Tiềm năng phát triển làng nghề ở Thái Nguyên

Thứ sáu, 15/06/2018 15:45
(ĐCSVN) – Là một tỉnh trung tâm của trung du và miền núi Bắc Bộ, nơi hiện có 220 làng nghề được cấp bằng công nhận làng nghề của tỉnh trong đó có 198 làng nghề chế biến chè, 10 làng nghề chế biến thực phẩm, 5 làng nghề mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng, 4 làng nghề mây tre đan, 4 làng nghề dệt mành cọ…
Thái Nguyên có thế mạnh về chè và gắn phát triển du lịch với sản phẩm này trong thời gian qua khá hiệu quả (Ảnh: Nguyễn San)

Các làng nghề nói trên đã giải quyết việc làm cho trên 21.000 lao động bình quân thu nhập từ 2 triệu đến 5 triệu đồng/lao động/tháng góp phần xây dựng nông thôn mới. Thái Nguyên cũng đã xét công nhận 89 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trong đó có 17 sản phẩm làng nghề; Việc phát triển làng nghề đã mở ra khả năng to lớn cho phát triển du lịch cộng đồng.

Theo ông Bùi Quang Huân, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề tỉnh Thái Nguyên, ngoài những chính sách của Trung ương, tỉnh đã đề ra nhiều cơ chế chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn và làng nghề, đã tạo ra chuyển biến rõ rệt. Đặc biệt, Thái Nguyên là tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng được nhiều người biết đến như hồ Núi Cốc, hang Phượng Hoàng, thác khuôn Tát… Đó là gần 800 di tích lịch sử trong đó có khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia cấp đặc biệt an toàn khu (ATK) Định Hóa, đó là khu di tích khảo cổ học Thần Sa nơi phát hiện di tích người tiền sử có niên đại cách đây 23.000 năm. Đó là  80 lễ hội truyền thống hàng năm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.

Cũng theo ông Bùi Quang Huân, Thái Nguyên còn tự hào là vùng đất “đệ nhất danh trà”; sản phẩm trà Thái Nguyên đã đạt kỷ lục Quốc tế “Top các đặc sản có giá trị tại Châu Á”. Thương hiệu chè Thái Nguyên đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể tại thị trường Trung Quốc, Tai wan, và Mỹ.  Nhắc đến trà Việt người ta nghĩ ngay đến chè Thái Nguyên với vị thơm ngon đặc trưng riêng biệt. Ngoài việc đem lại giá trị kinh tế to lớn còn mang đậm nét văn hóa truyền thống và tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng; Có nhiều vùng chè đặc sản nổi tiếng như Tân Cương, Phúc Trìu, Trại Cài, Sông Cầu, Vô Tranh, Khe Cốc, La Bằng, Phúc Thuận…; Trong đó có 2 sản phẩm chè được lựa chọn làm quà tặng APEC 2017.

Thưởng trà đã trở thành thói quen, nhu cầu tất yếu của cuộc sống hàng ngày được sử dụng như một phương tiện giao tiếp thay lời tri ân, đến bạn bè, người thân, đối tác, mang đậm nét văn hóa giao tiếp của người Việt; Uống Trà là một thú vui tao nhã, pha trà là cả một nghệ thuật, còn mời trà cũng là một nét văn hóa thể hiện sự ân cần trân trọng của người mời và khách; Các chân trà nhân Thái Nguyên rất chú trọng đến nghệ thuật thưởng trà với nhiều loại trà cụ cần thiết, với cách pha trà đặc biệt mang đậm nét văn hóa độc đáo truyền thống của dân tộc, thể hiện qua 4 bước (Ngọc diệp hồi cung, Cao sơn trường thủy, Hạ sơn nhập thủy, Tam long giá ngọc). Văn hóa trà chính là cái bình dị chất phác cốt ở chất trà và tình người trong nghệ thuật giao tiếp yêu thương, đó cũng chính là thế mạnh cần phát huy của du lịch văn hóa vùng trà;

Thực tế, sau thành công của các Festival trà Thái Nguyên 2011,2013, 2015, 2017 để tạo điều kiện phát triển du lịch cộng đồng làng nghề, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các địa phương: chỉnh trang chăm cóc vườn chè theo tiêu chuẩn Viêt Gap, UTZ, Biocert, chè hữu cơ, cải tạo nâng cấp các tuyến đường dẫn vào vùng chè, tổ chức các lớp tập huấn du lịch cộng đồng, tập hát các làn điệu hát dân ca, dân vũ, đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa và lợi ích từ việc du lịch làng nghề mang lại, những hoạt động trên được người dân làng nghề chè nhiệt tình hưởng ứng và thực hiện.

Thành phố Thái Nguyên hiện đã có “kế hoạch xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng tại vùng chè đặc sản Tân Cương” kế hoạch được triển khai từ cuối 2012 tại 4 xã là Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân, Quyết Thắng lấy trọng tâm là các xóm Hồng Thái 2, Khuôn 1, Khuôn 2, Gò Móc, với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch gắn với hộ gia đình (Home stay),du lịch văn hóa, du lịch làng nghề. Các làng nghề chè vùng Tân Cương đã được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, du lịch, xây dựng không gian văn hóa trà. Thành phố đã chỉ đạo thực hiên 5 nội dung chủ yếu như: xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch làng nghề, đào tạo tập huấn nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm về vệ sinh môi trường du lịch, quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch làng nghề, nâng cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu của du khách. Đáng chú ý, đã triển khai kế hoạch để các hộ dân được đào tạo vể ngoại ngữ, tập huấn kỹ năng marketing du lịch cộng đồng, kỹ năng áp dụng dịch vụ lưu trú tại gia như cách đón tiếp, sắp xếp chỗ ở, lên thực đơn, chế biến bữa ăn, cách hướng dẫn khách 3 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” du khách tự hái chè, sao chè, lấy hương và thưởng thức sản phẩm do chính tay mình làm ra

Có thể thấy, du lịch làng nghề kết hợp với các tuyến du lịch sinh thái về nguồn với Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam và không gian văn hóa chè Tân Cương như: thăm làng nghề chè Tân Cương; Hồ Núi Cốc, không gian văn hóa chè La Bằng, thăm làng nghề chè La Bằng, di tích đền Đuổm, làng văn hóa du lịch Bản Quyên, thăm mô hình chè Tân Hương, Minh Thu, Tuyết Hương; khu ATK Định Hóa; hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà…Riêng không gian văn hóa trà Tân Cương nơi tôn vinh những giá trị văn hóa trà được xây dựng từ năm 2011 trên diện tích 27.000 m2 tại xã Tân Cương,  đó là công trình văn hóa có kiến trúc độc đáo giới thiệu văn hóa trà và sản phẩm chè. Mỗi năm, khu vực này đón hàng ngàn lượt du khách đến tham quan tìm hiểu về chè và văn hóa chè Thái Nguyên; 

Tuy nhiên, hoạt động du lịch làng nghề còn là vấn đề mới mẻ đối với Thái Nguyên. Với tiềm năng to lớn về du lịch nói chung và  du lịch làng nghề nói riêng, tin rằng: sản phẩm nghề truyền thống của các làng nghề sẽ trở thành sản phẩm văn hóa – du lịch đặc trưng của Thái Nguyên gần gũi thân thiện với thiên nhiên môi trường;

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực