Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn trong tiến trình hội nhập

Thứ sáu, 25/09/2015 14:56
(ĐCSVN) - Sáng 25/9, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Diễn đàn Định chế tài chính đồng hành cùng doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập.

 

 Hình ảnh tại diễn đàn (Ảnh: TH)


Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI cho biết, năm 2015 là năm đánh dấu mức độ hội nhập sâu, rộng của nước ta sau khi ASEAN hình thành Cộng đồng Kinh tế khu vực. Việc đã và đang đàm phán 15 Hiệp định FTA, đã chứng tỏ sự chủ động của Việt Nam trong tiến trình hội nhập. Tiến trình hội nhập kinh tế sâu rộng đã, đang và sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam, cùng với đó là nhiều thách thức. Những thách thức ở nhiều khía cạnh như quản trị, nhân lực, công nghệ… đặc biệt là việc chuyển dịch các dòng vốn từ nước ngoài vào Việt Nam sẽ tác động mạnh mẽ đến doanh nghiệp, tạo ra nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn đa dạng với lãi suất thấp nhưng cũng là cách thách thức của doanh nghiệp trong nước.

Ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cũng cho rằng, vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế rất là rộng và sâu sát. Quá trình này đã và đang đặt ra áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp và đặc biệt đặt ra cho các định chế tài chính phải luôn luôn đổi mới để đáp ứng yêu cầu hội nhập. Trong thời gian vừa qua, Chính phủ chỉ đạo NHNN Việt Nam đưa ra nhiều biện pháp để cải tổ nâng cao chất lượng các tổ chức tín dụng trong đó đặc biệt là giải pháp tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Ông Phước bày tỏ sự tin tưởng rằng thị trường tài chính sẽ đón nhận khởi sắc mới trên hệ thống NHNN Việt Nam

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính – ngân hàng nhận định, Việt Nam đã có mức độ tăng trưởng xuất nhập khẩu khá ngoạn mục, bình quân tăng khoảng 20%/năm. Tuy nhiên, đó là xuất nhập khẩu thương mại nhưng xuất nhập khẩu trong lĩnh vực dịch vụ lại rất hạn chế. Xuất nhập khẩu dịch vụ tính đến cuối 2014 thì đầu vào chỉ mới chiếm 14% thấp rất nhiều so với mặt bằng Thái Lan, Malaysia trong khi cơ hội để phát triển dịch vụ của Việt Nam là rất lớn.

Mặc dù lạm phát Việt Nam giảm, dòng vốn FDI, kiều hối tăng, chi phí lao động thấp, xuất nhập khẩu hàng hóa tốt, thoát khỏi mức thu nhập thấp…tuy nhiên, xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam năm 2014-2015 còn chưa cao (yếu về thể chế, cơ sở hạ tầng, giáo dục); môi trường kinh doanh cần thấp, năng suất lao động thấp so với khu vực….Do vậy, trong bối cảnh như vậy, vị trí của Việt Nam đang đứng trong khu vực vẫn còn nhỏ bé, khiêm tốn và Việt Nam còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới.

Vì vậy, TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần phải cải cách thủ tục hành chính, quy trình; nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa chất lượng dịch vụ ngày càng gần hơn với các định chế tài chính hàng đầu trong khu vực và trên thế giới; Tiếp tục đổi mới công nghệ, tạo ra nhiều sản phẩm-dịch vụ thiết thực, hiện đại phục vụ cho các hoạt động xuất-nhập khẩu, đầu tư; Nâng cao khả năng hội nhập, mở rộng màng lưới trong khu vực, tăng cường kết nối với hệ thống định chế tài chính trong khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung; Nghiên cứu sâu tác động của các FTAs nhằm tư vấn cho doanh nghiệp về hoạt động, chiến lược kinh doanh, xúc tiến đầu tư-thương mại… Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng khả năng quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro theo thông lệ. Khả năng hỗ trợ của định chế tài chính cho doanh nghiệp bao gồm: thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại; phòng ngừa rủi ro tỷ giá, lãi suất; Tư vấn, thông tin, đào tạo, hội thảo, xúc tiến thương mại.

Về phía các doanh nghiệp, cần chủ động để nắm bắt cơ hội, giảm thiểu tác động tiêu cực khi Việt Nam hội nhập sâu rộng bằng cách theo dõi sát sao các thông tin, lộ trình cam kết (đặc biệt cần nắm được lộ trình giảm thuế, lộ trình mở cửa;…); từ đó đưa ra định hướng, chiến lược kinh doanh hợp lý./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực