Thái Bình: Tiếp tục chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Thứ năm, 17/09/2015 14:59

(ĐCSVN) – Đánh giá về tình hình kinh tế 5 năm qua (2010-2015), Tỉnh ủy Thái Bình nhận định: bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức song Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao, nỗ lực phấn đầu đạt được những thành quả quan trọng và tương đối toàn diện.

Theo đó, tỉnh đã hoàn thành vượt mức 20/27 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh lần thứ XVIII. Kinh tế ổn định và duy trì tốc độ tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH). Xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt được nhiều kết quả quan trọng; kết cấu hạ tầng được tăng cường.

Cùng với thành quả, cũng còn một số tồn tại cần khắc phục

 

 Bê tông hóa đường giao thông nông thôn (Ảnh minh họa. Ảnh: Đ.H)


Với việc quán triệt sâu sắc và thực hiện nhất quán phương châm “phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt”, các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo, triển khai thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước về tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Xây dựng và triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ, phù hợp thực tiễn để huy động các nguồn lực của các thành phần kinh tế và thu hút đầu tư vào tỉnh, đồng thời tập trung tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Chú trọng phát triển nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hóa, xã hội đi đôi với phát triển kinh tế, giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc và bảo đảm an sinh xã hội.

Cụ thể, trong 5 năm (2010-2015), tổng sản phẩm (GRDP) bình quân ước đạt 36.321 tỷ đồng, tăng 8,04%; GRDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 30,2 triệu đồng gấp 1,8 lần năm 2010. Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng tăng từ 25,9% (2010) lên 32,8% (2015), dịch vụ từ 32,8% lên 33,6%... Nông nghiệp, nông thôn phát triển toàn diện, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân 5 năm tăng 3,9%. Xây dựng NTM có bước chuyển rõ rệt, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất tinh thần của nông dân được nâng cao; tổng vốn đầu tư cho xây dựng NTM đạt 8.000 tỷ đồng gồm vốn ngân sách, nhân dân đóng góp và đất người dân tự nguyện hiến cùng vốn của tổ chức, cá nhân. Đến hết 2015, toàn tỉnh dự kiến có 165 xã (62,7%) đạt chuẩn NTM, 98 xã đạt từ 13 đến 18 tiêu chí.

Sản xuất công nghiệp, xây dựng vượt qua thời kỳ khó khăn, có bước phục hồi và tăng trưởng khá; giá trị sản xuất của công nghiệp và xây dựng bình quân 5 năm tăng 12,7%/năm; đã hoàn thành xây dựng, nâng cấp 30km đê xung yếu, trực diện với biển và nhiều công trình hạ tầng quan trọng, 135km đường giao thông nông thôn thuộc dự án WB3.

Thương mại, dịch vụ phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân. Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ bình quân 5 năm tăng 8,5%/năm, tổng mức bán lẻ tăng 15,9%/năm.

Cũng theo Tỉnh ủy Thái Bình, nhiệm kỳ 2010-2015, có 7/27 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII chưa đạt: tốc độ tăng trường GRDP, giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ, cơ cấu kinh tế… Điều này do tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào các yếu tố về vốn, tài nguyên, lao động trình độ thấp; hàm lượng tri thức, khoa học – công nghệ và lao động có kỹ năng chưa nhiều, sức cạnh tranh của nền kinh tế, từng ngành hàng và sản phẩm còn hạn chế.

Thêm vào đó, trình độ công nghệ của nhiều ngành sản xuất còn thấp. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, hiệu quả chưa cao, thiếu tính bền vững. Xây dựng NTM ở một số địa phương vẫn nặng về xây dựng kết cấu hạ tầng. Phần lớn cơ sở công nghiệp có quy mô nhỏ, các ngành dịch vụ chất lượng cao chậm phát triển. Kinh tế biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tốc độ đô thị hóa chậm, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, ô nhiễm môi trường ở một số nơi chậm được giải quyết.

Năm bài học kinh nghiệm giúp phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH

Từ thực tiễn thành công và tồn tại, Tỉnh ủy đã rút ra một số bài học kinh nghiệm để tập trung phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH.

Thứ nhất, tích cực đổi mới trên cơ sở quán triệt sâu sắc các chủ trường, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Giữ vững đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy, chính quyền và tổ chức chính trị- xã hội, có quyết tâm chính trị cao, năng động, sáng tạo trong chủ trương và quyết liệt, linh hoạt, sâu sát trong chỉ đạo, điều hành.

Thứ hai, chú trọng tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh của nhân dân để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ. Thường xuyên coi trọng phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân trong huy động và sử dụng các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những vấn đề liên quan tới sự tham gia đóng góp của nhân dân.

Thứ ba, coi trọng xây dựng cơ chế, chính sách trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phù hợp với thực tiễn, tính khả thi cao, được sự hưởng ứng và tích cực tham gia thực hiện của nhân dân cũng như doanh nghiệp nhằm huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội

Thứ tư, chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở, giữ vững kỷ cương, pháp luật, ổn định tình hình chính trị - xã hội. Thường xuyên quan tâm giải quyết những vấn đề cấp bách, bức xúc và đảm bảo an sinh xã hội.

Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, uốn nắn, khắc phục những lệch lạc, yếu kém trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, chức trách, quyền hạn được giao và phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị.

Huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế nhanh, bền vững

Tỉnh ủy Thái Bình xác định trong thời gian tới, tỉnh tập trung triển khai tốt năm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cùng 3 giải pháp đột phá tăng trưởng kinh tế, trong đó:

Năm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là: Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; Thực hiện tái cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế và ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với xây dựng NTM; Thường xuyên củng cố, xây dựng quốc phòng, an ninh vững mạnh, ổn định trật tự xã hội; Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, xây dựng con người phát triển toàn diện…

Đặc biệt, chú ý tới 3 đột phá tăng trưởng kinh tế bao gồm: Tập trung cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối giữa các trục giao thông đầu mối trong tỉnh và kết nối với các trung tâm kinh tế vùng của quốc gia

Xây dựng khu vực ven biển thành trọng điểm phát triển kinh tế.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực