Tăng cường liên kết nông dân và doanh nhân nông nghiệp

Thứ sáu, 14/07/2017 16:22
(ĐCSVN) – Thực tế quá trình phát triển kinh tế đất nước ta đã cho thấy vai trò quan trọng của nông nghiệp. Trong xu hướng hiện nay, việc khuyến khích và phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực này được coi là cần thiết và là một trong những giải pháp trong phát triển kinh tế - xã hội.

Liên kết và liên kết chuỗi là cần thiết

Sự phát triển của nền kinh tế nước ta thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của nông nghiệp (Ảnh: HNV)

Không thể phủ nhận rằng, cho đến nay, nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển tương đối toàn diện, tăng trưởng khá, quan hệ sản xuất từng bước được đổi mới, phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường; giai cấp nông dân ngày càng chuyên nghiệp hơn, giàu có, khá giả hơn, là chủ các trang trại, các tổ hợp tác, hợp tác xã ngày càng tăng, làm ra khối lượng nông sản phẩm ngày càng lớn.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn cho biết, hiện đang có khoảng trên 4.500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo Luật Doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả. Mặc dù con số này chỉ chiếm khoảng dưới 1% số doanh nghiệp trong cả nước, nhưng các doanh nghiệp nông nghiệp đã có nhiều đóng góp quan trọng, tạo động lực, trở thành đầu tầu, là hạt nhân của tiến trình chuyển đổi cơ cấu nền nông nghiệp của Việt Nam, góp phần đưa nền nông nghiệp từng bước thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún, lạc hậu, tự cung tự cấp, thiếu tính chủ động, xa rời thị trường, năng suất thấp và luôn phụ thuộc vào thiên nhiên; bước đầu hình thành nền nông nghiệp phát triển theo ngành và lĩnh vực; phát huy thế mạnh của mỗi địa phương gắn với thị trường; Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi; Chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá trị văn hóa trong sản phẩm được chú trọng hơn, ngày càng có nhiều thương hiệu nông sản Việt Nam được thế giới chấp nhận…

Rõ ràng nền nông nghiệp đã có những phát triển vượt bậc và đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong suốt thời gian qua nhưng trong thực tế, nền nông nghiệp vẫn chưa phát triển như mong muốn, bà con nông dân cơ bản vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát dẫn đến khủng hoảng thừa. Trong khi đó, các doanh nghiệp nông nghiệp phần lớn vẫn bị động trong việc tạo ra nguồn nông sản, chủ yếu là thu mua gom nông sản để kinh doanh, xuất khẩu thô, giá trị thấp, chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; chưa tạo ra sự gắn bó, liên kết và những vùng nguyên liệu sản xuất theo chuỗi; thu nhập của cả nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp thiếu ổn định…

Thời gian qua, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn: những bất lợi của thị trường và hội nhập, biến đổi khí hậu diễn ra khắc nghiệt; tác hại của ô nhiễm môi trường; vấn đề vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng; vấn đề tín dụng đen; tình trạng được mùa mất giá…

Điều này đã dẫn đến hiện tượng không ít nông dân đã từ bỏ nghề truyền thống cội nguồn làm nông nghiệp của mình để thoát nông cũng như doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Bởi thế, hơn lúc nào hết, mối liên kết đang trở lên rất quan trọng. Mục tiêu của liên kết kinh tế là tạo ra mối quan hệ kinh tế ổn định thông qua các hợp đồng kinh tế hoặc các quy chế hoạt động để tiến hành phân công sản xuất chuyên môn hoá và hợp tác hoá, nhằm khai thác tốt tiềm năng của từng nhân tố tham gia liên kết; hoặc để cùng nhau tạo thị trường chung, phân định hạn mức sản lượng cho từng đơn vị thành viên, giá cả cho từng loại sản phẩm nhằm bảo vệ lợi ích của nhau, cùng giúp nhau để có khoản thu nhập cao nhất, chia sẻ rủi ro để hạn chế thiệt hại. Nếu để hộ nông dân cá thể không thể làm được điều này. Mặt khác, doanh nghiệp cũng rất khó tổ chức sản xuất quy mô lớn. Nếu không có vùng nguyên liệu, doanh nghiệp phải thu gom nông sản thô, nên rất bị động, sản phẩm không đồng đều, số lượng, chất lượng hàng hóa bấp bênh… Do đó, cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân với nông dân và nông dân với doanh nghiệp để xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, loại bỏ bớt tác nhân trung gian giữa người sản xuất và doanh nghiệp, rút ngắn độ dài của kênh tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cho cả nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng, mà trước hết bảo đảm cho người nông dân có thể đổi đời trên mảnh đất của mình.

Phát huy vai trò cầu nối của Hội Nông dân Việt Nam

Trong những năm qua, với trách nhiệm của mình, Hội Nông dân Việt Nam đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, xã hội nông thôn, đến nay, cả nước đã có gần 4 triệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương nông dân mạnh dạn học hỏi, dám nghĩ, dám làm, bỏ vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Họ chính là những hạt nhân, đầu tầu trong phát triển sản xuất nông nghiệp. 

Hội Nông dân Việt Nam cũng đã hợp tác, phối hợp rất hiệu quả với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước ở lĩnh vực cung ứng, hỗ trợ nông dân về vật tư, phân bón, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhưng ở lĩnh vực xây dựng vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm còn rất hạn chế. Do vậy chưa tạo ra chuỗi giá trị cho từng dòng nông sản, việc sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản ở nước ta vẫn mạng tính tự phát, dẫn đến tình trạng được mùa mất giá đã làm bà con nông dân điêu đứng; và cũng có hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh nông sản gặp nhiều khó khăn do không có nguồn nguyên liệu ổn định để kinh doanh, nhiều doanh nghiệp bị phá sản.

Nông dân và doanh nhân nông nghiệp, hai lực lượng chủ chốt của ngành nông nghiệp nước ta (Ảnh: HNV)

Xác định rõ yêu cầu của thời kỳ mới, Hội Nông dân Việt Nam nhận thức rõ rằng, cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp nhằm tạo ra chuỗi giá trị khép kín, mang lại lợi ích và chia sẻ rủi ro cho cả 2 bên và vì một nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, chiến thắng trọng hội nhập, chiến thắng thiên tai…

Như ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội khẳng định, Hội sẽ tích cực thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và đẩy mạnh liên kết 4 nhà trong khi dư địa để phát triển nông nghiệp ở nước ta là rất lớn đồng thời phát huy vai trò trung gian, cầu nối để  nông dân và doanh nghiệp gắn kết chặt chẽ hơn trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, đảm bảo hài hòa lợi ích của các nhân tố tham gia chuỗi giá trị nông sản... Tất cả vì mục tiêu bảo đảm thúc đẩy liên kết nông dân- doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, bền vững vì một nền nông nghiệp hiện đại, có thương hiệu trên thị trường, nâng cao thu nhập cho cả 2 bên./.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực