Sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Đầu tư phù hợp với bối cảnh kinh tế mới

Thứ sáu, 29/11/2019 17:41
(ĐCSVN) – Thực tiễn phát triển kinh tế đang không ngừng thay đổi, một số quy định pháp luật không còn phù hợp, tương thích sẽ vô hình trung tạo gánh nặng về thời gian, chi phí cho việc tuân thủ, do đó, cần thiết phải có sửa đổi, bổ sung.
leftcenterrightdel
 Hội thảo diễn ra tại Hà Nội (Ảnh: PV)

Ngày 28/11, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc UNIDO tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi).

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, Luật Doanh nghiệp 2014 sau 4 năm đi vào thực thi đã bộc lộ những điểm hạn chế. Bên cạnh những mặt tích cực, nhiều nội dung của Luật Doanh nghiệp hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn, tạo gánh nặng về thời gian, chi phí cho việc tuân thủ. Một số nội dung của Luật không còn tương thích với nhiều luật mới được ban hành, cần phải bổ sung để thích ứng với bối cảnh kinh doanh mới.

“Một số mô hình, phương pháp kinh doanh mới đã xuất hiện, như kinh tế chia sẻ, kinh doanh thời Cách mạng công nghiệp lần thứ tư… cần khuôn khổ pháp lý mới để quản lý. Các nước trong khu vực cũng có những điều chỉnh Luật mới để thu hút đầu tư (Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc…) và Việt Nam cũng trong dòng chảy này.

Theo đó, sửa đổi dự thảo luật tiếp tục tinh thần luật doanh nghiệp về quyền tự do kinh doanh như: đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, nâng cao quản trị doanh nghiệp. Triển khai các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân của Đảng, Chính phủ; Chủ động hội nhập và tiếp cận thực tiễn, thông lệ quốc tế tốt nhất”, Thứ trưởng Thắng khẳng định.

leftcenterrightdel
Luật Doanh nghiệp cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn với điều kiện mới (Ảnh minh họa) 

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) là thành viên Tổ biên tập dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cho biết, cách tiếp cận trong soạn thảo nội dung Luật Doanh nghiệp lần này theo hướng chủ động điều chỉnh trên cơ sở đúc kết thực tiễn, nghiên cứu kỹ và thu thập ý kiến từ các cơ quan, chuyên gia.

Một số nội dung, quy định hiện còn chưa thống nhất sẽ được lưu ý, tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh đáp ứng yêu cầu thông thoáng, phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như bảo đảm quyền tự do trong hoạt động đầu tư, kinh doanh nói chung. Riêng nội dung liên quan đến hộ kinh doanh hiện có ý kiến phải được điều chỉnh bằng luật chứ không thể quy định trong nghị định và trước mắt nên được điều chỉnh trong Luật Doanh nghiệp...Tinh thần chung là tạo điều kiện để các hộ phát huy nguồn lực về vốn, khả năng kinh doanh.

Phân tích đến quy định về hộ kinh doanh, ông Phan Đức Hiếu khẳng định, hộ kinh doanh không phải là nội dung mới hoàn toàn của dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Khoản 2 Điều 212 Luật 2014 (hiện hành) đã quy định về hộ kinh doanh và giao Chính phủ quy định chi tiết về đăng ký và hoạt động đối với hộ kinh doanh có quy mô nhỏ. Dựa trên điều khoản này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, trong đó có 1 chương quy định về đăng ký hộ kinh doanh.

leftcenterrightdel
Một số bổ sung, sửa đổi của Luật Đầu tư sẽ hoàn thiện chính sách pháp luật hơn (Ảnh minh họa)

Nội dung quy định về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật đã được tham vấn nhiều lần và đánh giá tác động kỹ lưỡng. Việc bổ sung quy định về hộ không phát sinh tác động tiêu cực đến hoạt động của hộ kinh doanh hiện nay và không làm phát sinh thủ tục hành chính. Các hộ kinh doanh đang hoạt động không phải đăng ký lại hoặc không phải đổi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đã được cấp.

Ngược lại, các quy định về Hộ kinh doanh trong dự thảo Luật sẽ bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của chính hộ kinh doanh và bên có liên quan; thúc đẩy hộ kinh doanh phát huy hết tiềm năng và đóng góp tích cực hơn vào nền kinh tế; đồng thời, góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng hơn cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp.

Về Luật Đầu tư, các đại biểu đề nghị có khái niệm thống nhất gồm các khu chế xuất, nay tách riêng ra là không cần thiết. Có ý kiến cho rằng, dự thảo đưa ra 2 nội dung thay đổi cơ bản về con dấu và quản lý, nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Việc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh nên để thuộc thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ tiếp nhận.

Theo ông Quách Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mục tiêu của Luật Đầu tư là bảo đảm sự đồng bộ, minh bạch và khả thi. Tinh thần xuyên suốt là đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa. Dự thảo lần này có 36 điều, khoản được sửa đổi; bãi bỏ 12 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bổ sung 6 ngành nghề kinh doanh có điều kiện...

Liên quan đến việc quản lý con dấu của doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu, CIEM cho hay, có một sự hiểu lầm khá phổ biến là dự thảo Luật mới “bỏ con dấu của doanh nghiệp”. Tuy nhiên, thực chất dự thảo Luật chỉ bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Sửa đổi này không phải là bãi bỏ hoàn toàn việc sử dụng dấu của doanh nghiệp mà chỉ khẳng định quyền tự quyết của doanh nghiệp trong việc có hoặc không có con dấu, quyết định sử dụng con dấu hay sử dụng phương tiện điện tử khác thay thế (chẳng hạn chữ ký điện tử).

Các ý kiến tại hội thảo đồng tình với nhận định bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu không chỉ có ý nghĩa trong việc cắt giảm chi phí không cần thiết, mà còn giúp doanh nghiệp ý thức rõ ràng hơn trong việc sử dụng con dấu, gia tăng độ an toàn trong giao dịch kinh doanh...

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng xuất phát từ thực tiễn. Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục lấy ý kến các cơ quan, đơn vị để luật sửa đổi bám sát thực tiễn đi vào cuộc sống, bảo đảm thúc đẩy môi trường cạnh tranh, tạo thuận lợi cho các DN cũng như thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng hiệu quả.

V.H

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực