Tiếp tục triển khai đấu thầu qua mạng giai đoạn 2019-2025 hiệu quả

Thứ hai, 22/07/2019 17:23
(ĐCSVN) – Phải khẳng định rằng đấu thầu qua mạng đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Đây cũng chính là một trong những đổi mới trong chính sách công của việc xây dựng Chính phủ kiến tạo mà Việt Nam quyết tâm triển khai trong thời gian qua.

Đấu thầu qua mạng góp phần ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng

Sơ đồ hóa tiện ích của đấu thầu qua mạng. (Ảnh minh họa)

Trên cơ sở kết quả thực hiện đấu thầu qua mạng, quy định tại Nghị quyết 01/NQ-CP ban hành ngày 01/01/2019 của Chính phủ và mục tiêu áp dụng đấu thầu qua mạng đến năm 2025 quy định tại Quyết định số 1402, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chia lộ trình đấu thầu qua mạng 2019-2025 thành 02 giai đoạn là 2019-2021 (tiếp tục thực hiện trên hệ thống hiện tại) và 2022-2025 (sau khi hệ thống mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng).

Theo đó, trong giai đoạn 2019-2021, đối với Bộ, ngành, địa phương, tổng công ty nhà nước, tập đoàn nhà nước thực hiện đấu thầu qua mạng 100% các gói thầu.

Trong khi đó, ở giai đoạn 2022-2025, trên cơ sở kết quả triển khai giai đoạn 2019-2021 và tình hình thực tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quy định về lộ trình cho giai đoạn 2019-2025 theo hướng tăng tỷ lệ về số lượng và giá trị gói thầu đấu thầu qua mạng, phù hợp với tính năng của hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tổng thể theo mô hình đối tác công tư (PPP).

Vẫn còn tồn tại trong giai đoạn 2016-2018

Theo Cục quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh những kết quả thiết thực mang lại từ việc triển khai đấu thầu qua mạng, vẫn không tránh khỏi còn tồn tại, hạn chế.

Thứ nhất, tỷ lệ đấu thầu không đạt chỉ tiêu theo lộ trình quy định, việc áp dụng đấu thầu qua mạng nhìn chung còn rất chậm, còn nhiều đơn vị trên cả nước không đảm bảo yêu cầu theo quy định (Tập đoàn, tổng công ty nhà nước: số lượng 46,4% và giá trị 13,9%; Bộ, ngành: 21,3% số lượng và 2% giá trị; địa phương: 18% số lượng và 4% giá trị).

Thứ hai, tính cạnh tranh, hiệu quả kinh tế của đấu thầu qua mạng chưa được khai thác tối đa. Cụ thể, số liệu cho thấy chỉ có khoảng 4,6% số lượng nhà thầu đã đăng ký trên Hệ thống tham gia đấu thầu qua mạng, số lượng nhà thầu trung bình tham gia 01 gói thầu là 2,5; đặc biệt có khoảng 36% tổng số các gói thầu (chủ yếu là lĩnh vực xây lắp) chỉ có 1 nhà thầu tham gia. Đây là biểu hiện của việc lách luật, vi phạm quy định về cạnh tranh, công bằng, đồng thời lật tẩy tình trạng quân xanh, quân đỏ trong đấu thầu truyền thống. Đây là những biến tướng cần lưu ý ngăn chặn để đảm bảo tính cạnh tranh của đấu thầu qua mạng.

Thứ ba, tổng giá trị các gói thầu đấu thầu qua mạng còn chiếm tỷ trọng chưa cao so với tổng giá trị các gói thầu trên cả nước do đó chưa tận dụng được lợi ích của đấu thầu qua mạng.

Thứ tư, giá trị pháp lý của văn bản điện tử giao dịch trên Hệ thống chưa được các bên liên quan nhận thức và công nhận đầy đủ. Mặc dù văn bản điện tử trên Hệ thống đã được công nhận giá trị pháp lý và làm cơ sở cho việc đánh giá, thẩm định, thanh tra, kiểm toán và giải ngân (khoản 5 Điều 85 NĐ số 63) tuy nhiên trên thực tế nhiều bên mời thầu vẫn phải chuẩn bị hồ sơ giấy để phục vụ các nghiệp vụ liên quan làm cho hiệu quả của đấu thầu qua mạng giảm đáng kể.

Nguyên nhân của việc chậm triển khai đấu thầu qua mạng

Cũng theo Cục quản lý đấu thầu, có một số nguyên nhân dẫn đến việc chậm triển khai đấu thấu qua mạng trên phạm vi cả nước.

Trước hết, đó là do sự thiếu quyết tâm chính trị của người đứng đầu chủ đầu tư, bên mời thầu (sau khi lãnh đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam, UBND thành phố Đà Nẵng có văn bản chỉ đạo quyết liệt, xác định rõ trách nhiệm và nêu rõ tiêu chí gói thầu bắt buộc phải đấu thầu qua mạng, tỷ lệ đấu thầu qua mạng có chuyển biến rõ rệt). Ngoài ra, còn một số lượng không nhỏ chủ đầu tư, bên mờithầu có tâm lý “ngại” thay đổi và không muốn áp dụng đấu thầu qua mạng vì quá công khai, minh bạch.

Thứ đến là do quy định áp dụng đấu thầu qua mạng theo tỷ lệ % số lượng gói thầu là chưa thực sự phù hợp với thực tế, dẫn đến việc lựa chọn gói thầu nào thực hiện đấu thầu qua mạng mang tính chủ quan, cơ chế xin - cho, không công bằng; đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương cũng gặp khó khăn khi theo dõi tỷ lệ triển khai đấu thầu qua mạng trong năm để kịp thời đôn đốc đơn vị trực thuộc.

Tiếp theo là do hạn chế về công nghệ, kỹ thuật của Hệ thống. Mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên chỉnh sửa, nâng cấp chức năng Hệ thống, tuy nhiên để mở rộng thêm các tính năng khác nhằm thuận tiện hơn cho người sử dụng, ứng dụng các công nghệ mới trên nền tảng công nghệ của hệ thống Hàn Quốc là rất khó khăn.

Song song là do công tác truyền thông về đấu thầu qua mạng còn chưa đủ sức lan tỏa. Cụ thể, trong khi nhóm đối tượng là các bên mời thầu hầu hết đã có nhận thức đúng đắn về lộ trình, cách thức triển khai đấu thầu qua mạng, nhóm đối tượng là các nhà thầu tham gia vào hệ thống thì có 18% đã biết và sẵn sàng tham gia đấu thầu qua mạng, 82% chưa biết hoặc đã nghe nói nhưng chưa sẵn sàng tham gia.

Ngoài ra, đó còn là do năng lực cán bộ còn hạn chế, chưa đồng đều. Không giống như các đơn vị có số lượng gói thầu hàng năm lớn, các chủ đầu tư, bên mời thầu có số lượng gói thầu hàng năm thấp, có ít kinh nghiệm và trình độ về đấu thầu sẽ gặp nhiều trở ngại hơn khi chuyển đổi do cơ hội thực hành trên các gói thầu thực tế không nhiều.

Để khắc phục hạn chế và tồn tại trong triển khai đấu thầu qua mạng

Sơ đồ hóa các bên tham gia đấu thầu qua mạng. (Ảnh minh họa)

Trên cơ sở kết quả đạt được và nhận thức những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xuất một số nhóm giải pháp, bao gồm:

Thứ nhất, lộ trình mới đề xuất xây dựng theo nguyên tắc lượng hóa được các gói thầu bắt buộc phải đấu thầu qua mạng (quy định hạn mức gói thầu bắt buộc phải đấu thầu qua mạng), đồng thời đưa ra chế tài cụ thể (không giải ngân) nếu không thực hiện theo quy định. 

Thứ hai, chủ động đưa ra chế tài mạnh mẽ đủ sức răn đe (gắn với trách nhiệm người đứng đầu và Ban lãnh đạo cơ quan, đơn vị; đưa thành tiêu chí cơ bản đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ, bình xét thi đua hàng năm); đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi và đánh giá quá trình triển khai thực hiện đấu thầu qua mạng.

Thứ ba, tăng cường truyền thông, đào tạo về đấu thầu qua mạng đồng thời nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác đấu thầu qua mạng.

Thứ tư, đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống tổng thể theo mô hình đối tác công tư (PPP) sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thay thế công nghệ đã lạc hậu của hệ thống hiện tại; đồng thời đảm bảo có sự kết nối, liên thông đồng bộ, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống công nghệ thông tin khác có liên quan trong chính phủ điện tử.

Đồng thời, nhằm để trong giai đoạn 2019-2025 triển khai hiệu quả hơn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tập trung vào hai nội dung, đó là:

Một là, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành lộ trình đấu thầu qua mạng giai đoạn 2019-2025 theo dự kiến đề xuất; công khai thông tin về kết quả thực hiện đấu thầu qua mạng của các cơ quan, đơn vị trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện đấu thầu qua mạng tại báo cáo công tác đấu thầu.

Hai là, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế nhà nước nghiêm túc triển khai đấu thầu qua mạng theo chỉ tiêu nêu tại Nghị quyết Chính phủ số 01 năm 2019; thường xuyên giám sát việc triển khai đấu thầu qua mạng tại các đơn vị trong phạm vi quản lý của mình. Thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với những gói thầu chỉ có duy nhất 01 (một) nhà thầu tham gia và xử lý nghiêm khắc chủ đầu tư và các bên liên quan nếu phát hiện hành vi vi phạm, không bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực