Tháo gỡ nút thắt để phát huy vai trò thực sự của kinh tế tập thể, hợp tác xã

Thứ hai, 22/07/2019 17:21
(ĐCSVN) - Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát triển kinh tế tập thể (KTTT), bức tranh kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) đã có những sự chuyển biến mạnh mẽ cả về lượng và chất.

Tuy nhiên, việc phát triển KTTT trong nông nghiệp, HTX vẫn chưa tương xứng tiềm năng. HTX vẫn phải đối mặt với những khó khăn về vốn, đất đai… Điều này đặt ra những yêu cầu tháo gỡ những nút thắt để KTTT, HTX thực sự phát huy được vai trò của mình.

Đây cũng chính là thông tin được ghi nhận tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp diễn ra ngày 20/7 tại Hà Nội. Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức. Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới phát triển KTTT, HTX Vương Đình Huệ tham dự và chủ trì Hội nghị.

Mô hình hoạt động của HTX đa dạng, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới

Khen thưởng các điển hình sau 15 năm triển khai Nghị quyết. (Ảnh: PV)

Theo số liệu của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), có thể thấy sự lớn mạnh của HTX qua những con số tăng trưởng ấn tượng. Tính đến hết ngày 30/6/2019, cả nước đã có 14.502 HTX nông nghiệp, trong đó có tới 55% hoạt động hiệu quả. Các địa phương cũng đã xử lý dứt điểm những HTX hoạt động yếu kém bằng cách giải thể, theo đó, đã giải thể được 3.600 đơn vị, chỉ còn khoảng 600 HTX yếu kém đang đợi giải thể hoặc cải tổ trong thời gian tới. Điều đáng ghi nhận là, tốc độ phát triển HTX tăng mạnh qua từng năm, nếu như từ năm 2002 trở về trước, mỗi năm cả nước chỉ thành lập mới 200 – 300 HTX thì con số này từ năm 2017 trở lại đây là 2.000 HTX/năm. Nếu như năm 2003, doanh thu bình quân của HTX chỉ đạt 461 triệu đồng/năm thì con số này năm 2018 là 1,61 tỷ đồng.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, KTTT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã có sự phát triển cả về lượng và chất, vượt qua những yếu kém kéo dài trước đây, hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển của kinh tế thị trường. Mô hình hoạt động của HTX đa dạng, đáp ứng được yêu cầu của sản xuất nông nghiệp và nhu cầu của thị trường.

Trong khi đó, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo nhận định, mô hình KTTT trong lĩnh vực nông nghiệp đã và đang chiếm ưu thế về số lượng và giữ vai trò quan trọng, thu hút và đem lại lợi ích cho gần 3,8 triệu thành viên, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho 304 nghìn người lao động chủ yếu ở vùng nông thôn. Các HTX nông nghiệp bước đầu xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương, mô hình liên kết giữa hộ nông dân – HTX- doanh nghiệp. Đến tháng 6/2019, cả nước có 1.400 HTX nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn sản phẩm, có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm dài hạn với doanh nghiệp; hiệu quả, lợi ích mang lại cho thành viên tăng lên so với trước đó.

Cũng tại Hội nghị, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, KTTT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp mặc dù đã có sự cải thiện về lượng và chất nhưng chưa đồng đều giữa các lĩnh vực, vùng miền, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất hàng hóa lớn và thị trường. Chính sách hỗ trợ HTX ban hành nhiều nhưng thiếu nguồn lực để thực hiện. Rất ít các HTX tiếp cận được các chính sách như: hỗ trợ tín dụng, đất đai, hạ tầng sản xuất. Năng lực nội tại của nhiều HTX còn yếu kém, thiếu nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh….

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống – đánh giá: KTTT trong nông nghiệp, HTX vẫn phát triển chưa tương xứng tiềm năng. Phần lớn HTX nông nghiệp quy mô sản xuất nhỏ, chưa tiếp cận thị trường, khó vay vốn trung hạn và dài hạn. Nhiều HTX vẫn trong tình trạng "bình mới, rượu cũ"; mô hình HTX cũ còn nặng nề trong khi HTX kiểu mới chưa đáp ứng yêu cầu….

HTX nông nghiệp là mô hình tối ưu trong việc hỗ trợ các hộ gia đình phát triển sản xuất hiệu quả

Thực tế cho thấy, trong nền kinh tế thị trường, kinh tế hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn sẽ không có chỗ đứng, không có khả năng cạnh tranh và không thể tồn tại. KTTT trong đó, HTX nông nghiệp là mô hình tối ưu trong việc hỗ trợ các hộ gia đình phát triển sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn.

Do đó, để thúc đẩy KTTT trong khu vực nông nghiệp thực sự phát huy được sức mạnh, hiệu quả, tại hội nghị các đại biểu cho rằng, cần tập trung phát triển các HTX nông nghiệp có trình độ quản lý hiện đại để áp dụng tối đa lợi thế của hội nhập quốc tế và ưu thế của cuộc cách mạng 4.0. Cạnh đó, từng bước thay đổi phương thức hỗ trợ cho khu vực HTX, từ chỗ nặng về “cho không” sang “cho vay”, từ chỗ nặng về hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất sang hỗ trợ về nhận thức, về định hướng, về cách thức làm ăn, tạo sự chủ động, tích cực cho các HTX nông nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Phát triển các HTX sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu, phục vụ mục đích xuất khẩu.

Trên cơ sở thực tiễn tại địa phương, ông Lò Minh Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La – kiến nghị, các Bộ, ngành, trung ương tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong phát triển HTX ứng dụng công nghệ cao, hướng dẫn, tăng cường nguồn vốn cho tỉnh để triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ HTX, liên hiệp HTX trong sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu lớn gắn với chỉ dẫn địa lý, quảng bá nông sản an toàn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, chỉ có phát triển KTTT, HTX thì mới thúc đẩy nông dân, HTX liên kết với doanh nghiệp tạo thành chuỗi giá trị sản xuất lớn, hiện đại để nâng cao giá trị nông sản. Do đó, trong thời gian tới, phải tập trung xây dựng thành công các HTX và liên hiệp HTX gắn với sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, có giá trị xuất khẩu lớn, phát triển bám theo chuỗi giá trị của từng ngành hàng, sản phẩm đó.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: PV)

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Nghị quyết 13 ra đời rất sớm (từ năm 2003) khẳng định sự quan tâm rất lớn của Đảng đối với vấn đề này. Phó Thủ tướng cho rằng thực hiện Nghị quyết 13, hợp tác xã nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng cả về lượng và chất, xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Đối với những hạn chế, yếu kém, Phó Thủ tướng cho hay, một số cấp ủy đảng chính quyền chưa quan tâm hoặc có quan tâm, nhưng thiếu các giải pháp cụ thể. KTTT, HTX bước đầu có chuyển biến về chất nhưng chưa đồng đều, chủ yếu mới cung cấp dịch vụ đầu vào, còn liên kết với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đầu ra cho bà con chưa nhiều, mới đạt 11,9%. Chính sách hỗ trợ rất nhiều nhưng không đi vào cuộc sống. Quản lý nhà nước về hợp tác xã còn chồng chéo, năng lực của một số hợp tác xã còn yếu… Khẳng định kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể phải là nền tảng của kinh tế quốc dân, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, những hạn chế này cần được tháo gỡ.

Hiện, số lượng HTX nông nghiệp hiện chiếm 62% trong tổng số HTX trên toàn quốc, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT sớm hoàn thiện báo cáo tổng kết Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát triển KTTT (KTTT) trong lĩnh vực nông nghiệp. Danh sách đánh giá kết quả KTTT, HTX cần được phân ra theo từng thời kỳ, chỉ rõ kết quả, tồn tại và nguyên nhân khách quan, chủ quan cũng như nêu rõ khung khổ pháp lý cho HTX, tổ hợp tác hoạt động là gì? Trước những khó khăn về nguồn vốn trong phát triển KTTT, HTX, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề: Nên chăng cần một chương trình tín dụng riêng cho HTX nông nghiệp.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị để tổng hợp, bổ sung vào báo cáo tổng kết Nghị quyết 13 phạm vi toàn quốc, trong đó, nghiên cứu đề xuất bổ sung nội dung phát triển KTTT, HTX trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ tới; nghiên cứu bố trí nguồn vốn để đầu tư, phát triển KTTT. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phối hợp với các bộ, ngành xây dựng “sách trắng” về HTX, KTTT.

Theo Kế hoạch, Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện vào tháng 10/2019 tới đây.

Bộ NN&PTNT đặt ra mục tiêu đến năm 2025 thành lập mới khoảng 8.000 HTX, phấn đấu có khoảng 20.000 HTX, liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả, 3.000 HTX ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, có tối thiểu 50% các HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Giai đoạn 2025-2030 thành lập mới 4.000 HTX, phấn đấu có khoảng 25.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, có trên 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, phấn đấu tối thiểu có 70% HTX nông nghiệp liên kết theo chuỗi.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực