Thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh

Thứ hai, 29/06/2020 20:22
(ĐCSVN) - Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, với chương trình hành động cụ thể tại Quyết định số 109/QĐ-BCT, đến hết quý II/2020, Bộ Công Thương đã triển khai tích cực, hiệu quả các nhiệm vụ của nghị quyết.
Ảnh minh họa (Nguồn: A.N) 

Thông qua Chương trình hành động với các giải pháp quyết liệt, triển khai đồng bộ, Bộ Công Thương đã đạt nhiều kiết quả tích cực các nhiệm vụ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Nghị quyết số 02/NQ-CP

Theo đó, về cơ chế một cửa ASEAN, Bộ Công Thương đã kết nối 11 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) với Cơ chế một cửa quốc gia (VNSW); đồng thời, tiếp tục trao đổi xử lý trực tuyến các chứng từ thương mại khác dưới dạng điện tử khác với các nước, khối - cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), Bộ Công Thương đã tiến hành nâng cấp Cống Dịch vụ công của Bộ để tích hợp và trao đổi dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia từ cuối năm 2019, đảm bảo phục vụ người dân, doanh nghiệp với chất lượng tốt, ổn định; đã hoàn thiện đi vào vận hành Hệ thống một cửa điện tử của Bộ Công Thương về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Tính đến thời điểm hiện tại, trong tổng số 446 TTHC thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đều đã được thực hiện công bố đầy đủ trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và dịch vụ công quốc gia.

Đối với nhiệm vụ phát triển hạ tầng cho thương mại điện tử (TMĐT), Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng Trục kết nối dịch vụ TMĐT (giai đoạn I); xây dựng, vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thể khởi tạo mã QR Code, kết nối máy in tem truy xuất; giải pháp quản lý dữ liệu khách hàng trực tuyến cho các cá nhân/đơn vị (CRM giai đoạn 2); xây dựng cổng kết nối sản phẩm xuất khẩu cho hệ thống bán hàng trực tuyến toàn cầu Amazon; đồng thời tổ chức các hoạt động đào tạo học viên trên toàn quốc kiến thức về TMĐT.

Thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, gắn kết giữa TMĐT với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống, Bộ Công Thương cũng đã tổ chức triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa có dán tem IDEA Blockchain đối với một số mặt hàng nông sản; xây dựng giải pháp tổng thể cho hệ thống Sàn giao dịch dịch vụ logistics giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics và doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ tích cực thuận lợi hoá thủ tục hành chính trong hoạt động xuất khẩu thông qua hoạt động khai CO điện tử; xây dựng kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương trong hoạt động khởi tạo mã truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hoá (QR Code) trên Hệ thống truy xuất nguồn gốc...  Đồng thời, tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương và Tập đoàn Amazon đẩy mạnh xuất khẩu thông qua TMĐT; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng trên Amazon.com; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam mở rộng xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm Việt Nam.

Về triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp nâng cao các chỉ số cạnh tranh, Bộ Công Thương được giao Xây dựng Kế hoạch và tài liệu hướng dẫn các cơ quan, địa phương để có cách hiểu đúng, thống nhất về các bộ chỉ số, nhóm chỉ số, chỉ số thành phần đối với 2 nhóm chỉ số là Chỉ số hiệu quả logistics và Chỉ số tiếp cận điện năng. Theo Bộ Công Thương, đến nay, Bộ đã ban hành Kế hoạch cải thiện Chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam và Kế hoạch thực hiện cải thiện bộ Chỉ số tiếp cận điện năng.

Bộ Công Thương cũng đã tiến hành rà soát và hoàn thiện tài liệu và tiếp tục tổ chức các khóa tập huấn, hướng dẫn để đảm bảo các Bộ cơ quan, địa phương có cách hiểu đúng, đầy đủ, thống nhất về các bộ chỉ số, nhóm chỉ số, chỉ số thành phần, biểu mẫu; thực hiện thông tin đối ngoại để giới thiệu về kết quả đánh giá và xếp hạng hàng năm và cập nhật lên Cổng thông tin của Bộ Công Thương để cung cấp thông tin cho các cơ quan, địa phương và các bên liên quan để thực hiện.

Tiếp tục cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh

Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật có liên quan để bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã triển khai Quyết định số 3679/QĐ-BCT ngày 11/12/2019 về Kế hoạch kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2020 của Bộ Công Thương nhằm xác định các vướng mắc, bất cập, chồng chéo và kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung. Hiện nay, Bộ đang chuẩn bị triển khai rà soát văn bản quy phạm pháp luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật đưa vào Chương trình điều chỉnh văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trong tháng 6/2020.

Ngoài ra, để triển khai thực hiện Nghị định số 17/2000/NĐ CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 13/TT-BCT ngày 18/6/2020 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Về hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành thuộc danh mục mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành tính tại thời điểm ban hành Nghị quyết số 19 2018/NQ-CP ngày 15/5/2018. Ngày 20/9/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3610A/QĐ-BCT phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2018.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 15/1/2018 sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương và 9 nghị định khác. Theo đó, tổng số điều kiện đầu tư, kinh doanh được bãi bỏ theo các nghị định trên là 677 điều kiện trên tổng số 1.216 điều kiện của 27 ngành nghề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (chiếm tỷ lệ 55,5%).

Đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3720/QĐ-BCT ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2015-2020. Theo đó, Bộ đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa và chuyển hậu kiểm 202 điều kiện trên tổng số 561 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ (tương đương với 36%) và đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 5/2/2020 sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương cho biết, số lượng điều kiện đã cắt giảm, đơn giản hóa tại Nghị định số 17/2020/NĐ-CP là 205 điều kiện kinh doanh, đã vượt chỉ tiêu so với số lượng dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa tại Quyết định số 3720/QĐ-BCT (dự kiến 202 điều kiện). Như vậy, trong giai đoạn 2017-2020, Bộ Công Thương đã cắt giảm được tổng cộng là 880/1216 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ (tương đương với 72,37%), trở thành một trong những bộ đi đầu cả nước về công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra (50%).

Đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến

Theo Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, Bộ Công Thương cũng đã tích cực đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích thông qua thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với nhiệm vụ thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4; cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau, tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo lộ trình, Bộ Công Thương cho hay, Bộ đã ban hành Quyết định số 5045/QĐ-BCT về việc phê duyệt Kế hoạch cung cấp DVCTT của Bộ Công Thương giai đoạn 2018 - 2020 thuộc các lĩnh vực: an toàn công nghiệp, an toàn thực phẩm, khoa học công nghệ, quản lý cạnh tranh, thương mại quốc tế, xuất nhập khẩu, công nghiệp.

Hiện tại, Bộ Công Thương đã và đang triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng các nội dung kế hoạch đã đề ra. Cụ thể, Cổng DVCTT của Bộ đang cung cấp 206 DVCTT mức độ 3, 4 tại địa chỉ https://dichvucong.moit.gov.vn. Đến thời điểm này, tất cả 292 thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai DVCTT mức độ 2 trở lên; trong đó có 166 DVCTT mức độ 3 và mức độ 4 (DVCTT mức độ 3 là 122, DVCTT mức độ 4 là 44 tại Cổng DVCTT của Bộ Công Thương và kết nối kỹ thuật thành công 2 nhóm dịch vụ công với Cổng DVCQG. Hiện nay, Bộ Công Thương đã kết nối 131 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó có 62 DVCTT mức độ 4.

Bên cạnh đó, với nhiệm vụ cập nhật và công bố, công khai các TTHC liên quan đến cấp các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa trong năm 2018 và 2019; công khai bảng so sánh điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa trước và sau khi bãi bỏ, đơn giản hóa; công bố, công khai theo quy định về kiểm soát TTHC với các TTHC liên quan đến các loại chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa từ năm 2020 trở đi, Bộ Công Thương nêu rõ, hiện Bộ đang quản lý 446 TTHC, tất cả các TTHC nêu trên đều được Bộ Công Thương thực hiện công bố và cập nhật công khai đầy đủ, đúng hạn trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC (Cổng dịch vụ công quốc gia và cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ) theo quy định.

A.N

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực