Tăng cường liên kết, đồng bộ quy hoạch, rà soát đất đai nâng cao hiệu quả các nông lâm trường

Thứ sáu, 23/10/2015 18:15

(ĐCSVN) – Thời gian qua, vấn đề sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh (NLTQD) được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập cần phải được khắc phục nhất là với việc quản lý sử dụng đất để gia tăng hiệu quả hoạt động của các đơn vị này, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về rà soát, sắp xếp, đổi mới các NLTQD và Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22/9/2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh cùng Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 22/9/2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh, Bộ chính trị đã có đánh giá lại việc thực hiện NQ 28.

 
 Cần nhanh chóng đo đạc cắm mốc lại trên thực địa để tránh lấn chiếm, tranh chấp về đất rừng (Ảnh: HNV)

Từ kết quả tổng kết đánh giá, ngày 12/03/2014, Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Kết quả tổng kết thực hiện Nghị quyết 28 cho thấy còn nhiều vấn đề tồn tại trong sắp xếp đổi mới NLTQD, trong đó có vấn đề quản lý sử dụng đất. Nhằm thực hiện tốt chức năng giám sát các chính sách, pháp luật đã ban hành, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 820/NQ-UBTVQH13 ngày 17/10/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thành lập đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật việc quản lý, sử dụng đất đai tại các NLTQD giai đoạn 2004-2014”. Sau chuyến đi tìm hiểu, đánh giá và thị sát của đoàn giám sát, hiện nay, UBTVQH đang giao các đơn vị liên quan khẩn trường hoàn thành báo cáo giám sát này, dự kiến trình Quốc hội trong kỳ họp lần này.

Thực trạng hoạt động của các NLTQD hiện nay

NLTQD là tổ chức kinh tế nhà nước, được Nhà nước giao quản lý một diện tích đất khá lớn ( trên 7,5 triệu ha, bằng 1/3 diện tích đất nông nghiệp hiện nay để phát triển sản xuất). Trong hơn 50 năm qua, nông lâm trường quốc doanh đã có vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước; sản xuất một lượng sản phẩm hàng hóa lớn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động trong cả nước…Tuy nhiên, bước sang thời kỳ đổi mới, chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường định hướng XHCN, do nhiều nguyên nhân, hoạt động của NLTQD đã bộc lộ các hạn chế, yếu kém cả về tổ chức quản lý sản xuất, về quản lý sử dụng đất đai… Do vậy, việc quản lý, sử dụng hiệu quả diện tích đất đai tại các NLTQD đang được sự quan tâm của toàn xã hội. Vấn đề này càng trở nên cấp thiết khi chúng ta thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, quy mô công nghiệp và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Thực tế, với 02 Nghị quyết của Bộ Chính trị Nghị quyết 28/NQ-TW, Nghị quyết 30/NQ-TW cùng với gần 60 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành liên quan đến quản lý NLTQD, việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng cũng như hiệu quả thực thi các vấn đề liên quan nhất là với quản lý đất đai của NLTQD vẫn còn nhiều điều phải bàn thêm.

Theo TS Phùng Đức Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường của Quốc hội, tính từ năm 2004 tới nay, chúng ta đã có 2 lần rà soát, tổng kiểm kê đất, 1 lần rà soát quy hoạch tổng thể 3 loại rừng. Theo các đợt kiểm kê, rà soát trên, quy hoạch đất đai NLTQD cũng có sự điều chỉnh, thay đổi. Tuy nhiên, công tác cắm mốc, đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không được triển khai thực hiện đồng bộ nên thực tế dẫn đến tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai kéo dài, không thực hiện nghĩa vụ tài chính như giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất… và nhiều bất cập khác như báo cáo số 314/BC-CP ngày 25/6/2015 của Chính phủ đã nêu.

Thêm nữa, sau chuyển đổi, từ 256 lâm trường quốc doanh đã thành 148 công ty TNHH một thành viên, 03 công ty cổ phần, thành lập mới 91 Ban quản lý rừng, 14 đơn vị giải thể và diện tích đất quản lý chỉ còn 2,2 triệu ha, giảm 1,8 triệu ha (trong đó giao Ban quản lý rừng là 1,35 triệu ha, trả về địa phương quản lý là 415.125 ha); từ 185 nông trường sắp xếp còn 145 công ty nông nghiệp với diện tích đất quản lý là 590ha. Tuy nhiên, về bản chất cơ chế quản lý vẫn chưa được đổi mới căn bản theo mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết 30-NQ/TW đề ra là “Tạo sự chuyển biến căn bản về phương thức tổ chức quản lý và quản trị doanh nghiệp; sản xuất nông, lâm nghiệp phải gắn với công nghiệp chế biến và thị trường theo chuỗi giá trị hàng hóa. Chuyển các công ty TNHH nhà nước nông lâm nghiệp thực hiện nhiệm vụ kinh doanh sang công ty cổ phần theo quy định của pháp luật…”. Hiện tại, chỉ một số doanh nghiệp cao su sản xuất, kinh doanh có lãi, phần đông các NLTQD hoạt động kém hiệu quả. Việc xây dựng phương án tổ chức sản xuất sau chuyển đổi do các công ty nông lâm nghiệp tự xây dựng nên không tránh khỏi tình trạng “tự soi gương sửa mình”, thiếu tiêu chí chuyển đổi để thẩm định, cho phép.

Hiện nay, các công ty nông lâm nghiệp đang hoạt động dưới 03 hình thức chính là: 1)Tự tổ chức sản xuất 336.952ha; (2) Khoán sử dụng đất 131.958ha; (3) Liên doanh, liên kết 18.824 ha. Mặc dầu vậy, vẫn chưa có tổng kết, đánh giá về hiệu quả của các mô hình hoạt động này. Vẫn có tình trạng khoán trắng, bỏ hoang hóa đất; trách nhiệm về tài chính đất đai của NLTQD còn không được thực hiện, nợ đọng tài chính kéo dài.

Các NLTQD vốn là các đơn vị sản xuất trong thời kỳ kế hoạch hóa tập trung nên khi chuyển sang cơ chế thị trường, nhiều NLTQD gặp khó khăn về hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật, thiếu hụt về vốn đầu tư; về áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ chậm; sản xuất đơn lẻ không theo chuỗi giá trị; dự báo thị trường xác tiến thương mại kém nên sản phẩm kém chất lượng, sức cạnh tranh yếu…Vì vậy, việc định hướng chuyển đổi, xác định rõ tiêu chí chuyển đổi, tìm kiếm mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả để triển khai, áp dụng cho phù hợp với điều kiện thực tế của các NLTQD là cần thiết, nhất là khi các tổ chức này đang quản lý một diện tích đất canh tác lớn (trên 4 triệu ha) là một lợi thế lớn về đất đai để phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, quy mô công nghiệp.

Bên cạnh đó, các NLTQD gặp khó khăn về vốn đầu tư sản xuất; áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm từ khâu giống đến quy trình canh tác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, phải áp dụng công nghệ cao trong canh tác, sản xuất nông nghiệp. Do vậy, cần có những đánh giá việc tiếp cận chính sách về vốn, tài chính thời gian qua của NLTQD một cách đúng đắn để có những chế độ chính sách đặc thù phù hợp về tài chính, tín dụng, về tài chính đối với đất đai, nhân lực, hạ tầng cho phát triển sản xuất… để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này.

Nhanh chóng đo đạc thực địa, bổ sung chính sách… để nâng cao hiệu quả sắp xếp, đổi mới NLTQD

 

 Gây trồng và bán giống cây lâm nghiệp - một trong nhiều hoạt động của công ty lâm nghiệp Đông Bắc, Lạng Sơn (Ảnh: HNV)


Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai các NLTQD, theo các nhà quản lý, các chuyên gia, cần sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan để quản lý, sử dụng đất đai được tốt hơn; môi trường kinh doanh thuận lợi hơn; triển khai các ưu đãi về vốn, về quỹ đất; phân bố quyền chủ động của NLTQD trong các hoạt động liên doanh liên kết cũng như lựa chọn mô hình tổ chức quản lý phù hợp, đúng định hướng một cách chi tiết hơn; xây dựng các tiêu chí chuyển đổi mô hình hoạt động và nguồn lực để giải quyết các tồn đọng, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi như: quy hoạch, đo đạc địa chính, xây dựng bản đồ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; khoanh nợ, giải quyết các nợ đọng về đất đai; lấn chiếm, tranh chấp đất đai…Làm được như vậy, tin rằng, chúng ta sẽ phát huy được nguồn lực đất đai to lớn vào phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành công.

Không thể phủ nhận vai trò của các NLTQD trong thời gian trước đây là rất lớn. Tuy nhiên hiện nay việc quản lý và sử dụng đất đai tại các NLTQD còn một số bất cập cần phải giải quyết. Có thể kế đến, quy hoạch còn yếu kém, nhiều quy hoạch không được đi vào thực tiễn hoặc khó triển khai tại các địa phương. Dự kiến sẽ có 6 mô hình khi rà soát sắp xếp lại các NLTQD, tuy nhiên, có thể nghiên cứu thêm và rút ngắn chỉ còn lại 3 loại mô hình: (i) Ban quản lý rừng phòng hộ, đối với đơn vị quản lý diện tích rừng chủ yếu là rừng phòng hộ; (ii) Công ty cổ phần với đơn vị quản lý rừng có trên 70% diện tích rừng là rừng sản xuất; (iii) giải thể các đơn vị quản lý diện tích rừng nhỏ (dưới 5000 ha).

Đối với việc cắm mốc, đo đạc trên thực địa, nhiều ý kiến cho rằng, về mặt kinh phí không lớn so với tổng thể nguồn thu của quốc gia nhưng nếu việc này không được thực hiện sớm, thì tình trạng tranh chấp, lấn chiếm sẽ vẫn xảy ra trên thực địa và ngày càng phức tạp. Do đó, trong báo cáo giám sát của Quốc hội tới đây cần nhấn mạnh vấn đề này.

Điều quan trọng là cần xác định rõ trong vấn đề tái cơ cấu, đặc biệt là cổ phần hóa các NLT. Thêm nữa, cũng cần cân nhắc hỗ trợ tài chính trong rà soát, sắp xếp lại các NLT. Đồng thời lưu ý các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi vay vốn để các công ty nông, lâm nghiệp tiếp cận dễ dàng, phục vụ cho sản xuất – kinh doanh hiệu quả.

Kinh nghiệm của Nông trường Thống Nhất (Thanh Hóa) cho thấy, được Chính phủ đồng ý cho thí điểm xây dựng mô hình công ty TNHH 02 thành viên. Tuy nhiên, tài sản để lại từ thời bao cấp chỉ có một số máy móc cũ nên khi vay vốn ngân hàng không có tài sản thế chấp để vay vốn. Thêm nữa, trình độ của cán bộ nông trường còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng kịp yêu cầu mới. Đây là lý do để Nông trường liên kết với Vinamilk nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động.

Có thể thấy, đối với việc nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai tại các NLT hiện nay, rất cần khắc phục ngay các bất cập, hạn chế và chưa đồng bộ trong ban hành một số cơ chế, chính sách cũng như xem xét lại quy hoạch, rà soát đất đai. Thiết nghĩ, điều quan trọng hơn cả là phải nhanh chóng tổng kết các mô hình sản xuất của NLT hiện nay đang có hiệu quả để nhân rộng theo hướng tăng cường liên kết giữa các bên cũng như chuẩn bị nguồn kinh phí hợp lý để triển khai./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực