Sụt giảm của đồng nhân dân tệ và tác động tới nền kinh tế

Thứ hai, 21/09/2015 16:43

(ĐCSVN) - Phân tích lại hành động “phá giá” đồng nhân tệ (NDT) của Trung Quốc trong thời gian mới đây, người ta cho rằng, Trung Quốc sẽ phải điều hành tỉ giá linh hoạt hơn nhằm mục tiêu được IMF công nhận đồng tiền linh hoạt và đưa vào rổ tiền tệ quốc tế, từng bước quốc tế hóa đồng tiền của nước này.

 

 Sự sụt giảm đồng NDT và những tác động tới nền kinh tế (Ảnh: Báo An ninh Thủ đô)


Theo diễn biến mới đây nhất, Trung Quốc đã 3 lần “phá giá” đồng nhân dân tệ (NDT) so với đồng đô la Mỹ chỉ trong 4 ngày (11-13/8/2015), giảm tổng cộng 4,6% (mức giảm mạnh nhất trong hơn 20 năm (1994-2015). Vậy nguyên nhân phá giá đồng NDT Trung Quốc và tác động tới kinh tế Trung Quốc như thế nảo?

Nguyên nhân của việc giảm giá nhân dân tệ (NDT) Trung Quốc

Động thái giảm giá đồng NDT của Trung Quốc với mục tiêu: vừa thúc đẩy kinh tế trong nước, duy trì tăng trưởng và việc làm, vừa tăng quyền lực cho đồng NDT để từ đó củng cố vai trò toàn cầu của Trung Quốc.

Nguyên nhân giảm giá đồng NDT là do:

Thứ nhất, sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Tăng trưởng GDP Trung Quốc chỉ đạt 7,4% (2014). Dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, GDP của Trung Quốc không đạt 7% (2015) - là mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua (1990-2015). Với một quốc gia trên 1,3 tỷ dân như Trung Quốc, một sự sụt giảm nhỏ ở GDP cũng dẫn tới cảnh hàng chục triệu lao động mất việc làm. Điều đáng lo ngại là các chỉ số kinh tế vĩ mô của Trung Quốc năm 2015 khá ảm đạm bất chấp Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã 4 lần cắt giảm lãi suất (từ tháng11/2014). Chỉ số giá cả sản xuất giảm 5,4% (7/2015) so với năm 2014 và đã giảm liên tục trong 40 tháng. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI (Purchasing Managers’ Index) rơi xuống mức 47,6 - mức thấp nhất từ tháng 3/2009. Chỉ số giá sản xuất PPI (Production Price Index) đều giảm rất mạnh. Thậm chí, PPI giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009. Trung Quốc hy vọng, việc phá giá đồng NDT sẽ làm cho hàng hóa của Trung Quốc rẻ hơn. Do vậy, Trung Quốc sẽ lấy lại được đà tăng trưởng nhờ lợi thế xuất khẩu.

Thứ hai, kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh. Việc Trung Quốc phá giá đồng NDT xuất phát từ chỉ số xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm mạnh; nền kinh tế bị suy yếu nhanh trong khi cầu trong nước chưa thể hiện được vai trò hỗ trợ tăng trưởng. Trung Quốc muốn sử dụng cầu bên ngoài để chống lại sự suy giảm tăng trưởng. Xuất khẩu của Trung Quốc giảm 8,3% (tương ứng giảm 0,9%) và nhập khẩu giảm 8,1% (tương ứng giảm 14,6%) tính tới tháng 7/2015 so với cùng kỳ năm 2014. Doanh số bán xe ôtô mới giảm 7,1%. Đây là những con số tồi tệ nhất trong giai đoạn 2014-2015 của Trung Quốc. Hậu quả của hoạt động xuất nhập khẩu giảm dẫn đến nguồn dự trữ ngoại hối của Trung Quốc cũng giảm mạnh, từ mức 3.730 tỷ USD (4/2015) xuống 3.651 (7/2015). Dự báo, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sẽ vẫn tiêp tục giảm xuống còn 3.450 tỷ USD (12/2015). Trung Quốc đang ở trong môi trường kinh tế tài chính cực kỳ xấu và bất lợi nhất trong 2 thập ký qua (1995-2015).

Thứ ba, dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy ra khỏi Trung Quốc ngày càng nhiều. Bất chấp Ngân hàng Trung Quốc (PBoC-People’s Bank of China)) bơm thêm vào thị trường tiền tệ 120 tỉ NDT (khoảng 18 tỉ USD) nhưng dòng vốn đầu tư rời khỏi Trung Quốc ngày càng nhiều do môi trường đầu tư Trung Quốc đang mất dần sức cạnh tranh. Giá nhân công tăng cao, mỗi năm tăng trung bình 11,6% trong thập kỷ (2005-2015), Triển vọng kinh tế ảm đạm là những nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư rút vốn khỏi Trung Quốc. Năm 2014, đã có 800 tỷ USD bị rút ra khỏi thị trường Trung Quốc. Thêm vào nữa, phần lớn tiền của tầng lớp trung lưu cũng được chuyển ra nước ngoài do sự bất ổn của đồng NDT. Điều này sẽ đẩy lãi suất cơ bản tăng cao trong tương lai. Ngân hàng PBoC có thể sẽ phải bán thêm ngoại tệ trong quỹ dự trữ nhằm ổn định tỉ giá NDT và thậm chí phải áp dụng biện pháp quyết liệt hơn để giữ lại dòng vốn đầu tư như cắt giảm yêu cầu dự trữ của các ngân hàng.

Thứ tư, thị trường chứng khoán Trung Quốc sa sút. Thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm mạnh sau nhiều năm hình thành bong bóng và dòng vốn đầu tư bị rút ra ồ ạt. Đỉnh điểm của sự sụt giảm thị trường chứng khoán là chỉ số Hanghai Composite giảm 8,48% xuống còn 3.725,56 điểm. Đây là phiên giảm điểm mạnh nhất của thị trường chứng khoán Trung Quốc trong giai đoạn 8 năm (2007-2015). Thị trường chứng khoán Thâm Quyến mất 7,61%, kéo theo chỉ số Hang Seng (Hồng Kong) giảm 5,17%. Thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn đang tiếp tục lao dốc bất chấp nhiều biện pháp cứu thị trường được thực hiện. Trung Quốc đã phải tung rất nhiều tiền để cứu vãn thị trường chứng khoán và bơm 100 tỷ USD (19/8) cho hai ngân hàng lớn và 17 tỉ USD cho 14 định chế tài chính. Để phản ứng với đà lao dốc của thị trường chứng khoán, Trung Quốct lần đầu tiên cho phép các Quĩ lương hưu đầu tư vào thị trường trái phiếu. Việc sử dụng Quỹ lương hưu cho thấy chính phủ Trung Quốc đã cạn dần các biện pháp để hỗ trợ thị trường.

Tác động đối với nền kinh tế Trung Quốc

Giảm mạnh tỷ giá đồng NDT sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế Trung Quốc. Việc giảm giá đồng NDT về cơ bản không đóng vai trò to lớn trong việc mang lại những lợi thế cho thương mại của Trung Quốc. Hiện, xuất khẩu của Trung Quốc chiếm hơn 12% xuất khẩu toàn cầu. Sự phá giá đồng nội tệ sẽ có lợi cho các nhà xuất khẩu và ngành công nghiệp nặng. Nhưng nếu tỷ lệ này tiếp tục nâng cao hơn nữa có thể sẽ tác động xấu đến các điều khoản thương mại của Trung Quốc. Sản xuất hàng hóa giữ vai trò chủ đạo trong thương mại của Trung Quốc, tức là nhập khẩu nguyên liệu và linh kiện để sản xuất xuất khẩu. Vì vậy, việc giảm giá đồng NDT sẽ tác động xấu tới những công ty phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Chi phí cho hàng nhập khẩu sẽ tăng lên khi đồng nội tệ trở nên yếu đi. Phần nhiều hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc là bổ sung thay vì cạnh tranh với hàng hóa nước khác, là một phần trong chuỗi cung ứng sản xuất hội nhập khu vực hoặc thế giới. Nếu chỉ do hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn chút do đồng NDT yếu, điều này không có nghĩa hàng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tăng mạnh về khối lượng. Xuất khẩu không chỉ phụ thuộc vào giá mà còn phụ thuộc vào nhu cầu nước ngoài. Điều này lại phụ thuộc vào tăng trưởng thu nhập ở nước ngoài.

Đồng NDT yếu làm cổ phiếu của các hãng hàng không Trung Quốc giảm mạnh. Chi phí cho xăng dầu bằng đồng USD cao hơn sẽ đánh vào túi tiền của các hãng hàng không Trung Quốc.

Trung Quốc hiện nắm giữ các khoảng nợ và tài sản nước ngoài rất lớn. Các khoản vay nước ngoài của các công ty phi tài chính Trung Quốc lên tới 1.000 tỷ USD. Việc giảm giá đồng NDT sẽ làm tăng gánh nặng nợ cho các doanh nghiệp Trung Quốc, làm tăng mức độ rủi ro của các khoản vay xấu và nguy cơ phá sản của các doanh nghiệp.

Bên cạnh những rủi ro ngắn hạn của việc phá giá đồng NDT, Trung Quốc đang tích cực thực hiện mục tiêu dài hạn, đó là chuyển từ mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư và xuất khẩu sang tập trung vào tiêu dùng trong nước. Thực tế, Trung Quốc đang có kế hoạch giảm bớt dư thừa hàng hóa bởi quy mô sản xuất vẫn rất lớn. Trung Quốc đang tăng nhu cầu trong nước để giảm bớt những tác động tiêu cực của sản xuất dư thừa mang lại.

Dự báo, Trung Quốc sẽ có thể còn tiếp tục phá giá đồng NDT và điều này sẽ tác động tiêu cực hơn nữa cho các nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế châu Á. Tuy nhiên, Trung Quốc không thể phá giá NDT tới mức 10% bởi lẽ: Một là, Trung Quốc đã tuyên bố không phá giá đến mức 10% sau 3 đợt phá giá liên tiếp (11-13/8/2015); Hai là, nếu Trung Quốc phá giá nhiều sẽ ảnh hướng đến nhiều mặt kinh tế do nhập khẩu sẽ bị thiệt thòi, nợ nước ngoài của doanh nghiệp tăng. Trong khi nợ công và nợ địa phương của Trung Quốc đang gia tăng nhanh và hiện ở mức báo động. Tổng nợ của Trung Quốc đã lên mức 282% GDP (2015). Tổng nghĩa vụ trả nợ của các chính quyền địa phương đã lên đến 25.000 tỷ NDT, lớn hơn cả nền kinh tế Đức. Lạm phát tại Trung Quốc cũng có thể tăng do chi phí nhập khẩu bằng ngoại tệ tăng, kéo theo nguy cơ chảy vốn khỏi Trung Quốc tăng lên do các nhà đầu tư lo lắng tài sản của họ bị mất giá theo đà giảm của NDT; Ba là, nếu đồng NDT rớt quá mạnh có thể gây phản tác dụng đối với những công ty Trung Quốc đang đầu tư ra nước ngoài. Theo đánh giá của Tom Orlik (đại diện văn phòng Gloomberg Intelligence), cứ 1% giá trị NDT mất đi, có thể đem về 1% tăng xuất khẩu nhưng cũng giảm 40 tỉ USD vốn chạy ra khỏi Trung Quốc. Bởi vậy, Trung Quốc sẽ phải điều hành tỉ giá linh hoạt hơn nhằm mục tiêu được IMF công nhận đồng tiền linh hoạt và đưa vào rổ tiền tệ quốc tế bởi động thái thực của Trung Quốc không nhằm mục đích nâng tính cạnh tranh cho xuất khẩu, mà mục tiêu chính là những cuộc cải cách dài hạn tiến tới quốc tế hóa đồng NDT.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực