Quy hoạch giao thông đô thị trong kỷ nguyên số cần có cái nhìn đa chiều

Thứ sáu, 08/09/2017 20:33
(ĐCSVN) - Ngày 8/9, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức Tọa đàm khoa học “Chính sách quy hoạch giao thông đô thị trong kỷ nguyên số”.
Các chuyên gia cho rằng quy hoạch giao thông đô thị cần có cái nhìn đa chiều (Ảnh: K.D)

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách nhận định, trong bối cảnh các công nghệ mới phát triển ngày càng nhanh, nhiều hiện tượng kinh tế xã hội mới xuất hiện, điển hình là trên thị trường vận chuyển. Với sự xuất hiện của các công nghệ như Uber/Grab, các supply cars đã tham gia tích cực và làm thay đổi môi trường hoạt động cũng như phúc lợi của xã hội.

Theo ông Nguyễn Đức Thành, Uber/Grab và taxi là hai loại hình vận tải khác nhau. Uber/Grab thuộc nhóm xe hợp đồng. Trước đây taxi được coi là loại hình tiện lợi nhất. Nhưng nhờ công nghệ có khả năng cho phép làm hợp đồng nhanh nhất, đó là hợp đồng điện tử, Uber/Grab cung cấp thêm lựa chọn mới, đem lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng. Loại hình dịch vụ này cũng rẻ hơn taxi vì nó đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, giúp giảm chi phí.

Tuy nhiên, tại các thành phố lớn của Việt Nam, đang xuất hiện xu thế đưa ra các quy hoạch hay chính sách mang tính phản ứng đối với các hiện tượng mới này. Trong đó có quan điểm như cấm hoạt động, hạn chế số lượng (cấp hạn ngạch) đối với xe ứng dụng công nghệ này.

Ông Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, nếu hạn chế loại hình công nghệ này tức hạn chế đổi mới sáng tạo, hạn chế cạnh tranh. Như vậy sẽ làm chậm sự đổi mới, sáng tạo của nền kinh tế.

Đồng quan điểm đó, TS. Phạm Thế Anh, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, Uber/Grab hiện nay là phép thử với định hướng phát triển khoa học công nghệ trong thực tiễn đời sống, chính sách. Chính phủ có chủ trương thúc đẩy công nghiệp 4.0 nên nếu chúng ta từ chối Uber/Grab hay cho phép địa phương thiết lập rào cản với loại hình này sẽ phát đi thông điệp vô hình chung chung, nói áp dụng khoa học công nghệ nhưng thực tế không làm được. Đó sẽ là thông điệp không chỉ với ngành vận trải mà còn các ngành khác nữa.

Trước vấn đề nhiều người băn khoăn làm sao quản lý loại hình Uber, Grab hiệu quả, công bằng, các chuyên gia đề xuất những nhà quản lý, hoạch định chính sách cần có cái nhìn khách quan và đa chiều về vấn đề này, đảm bảo sự công bằng khách quan và yếu tố thị trường. Các chuyên gia cho rằng, mọi chính sách đều có lợi ích. Tuy nhiên, cần xem xét cân nhắc kỹ lưỡng trên một tầm nhìn dài hạn và trên các mặt như: cam kết quốc tế, lợi ích kinh tế…/.

 

 

 

 

 

Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực