Thúc đẩy kết nối sản xuất và cung ứng trong tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn

Thứ sáu, 18/08/2017 16:46
(ĐCSVN) – Nông sản, thực phẩm an toàn luôn là nhu cầu bức thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nông sản, thực phẩm vẫn “vàng thau” lẫn lộn, khó phân biệt. Bởi thế, việc thiết lập, kết nối cung cầu giữa người sản xuất và người tiêu dùng trong tiêu thụ là điểm mấu chốt góp phần giải quyết tình trạng trên.
Nhộn nhịp mua bán tại Trung tâm trưng bày, giới thiệu và phân phối nông sản, thực phẩm an toàn Hà Nội (Ảnh: HNV)

Theo đó, mô hình chuỗi cung ứng sản phẩm được xem là một giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản. Trong mô hình đó, việc hình thành các trung tâm trưng bày, giới thiệu và phân phối nông sản, thực phẩm an toàn được coi là giải pháp thiết thực. Với Trung tâm này, tất cả sẽ được kiểm soát từ khâu cung ứng ban đầu như vật tư nông nghiệp đến quá trình sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, đóng gói, chế biến, buôn bán và đến tay người tiêu dùng là một mô hình tiên tiến, có tính đột phá, mang lại hiệu quả bền vững, hiện được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, chuỗi thực phẩm an toàn là tập hợp các nhân tố có mối liên kết chặt chẽ, ổn định và bền vững về kinh tế,thương mại và tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn về thực phẩm. Tất cả các quy trình đều áp dụng chuỗi thực hành và sản xuất tốt để tạo ra một sản phẩm an toàn có khả năng truy xuất được nguồn gốc.

Thực tế cho thấy, quản lý an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi là nguyên tắc hàng đầu được thực hiện trong toàn bộ chuỗi từ sản xuất an toàn đến kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó giúp đảm bảo an toàn và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, xây dựng được thương hiệu một cách hiệu quả.

Việc hình thành và đi vào hoạt động mô hình Trung tâm được đánh giá là giải pháp thiết thực và mang lại lợi ích nhiều hơn. Đối với người nông dân, sản phẩm họ sản xuất ra có nơi tiêu thụ, sản phẩm được đánh giá đúng giá trị kinh tế, giá cả ổn định, sản lượng tiêu thụ ổn định và khi sản xuất theo chuỗi như thế này thì người nông dân phải tự liên kết lại với nhau, tạo ra mối liên kết giữa những người sản xuất với nhau trong bối cảnh hiện nay trước tình hình ở Việt Nam chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ. Còn người tiêu dùng có thể xác định được địa chỉ, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, yên tâm về chất lượng và sản phẩm sạch, giá trị sản phẩm phù hợp và xứng đáng với số tiền bỏ ra mua sản phẩm. Trong khi đó, doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, giám sát được quá trình sản xuất, đảm bảo độ an toàn của sản phẩm và có thể khẳng định với người tiêu dùng đây là sản phẩm đáng tin cậy, tăng uy tín cho doanh nghiệp mình.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Vũ Văn Tám, trong bối cảnh ngành nông nghiệp ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường khu vực và quốc tế, việc đảm bảo an toàn thực phẩm nông sản không chỉ lấy lại niềm tin của người tiêu dùng mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt với nông sản của nước ngoài ngay tại thị trường nội địa.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực