“Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài: Hành động và giải pháp đột phá”

Thứ hai, 07/09/2020 10:42
(ĐCSVN) - Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài: Hành động và giải pháp đột phá" của Cổng thông tin chính phủ đã khuyến nghị, Việt Nam cần phải có cách làm khác trước đây: tiếp tục cải cách thể chế tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, chủ động và nhất quán về chính sách thu hút đầu tư, đồng thời chính các doanh nghiệp trong nước cũng phải chủ động hơn nữa.

Theo đó, Tọa đàm lần này nhằm chủ động cung cấp thông tin về nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các dự án có chất lượng vào Việt Nam, đồng thời nhận diện rõ hơn những thách thức khách quan và chủ quan trong hợp tác đầu tư nước ngoài cũng như ghi nhận đề xuất, hiến kế của các chuyên gia, nhà quản lý về những giải pháp đột phá để kịp thời thu hút dòng vốn FDI.

 Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng trên trường quốc tế (Ảnh tư liệu)

Khách mời tọa đàm: Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (ĐTNN), Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng; ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. 

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, tính đến ngày 20/8/2020, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019. Có một tín hiệu đáng mừng là sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh trong các tháng vừa qua. Theo các chuyên gia, đây là dấu hiệu của làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam - điểm đến đầu tư hấp dẫn với những lợi thế cạnh tranh sẵn có, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng với những biện pháp phòng chống COVID-19 tích cực và hiệu quả.

Tuy nhiên, để tận dụng được làn sóng đầu tư mới này, các chuyên gia cũng khuyến nghị, Việt Nam cần phải có cách làm khác trước đây. Đó là tiếp tục cải cách thể chế tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, chủ động và nhất quán về chính sách thu hút đầu tư, đồng thời chính các doanh nghiệp trong nước cũng phải chủ động hơn nữa. Có như vậy, Việt Nam mới tận dụng được cơ hội vàng để đón các nhà đầu tư nước ngoài đến hợp tác, đầu tư, biến các tiềm năng thành sức mạnh cho nền kinh tế và tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.

Việt Nam đang nhận được sự tin tưởng lớn của các nhà đầu tư nước ngoài

Theo đánh giá của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), đầu tư của thế giới năm 2020 có thể suy giảm tới 40%. Các nền kinh tế thế giới giảm sâu, thậm chí là âm. Trong khi ở Việt Nam, tính đến ngày 20/8/2020, tổng vốn FDI đạt gần 20 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ. Đây là mức giảm thấp hơn nhiều so với thế giới và các nước trong khu vực. Trong đó, riêng vốn thực hiện đạt 11,3 tỷ USD, chỉ giảm 5,1% so với cùng kỳ. Đây là những tín hiệu tích cực, thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực ĐTNN cũng chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu đạt 113,3 tỷ USD, giảm 4,5%; nhập khẩu đạt 90,7 tỷ USD, giảm 5,3%. Điều này chứng tỏ mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 nhưng khối doanh nghiệp ĐTNN vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh tương đối tốt, không bị suy giảm quá nhiều.

Các con số nêu trên thể hiện Chính phủ Việt Nam đã thực hiện tốt việc cải thiện môi trường đầu tư trong những năm qua, đồng thời đã và đang thực hiện có hiệu quả mục tiêp kép: Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế rất quan tâm đến Việt Nam nhưng do COVID-19 nên các bên đã tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến và các kênh khác để trao đổi, tìm hiểu thông tin về Việt Nam.

Việc cơ cấu lại chuỗi giá trị toàn cầu là có 3 yếu tố: nhu cầu giải quyết việc làm cho lao động trong nước; chiến tranh thương mại Trung Quốc - Hoa Kỳ và dịch COVID-19. Tuy nhiên, nói về sự nổi trội của Việt Nam là việc nước ta ký rất nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác là những thị trường chủ yếu trên thế giới, đây cũng là điểm để ta có thể cạnh tranh trong thu hút đầu tư.

Có thể thấy, sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam hiện nay đến từ các yếu tố bên trong của nội tại của nền kinh tế và các tác động của yếu tố bên ngoài. Theo đó, các yếu tố bên trong, các điểm lợi thế, thuận lợi sẵn có của môi trường đầu tư Việt Nam, gồm: Chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường rộng lớn, chi phí cạnh tranh, chính sách ưu đãi hấp dẫn, nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng và vị trí địa lý thuận lợi. Bên cạnh đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách chính sách, thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà ĐTNN hoạt động thành công tại Việt Nam. Sự thành công trong việc kiểm soát dịch COVID-19 của Việt Nam thời gian qua cũng tạo sự tin tưởng cho nhà đầu tư nước ngoài, tăng thêm uy tín cho Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn.

Về các yếu tố bên ngoài, phải kể đến là xung đột thương mại giữa nền kinh tế lớn khiến các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế có nhu cầu dịch chuyển địa điểm sản xuất để tránh mức thuế suất cao. Đại dịch COVID-19 và các hệ quả nặng nề của nó khiến các quốc gia, các tập đoàn quốc tế đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu đầu tư nhằm tránh sự phụ thuộc vào một quốc gia, một đối tác. Một số quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã ban hành chính sách ưu đãi và gói hỗ trợ để kêu gọi các công ty dịch chuyển dây chuyền sản xuất về nước hoặc đầu tư sang nước thứ 3 nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Trong đó, Việt Nam có nhiều cơ hội để đón làn sóng chuyển dịch này do có nhiều lợi thế về môi trường đầu tư cũng như sự thành công trong việc kiểm soát dịch thời gian vừa qua.

Giải pháp nào thu hút ĐTNN hiệu quả trong bối cảnh mới?

 Bối cảnh mới đòi hỏi Việt Nam phải chủ động, đổi mới sáng tạo và đổi mới tư duy trong hội nhập (Ảnh: PV)

Hiện tại, có 3 dòng vốn dịch chuyển. Dòng vốn dịch chuyển thứ nhất là dịch chuyển đơn hang; thứ 2 là luồng vốn đầu tư ra nước ngoài và thứ 3 là dịch chuyển trực tiếp, một bộ phận hoặc toàn bộ một nhà máy từ nước A sang nước B. Do đó, Việt Nam cần nắm bắt và phải cố gắng chia từng phân khúc để có thể tiếp thu được luồng vốn này. Cũng phải nhìn một cách rất thực tế, cho đến nay ĐTNN vào Việt Nam đến từ “các thiên đường thuế” rất nhiều. Phần lớn đầu tư đến từ các nước châu Á: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan và gần đây là Trung Quốc. Không có hoặc rất ít đầu tư trực tiếp từ Hoa Kỳ và châu Âu. Xu hướng này thực tế chưa có cải thiện. Trong khi đó, chúng ta rất kỳ vọng đầu tư từ Hoa Kỳ và từ châu Âu với kỳ vọng những đầu tư này là đầu tư chất lượng cao. Những đầu tư này sử dụng công nghệ cao hơn, không sử dụng chi phí lao động thấp, loại đầu tư này rất phù hợp với chúng ta khi chúng ta muốn cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia khác trên thế giới cũng đang ban hành nhiều chính sách rất mạnh mẽ để giữ chân cũng như lôi kéo các nhà ĐTNN về nước mình. Do đó, để cạnh tranh được, chúng ta cũng phải có các giải pháp đột phá, các cách làm mới thì mới có thể hấp dẫn được nhà ĐTNN. Đồng thời, các giải pháp đề ra cần phải thực hiện một cách nhanh chóng, kịp thời và đồng bộ thì mới tận dụng được cơ hội.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, một số giải pháp mới hiện đang triển khai là: Chuẩn bị sẵn sáng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như quỹ đất sạch, nguồn cung cấp điện, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghiệp hỗ trợ, cải thiện thủ tục hành chính… Xây dựng các gói ưu đãi đặc biệt áp dụng cho các dự án quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, có tính lan tỏa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị hoặc đạt tỷ lệ nội địa hóa cao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo các gói ưu đãi đặc biệt này và đang xin ý kiến các bộ, ngành trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã tiếp xúc trực tiếp các nhà đầu tư lớn, tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư theo hình thức trực tuyến, online để cập nhật thông tin về các chính sách mới, trả lời những mối băn khoăn của nhà đầu tư. “Thời gian vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều cuộc toạ đàm trực tuyến với lãnh đạo cấp cao các tập đoàn lớn trên thế giới và khi cần thiết thì có báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp để trao đổi, hỗ trợ kế hoạch đầu tư của các tập đoàn tại Việt Nam. Đồng thời, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan ngoại giao, các hiệp hội doanh nghiệp, các công ty tư vấn, công ty luật, ngân hàng, quỹ đầu tư để tiếp cận lên danh sách các doanh nghiệp đang có quan tâm đến đầu tư tại Việt Nam để chủ động tiếp cận, trao đổi, mời vào đầu tư tại Việt Nam. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia, lao động kỹ thuật vào Việt Nam làm việc. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hỗ trợ cho hơn 10.000 chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài vào Việt Nam làm việc để duy trì sản xuất kinh doanh” –Ông Hoàng nói.

Trong khi đó, theo TS Nguyễn Đình Cung, nước ta có số lượng lao động tương đối nhiều nhưng giai đoạn mình thu hút đầu tư để sử dụng lao động chi phí thấp đã qua. Đó cũng là yêu cầu phát triển tất yếu của nền kinh tế. Vấn đề lao động chất lượng cao không chỉ đối với đầu tư nước ngoài mà ngay cả đối với các loại đầu tư ở ta và nhu cầu phát triển của ta đều cần. Tuy nhiên, trong giai đoạn ngắn hạn khó có thể đáp ứng được như thế. Vì thế, trước mắt, trong một dự án đầu tư cụ thể với một quy mô tướng ứng thì nhà đầu tư phải xác định cần bao nhiêu lao động và lao động đó làm cái gì thì chúng ta có thể cùng với họ thiết kế những chương trình hỗ trợ đào tạo cho từng dự án một, từng loại nhà đầu tư một theo phương thức thiết kế cả gói, như thế mới có thể giải quyết được yêu cầu của nhà đầu tư.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng, muốn tránh tụt hậu về thu hút đầu tư nước ngoài,  cần tập trung thay đổi theo hướng tích cực về chính sách và thể chế. Đặc biệt, cần để ý một điều đáng ngại hơn từ phía doanh nghiệp, đó là phần nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, tầm nhìn của họ chỉ ở mức ngắn hạn. Hơn nữa, lại phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường cung cấp nguyên vật liệu và bán thành phẩm, do đó, nếu giải quyết được những vấn đề đó thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề cơ bản và chớp được thời cơ để phát triển.

TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh thêm, về lâu dài, cần khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp văn bản, chính sách khi triển khai thực hiện. Còn trước mắt, nếu có vấn đề thì phải tập trung giải quyết vấn đề đó, theo hướng có lợi cho nhà đầu tư, theo hướng thu được cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Còn ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam trước hết phải nâng cao tâm thế và tư thế của mình, phải quyết tâm, phải có tầm nhìn, trong đó, đầu tiên là phải làm sao xây dựng được một nguồn nhân lực cốt lõi cho doanh nghiệp.

Việc thu hút, hợp tác ĐTNN sẽ theo hướng có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu theo tinh thần của Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Cơ hội là rất lớn nhưng để có thể đón được làn sóng đầu tư theo đúng định hướng, yêu cầu của ta thì cần có sự phối hợp, vào cuộc của nhiều bộ, ngành Trung ương cũng như các địa phương./.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực