPCP ngày 23/10/2019 của Văn phòng Chính phủ về kết luận cuộc họp về cơ chế, chính sách đặc thù bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Tờ trình số 7336/TTr-UBND ngày 06/12/2019 kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, thống nhất phê duyệt cơ chế, chính sách đặc thù bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị Di sản Văn hóa Thế giới đô thị cổ Hội An để Quảng Nam sớm triển khai thực hiện.

Trước mắt, đề nghị xem xét, thống nhất bố trí kinh phí từ nguồn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2019, số tiền 200 tỷ đồng để triển khai thực hiện dự án Phòng cháy chữa cháy khu phố cổ Hội An trong năm 2020 nhằm đảm bảo an toàn của Di sản.

Ngoài ra, cũng đề xuất Chính phủ thống nhất cho phép tư nhân được đầu tư xây dựng, quản lý vận hành sân bay Chu Lai tương tự sân bay Vân Đồn - Quảng Ninh cũng như cho phép Quảng Nam được qui hoạch và kêu gọi tư nhân xây dựng và quản lý vận hành luồng tàu 5 vạn tấn phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, hệ thống bến du lịch, tiếp nhận tàu du lịch đường biển quốc tế tại Chu Lai; cho phép hàng hóa xe ô tô nguyên chiếc 16 chỗ ngồi được làm thủ tục nhập khẩu qua cửa khẩu cảng biển Chu Lai - Trường Hải. Đồng thời, cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để phát triển ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh và thảo dược thiên nhiên tại tỉnh Quảng Nam theo chuỗi giá trị, bao gồm: cơ chế khuyến khích phát triển giống; vùng nguyên liệu; chế biến sản phẩm vì đây là sản phẩm đặc hữu duy nhất và có giá trị rất cao của Việt Nam và được xác định là sản phẩm quốc gia. Bên cạnh đó, cũng cho phép chỉ định nhà đầu tư là Công ty nghỉ dưỡng Nam Hội An được đầu tư xây dựng kinh doanh dự án nhà ở thương mại và các dự án xây dựng khu tái định cư theo Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp, không qua hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/5/2015 của Chính phủ về hướng dẫn Luật Nhà ở.

Trước đó, UBND tỉnh đã ban hành Đề án xây dựng 31.352 nhà ở cho người có công với cách mạng (trong đó xây mới 9.889 nhà, sửa chữa 21.463 nhà), tổng số hộ đã hoàn thành hỗ trợ: 27.415 hộ (trong đó: 8.312 hộ xây mới và 19.103 hộ sữa chữa). Kinh phí thực hiện 825 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 742 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 83 tỷ đồng). Tổng số kinh phí ngân sách trung ương đã được thanh, quyết toán là 641 tỷ đồng, ngân sách Trung ương còn dư, chưa giải ngân: 101 tỷ đồng do đối tượng đã được hỗ trợ bằng các nguồn kinh phí khác, đối tượng chết không còn thân nhân đủ điều kiện, thống kê trùng lắp đối tượng, chuyển hộ khẩu đi nơi khác, một bộ phận nhỏ không đủ điều kiện về kinh tế hoặc đặc thù phong tục, tập quán chưa thể làm nhà...

Với đặc thù là địa phương có rất nhiều đối tượng chính sách, người có công với cách mạng chưa được đầu tư, hỗ trợ. Vì vậy, để tiếp tục thực hiện chính sách, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 03/10/2019 tiếp tục hỗ trợ đối với người có công với Cách mạng về nhà ở để giải quyết hỗ trợ cho 12.734 trường hợp tăng thêm, với tổng nguồn kinh phí cần hỗ trợ dự kiến khoảng 335 tỷ đồng, 100% sử dụng nguồn ngân sách ngân sách địa phương. Năm 2019, ngân sách tỉnh đã bố trí 100 tỷ đồng để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, với tình hình khó khăn về kinh tế trong tình hiện hiện nay, khả năng đảm bảo huy động nguồn kinh phí còn lại là 235 tỷ đồng là rất khó khăn.

Vì vậy, tỉnh cũng đề nghị cho phép sử dụng nguồn ngân sách Trung ương đã giao cho tỉnh thực hiện xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng nhưng chưa giải ngân là 101 tỷ đồng và khoảng 100 tỷ đồng từ nguồn vốn sắp xếp cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước và đơn vị sự nghiệp có thu trên địa bàn tỉnh để đảm bảo cân đối nguồn kinh phí hoàn thành mục tiêu hỗ trợ đối với người có công với Cách mạng về nhà ở theo Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 03/10/2019 của HĐND tỉnh.

Song song, tỉnh còn đề nghị phê duyệt danh mục dự án đầu tư công thuộc kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đối với công trình đường Quốc lộ 14G hiện đã xuống cấp để tăng kết nối Đông - Tây từ các huyện miền núi phía Tây Bắc tỉnh Quảng Nam với các huyện đồng bằng và thành phố Đà Nẵng. Đồng thời cho nâng cấp, mở rộng các tuyến Quốc lộ 14E; Quốc lộ 14D và Quốc lộ 40B nối cửa khẩu Bờ Y, cửa khẩu Nam Giang với hệ thống cảng Đà Nẵng và cảng Chu Lai. Đầu tư ổn định luồng tàu Cửa Đại vì hàng năm đều bị bồi lấp nặng khiến hàng trăm tàu cá không ra khơi được.

Liên quan tới việc rà soát các dự án chuyển tiếp thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh đề nghị giao bổ sung trong năm 2020 hoặc năm 2021 để thực hiện hoàn thành các dự án là 1.199.155 triệu đồng, trong đó thu hồi ứng trước ngân sách trung ương 177.349 triệu đồng, bao gồm: Chương trình mục tiêu theo Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 15/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ (16 chương trình) là 936.437 triệu đồng, trong đó thu hồi ứng trước ngân sách trung ương 177.349 triệu đồng; Chương trình mục tiêu bổ sung (bổ sung 4 chương trình) là 262.718 triệu đồng.

Trong khi đó, về bố trí vốn thu hồi ứng trước NSTW giai đoạn 2011-2015, theo kế hoạch, giai đoạn 2011 - 2015, ngân sách trung ương ứng trước cho tỉnh Quảng Nam 73 tỷ đồng đầu tư đảm bảo an toàn hồ chứa (4 dự án với tổng kế hoạch vốn ứng trước 43 tỷ đồng), đường cứu hộ cứu nạn (1 dự án với tổng kế hoạch vốn ứng trước 30 tỷ đồng). Căn cứ chỉ đạo và hướng dẫn của Chính phủ, trong danh mục ứng trước kế hoạch vốn ngân sách trung ương không phải bố trí kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 để thu hồi mà sẽ do ngân sách trung ương bố trí nguồn tăng thu hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác để thu hồi,  tỉnh Quảng Nam được thông báo 5 dự án với mức dự kiến bố trí thu hồi là 73 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay ngân sách trung ương vẫn chưa bố trí để hoàn ứng ngân sách trung ương.

Đoàn làm việc với UBND tỉnh (Ảnh: MPI)

Nhân dịp này, tỉnh cũng đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, thống nhất chủ trương điều chỉnh chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Quảng Nam, trong đó có đề nghị điều chỉnh nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho Hạ tầng Khu kinh tế ven biển; sớm nghiên cứu xây dựng cơ sở pháp lý Vùng kinh tế trọng điểm (có thể Luật hoặc Nghị định) để tạo đột phá, làm động lực tăng trưởng khu vực miền Trung - Tây Nguyên...

 

 

 

 

HNV (theo MPI)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực