Tăng cường công tác xây dựng Đảng ở khu vực kinh tế tư nhân

Thứ năm, 18/01/2018 16:19
(ĐCSVN) - Để phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nói chung, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) nói riêng đòi hỏi Đảng ta cần phải có những chủ trương cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát huy tốt thế mạnh và khắc phục những hạn chế góp phần phát triển KTTN theo đúng định hướng.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: saigondautu.com.vn)

Công tác xây dựng Đảng ở khu vực KTTN

Quán triệt các quan điểm của Đảng, Bộ Chính trị (khoá VIII) đã có Chỉ thị số 07- CT/TW, ngày 23-11-1996 "Về tăng cường công tác xây dựng đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân (gọi tắt là doanh nghiệp tư nhân) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài". Năm 2010, Ban Bí thư có Kết luận số 80-KL/TW ngày 29-7-2010 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới. 

Để cụ thể hóa một bước về mô hình tổ chức Đảng, Ban Tổ chức Trung ương có Hướng dẫn số 21 –HD/BTCTW, ngày 17-10-2013. Trước đó ngày 30-1-2013, Ban Tổ chức Trung ương có Hướng dẫn số 17 về thí điểm việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đủ tiêu chuẩn vào Đảng. Từ chủ trương này, một số cấp ủy đã tích cực vào cuộc và đạt kết quả bước đầu. Đồng thời Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2014/NĐ-CP, ngày 24-10-2014, Qui định về việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; trong đó có công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân, …

Qua triển khai thực hiện nhiều tỉnh, thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ra nghị quyết chuyên đề, chỉ thị, chương trình về công tác xây dựng Đảng, bước đầu đạt được một số kết quả. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều thành lập Đảng bộ Khối doanh nghiệp trực thuộc tỉnh, thành ủy; thành lập Ban chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, trong khu vực KTTN, tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển tổ chức Đảng nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh tạo việc làm ổn định cho người lao động; xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành, các cấp ở địa phương khảo sát tình hình đảng viên, đoàn viên, hội viên là công nhân lao động làm việc trong khu vực KTTN  nhưng chưa có tổ chức Đảng, vận động, thuyết phục chủ doanh nghiệp tiến hành thành lập tổ chức Đảng khi đủ điều kiện.

Nếu như năm 1996, khi có Chỉ thị 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII), gần như chưa có tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (DNNKVNN) thì đến hết năm 2013, theo thống kê của Ban Tổ chức Trung ương, đã có 5.656 tổ chức cơ sở Đảng và 175.793 đảng viên trong khu vực KTTN. Tính đến cuối năm 2013, trong các đảng bộ tỉnh, thành phố, có một số đảng bộ có số lượng tổ chức Đảng, đảng viên trong các khu vực KTTN tăng mạnh, như: Hà Nội: số tổ chức Đảng có 1.095 và số đảng viên là 22.268. Tương tự, TP. Hồ Chí Minh hiện nay, có 25 chủ doanh nghiệp tư nhân là đảng viên, hơn 1.000 tổ chức Đảng với hơn 18.600 đảng viên trong các khu vực KTTN chiếm gần 9% đảng viên toàn Đảng bộ Thành phố, trong khi tỷ lệ này cả nước chỉ khoảng hơn 4%. Thực tế cho thấy DN nào có tổ chức Đảng, tổ chức đoàn thể thì ở đó tính công khai minh bạch cao hơn, chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước tốt hơn, ít xảy ra đình công, lãn công, qua hệ giữa chủ DN và người lao động gắn bó hơn…

Tuy nhiên, việc xây dựng, phát triển tổ chức Đảng trong các khu vực KTTN hiện vẫn còn nhiều hạn chế, số lượng khu vực KTTN chưa có tổ chức Đảng còn rất lớn, trong đó có những doanh nghiệp có hàng nghìn lao động nhưng chưa có tổ chức Đảng. Nội dung, phương thức hoạt động của nhiều tổ chức Đảng trong các khu vực KTTN còn lúng túng, chưa thể hiện rõ vị trí, vai trò của tổ chức Đảng, không đóng góp được cho doanh nghiệp, nên vai trò của tổ chức Đảng mờ nhạt, hoạt động khó khăn. Nhìn chung, ảnh hưởng của tổ chức Đảng trong các khu vực KTTN đối với chủ doanh nghiệp, người quản lý và công nhân, lao động trong doanh nghiệp còn hạn chế. 

Số tổ chức Đảng có hoạt động ổn định, có vai trò, tác dụng được doanh nghiệp, quần chúng thừa nhận chưa nhiều. Việc xác định mô hình tổ chức, quản lý các tổ chức Đảng trong khu vực KTTN hiện nay vẫn đang trong quá trình tìm tòi, chưa có mô hình thống nhất, gây lúng túng, trở ngại cho quản lý và hoạt động của tổ chức Đảng trong các khu vực KTTN. Hiện nay, các tổ chức Đảng trong khu vực KTTN trực thuộc nhiều cấp ủy khác nhau. Có những tổ chức Đảng thuộc đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh, đảng ủy khối doanh nghiệp quận, huyện, đảng ủy khu chế xuất, khu công nghiệp,... Nhưng cũng có những tổ chức Đảng trực thuộc tỉnh, thành ủy, quận, huyện ủy hoặc đảng ủy xã, phường, thị trấn. Do chưa được phân loại kịp thời theo quy mô tổ chức Đảng và quy mô doanh nghiệp, nên có tình trạng chi bộ chỉ mấy đảng viên lại trực thuộc Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh, đảng bộ có hàng trăm đảng viên, hàng nghìn lao động, hoạt động trên phạm vi toàn quốc lại trực thuộc đảng ủy xã, phường.

Ngoài ra còn có nguyên nhân khác đó là do sự cạnh tranh gay gắt trong nền kinh tế thị trường, một số chủ DN phải bươn chải để ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống của người lao động nên chưa thật sự quan tâm đến việc phát triển đảng viên, đoàn viên và tổ chức Đảng, đoàn thể. Một số chủ DN còn e ngại việc phát triển đảng viên, nhất là phát triển đảng viên là chủ DN và thành lập tổ chức Đảng, công đoàn trong DN. Một số tổ chức Đảng ở DN số đảng viên trong chi bộ chỉ là bảo vệ hoặc đảng viên gia đình cũng thành lập chi bộ cho nên vai trò lãnh đạo ở đây mờ nhạt, không phát huy được. Có chủ DN không muốn vào đảng bởi lo ngại vai trò gương mẫu trong mọi hoạt động như môi trường, đóng thuế, công tác xã hội là những nội dung rất khó khăn. Vấn đề sinh hoạt đảng cũng đặt ra nhiều khó khăn như thời gian, nội dung kinh phí; việc gặp gỡ tiếp xúc với chủ DN để thực hiện công tác xây dựng đảng, đoàn thể gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, không ít người lao động cũng “thờ ơ” với việc phấn đấu vào Đảng, khi được hỏi chuyện về hướng phấn đấu, về nguyện vọng đứng vào hàng ngũ của Đảng, nhiều người lao động nói rất hồn nhiên: “Làm Nhà nước mới vô Đảng, mình làm tư nhân vô Đảng làm gì”. Rõ ràng, ở đây, từ sâu thẳm trong tư tưởng, tình cảm của người lao động, tổ chức Đảng, đảng viên chỉ dành cho những người làm việc ở khu vực Nhà nước. Chính vì vậy, đại đa số người lao động ở khu vực ngoài nhà nước chưa thật sự có nguyện vọng đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Bên cạnh đó, do đời sống kinh tế của một bộ phận công nhân còn thấp nên vấn đề họ quan tâm chủ yếu là việc làm, thu nhập để cải thiện cuộc sống. Khi chưa xác định rõ mục đích lý tưởng vào Đảng thì tâm lý ngại học tập chính trị, hội họp, đóng đảng phí của một số người lao động là điều dễ hiểu. Ở không ít DN, đời sống văn hóa, tinh thần của công nhân còn nghèo nàn, ít có điều kiện tiếp cận với các sản phẩm văn hóa, phương tiện thông tin đại chúng cũng như tham gia các hoạt động xã hội nên hiểu biết về tình hình kinh tế - xã hội, về Đảng còn hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tu dưỡng, phấn đấu vươn lên để được kết nạp vào Đảng.

Để thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng ở khu vực KTTN xin được nêu một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về xây dựng, phát triển tổ chức Đảng trong khu vực KTTN

Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những hạn chế trong việc phát triển tổ chức Đảng trong khu vực KTTN là do không ít cán bộ, đảng viên, cấp uỷ đảng và thành viên hội đồng quản trị, giám đốc doanh nghiệp chưa nhận thức rõ về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc xây dựng, phát triển tổ chức Đảng trong khu vực KTTN; chưa nhận thức đúng về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng trong các khu vực KTTN. Bởi vậy, việc quán triệt học tập các Nghị quyết của Đảng về sự tồn tại và phát triển cũng như vai trò của khu vực KTTN trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có vai trò quan trọng.

Nghị quyết Đại hội VI của Đảng năm 1986 chính thức công nhận khu vực KTTN đến Hội  nghị Trung ương 5 khóa IX, lần đầu tiên, vấn đề phát triển kinh tế tư nhân đã được ra Nghị quyết riêng “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”. Trong đó khẳng định “Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa”. Quan niệm về KTTN ngày càng được sáng tỏ tại Văn kiện Đại hội X năm 2006, đã nhận định KTTN là khu vực “có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế” và Đại hội XI năm 2011 Đảng đã chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế”. Đến Nghị quyết Đại hội XII của Đảng năm 2016, khu vực KTTN đã được coi là “một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Đây là bước tiến quan trọng trong tư duy lý‎ luận của Đảng về vai trò của các khu vực kinh tế nhìn từ phương diện sở hữu. Khu vực nhà nước thông qua cổ phần hóa sẽ dần nhường chỗ cho khu vực KTTN thực hiện vai trò động lực tăng trưởng, vì chỉ có khu vực KTTN mới có sự năng động, thích ứng nhanh với sự biến động của nền kinh tế thị trường. Thể hiện tính nhất quán của đường lối đổi mới theo hướng kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, tạo nên động lực và sự yên tâm cho các doanh nhân và nhà đầu tư được tự do kinh doanh theo pháp luật.

Trên cơ sở các quan điểm đó cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp cần lựa chọn hình thức thích hợp tuyên truyền, vận động để các chủ doanh nghiệp, các thành viên hội đồng quản trị doanh nghiệp nắm được quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, nhất là chủ trương của Đảng về phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong khu vực KTTN, giúp họ hiểu đúng vai trò, chức năng nhiệm vụ của tổ chức Đảng trong khu vực KTTN; thấy được mục đích, lợi ích của việc thành lập tổ chức Đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp. Hằng năm, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tổ chức gặp mặt, động viên biểu dương các doanh nghiệp làm tốt công tác xây dựng đảng, xây dựng các đoàn thể, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; biểu dương, khen thưởng các tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, các đoàn thể nhân dân vững mạnh, xuất sắc.

Hai là, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của chủ doanh nghiệp đối với việc tổ chức và hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể trong khu vực KTTN.

Muốn thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể thì phải làm cho thông nhận thức và tư tưởng của chủ doanh nghiệp. Thực tế cho thấy khi đã “thông” về tư tưởng, chủ các doanh nghiệp sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ, tạo điều kiện; còn không thì chưa nói đến việc gây khó dễ, mà chỉ cần không ủng hộ, không tạo điều kiện là mọi việc khó có thể triển khai thực hiện. Cấp ủy cấp trên phải trực tiếp gặp gỡ, tuyên truyền, vận động, tọa đàm, giao lưu, đối thoại trực tiếp với chủ doanh nghiệp, để chủ doanh nghiệp thấy được việc thành lập tổ chức chính trị trong doanh nghiệp không chỉ bảo đảm lợi ích tổ chức Đảng, đoàn thể mà chính là đem lại lợi ích cho doanh nghiệp vì tổ chức Đảng, đoàn thể chính là cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quận, huyện, thành phố. Thông qua đó có nhiều chủ doanh nghiệp, người lao động tự giác đăng ký thành lập và tham gia tổ chức Đảng, đoàn thể.

Ba là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Đảng phù hợp và thiết thực góp phần thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Đảng trong khu vực KTTN phải hướng vào thúc đẩy thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp; phát huy vai trò các đoàn thể cùng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ lợi ích chính đáng cho người lao động và doanh nghiệp. Muốn thực hiện thắng lợi công tác xây dựng và củng cố tổ chức Đảng trong khu vực KTTN thì phải lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm, nâng cao đời sống người lao động và doanh nghiệp.

Từ đó, họ mới tin tưởng và tham gia xây dựng Đảng, làm tròn trách nhiệm của mình đối với Đảng. Phải động viên các tổ chức đoàn thể quần chúng nâng cao vai trò và sức mạnh của mình, khuyến khích người lao động, tạo phong trào thi đua trong từng doanh nghiệp. Xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ, quy chế đối thoại với lãnh đạo doanh nghiệp, phát huy quyền làm chủ của người lao động là động lực mạnh mẽ để giữ vững ổn định và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội trong khu vực KTTN; kiện toàn tổ chức, nhân sự, nâng cao chất lượng chất lượng hoạt động của các đảng ủy doanh nghiệp quận, huyện.

Thực tế cho thấy, cách làm của các tỉnh, thành ủy khá đa dạng, nhưng mô hình Đảng bộ khối doanh nghiệp quận, huyện tỏ ra thích hợp hơn để duy trì hoạt động của các tổ chức Đảng trong khu vực KTTN và nơi sinh hoạt đảng ổn định cho đảng viên. Khi thành lập Đảng bộ khối doanh nghiệp quận, huyện, cần linh hoạt trong việc xác định cơ cấu tổ chức, bố trí cán bộ làm bí thư, phó bí thư đảng ủy khối khu vực KTTN. Do cán bộ chỉ được bố trí trong khung biên chế khối đảng, đoàn thể, nên có thể phân công một đồng chí ủy viên ban thường vụ huyện ủy làm bí thư kiêm nhiệm, hoặc bố trí một đồng chí ủy viên Ban chấp hành đảng bộ huyện làm bí thư chuyên trách. Thực tế cho thấy, phổ biến nhất là mô hình đồng chí phó ban tổ chức quận, huyện ủy làm bí thư kiêm nhiệm và có thêm một hoặc hai cán bộ ban tổ chức quận, huyện ủy làm cán bộ chuyên trách, có thể thêm cán bộ hợp đồng khi cần thiết. Việc lựa chọn người làm Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp khu vực KTTN nói riêng, Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp nói chung, cần có sự cân nhắc theo hướng tìm người có hiểu biết nhất định về lĩnh vực kinh tế, có uy tín với chủ doanh nghiệp và có năng lực tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo công tác Đảng trong khu vực KTTN.

Năm là, nâng cao chất lượng cấp ủy đảng trong khu vực KTTN; bố trí bí thư cấp ủy là người có uy tín, có vai trò trong doanh nghiệp. Xây dựng và phát huy vai trò của công đoàn và các đoàn thể trong các doanh nghiệp để chăm lo bảo đảm lợi ích của người lao động, đẩy mạnh phát triển đảng viên.

Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cấp ủy viên của các tổ chức Đảng trong DNNKVNN. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng cần phù hợp và thiết thực đối với từng nhóm đối tượng. Đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dường nghiệp vụ, kỹ năng công tác cho các cấp uỷ viên, lãnh đạo các đoàn thể. Vai trò của tổ chức Đảng trong DNNKVNN phụ thuộc rất lớn vào vị trí, vai trò của bí thư cấp uỷ. Kinh nghiệm cho thấy, nếu bí thư làm chủ doanh nghiệp, là giám đốc, phó giám đốc; chủ tịch, phó chủ tịch HĐQT, hoặc chủ tịch công đoàn thì rất thuận lợi cho tổ chức Đảng. 

Thường xuyên khảo sát, nắm chắc tình hình doanh nghiệp và lao động trên địa bàn, làm cơ sở lập kế hoạch phát triển đoàn viên, công đoàn cơ sở; đổi mới phương thức tập hợp, tuyên truyền để công nhân, viên chức, lao động hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức Công đoàn Việt Nam, thấy được lợi ích của bản thân, của doanh nghiệp khi thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở, giảm bớt sự phụ thuộc từ chủ doanh nghiệp.

Sáu là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, giúp đỡ của cấp ủy cấp trên, nhất là cấp ủy cấp trên trực tiếp; có chế độ, chính sách phù hợp đối với cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể nhân dân trong các DNNKVNN.

Cấp ủy các cấp thường xuyên theo dõi hỗ trợ và giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc của tổ chức Đảng trong các DNNKVNN. Quan tâm hướng dẫn nội dung, phương pháp hoạt động phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tạo điều kiện để các tổ chức Đảng được thành lập tồn tại, phát triến và hoạt động có hiệu quả. Cần thực hiện tốt chế độ, chính sách phù hợp đối với cán bộ làm công tác Đảng, đoàn thể trong các DNNKVNN.

Trước mắt, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Quyết định số 84-QD/TW của Ban Bí thư; Thông tư liên tịch số 225 của Liên Bộ Tài chính - Ban Tài chính Quản trị Trung ương (nay là Văn phòng Trung ương); Thông báo số 13-TB/TW, ngày 28-3-2011 của Bộ Chính trị về việc sửa đổi những bất hợp lý về tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan đảng, đoàn thể chính trị - xã hội và các văn bản hiện hành của Đảng, Nhà nước về kinh phí, nguồn chi trả cho các hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể. Cố gắng vận dụng ở mức cao nhất các quy định trên nhằm tạo ra sự hỗ trợ cần thiết cho các cán bộ trong công tác đảng, đoàn thể tại các doanh nghiệp.

Nguyễn Văn Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực