Tin ở mục tiêu kinh tế 2018

Thứ tư, 01/08/2018 18:59
(ĐCSVN) – Viện nghiên cứu chính sách kinh tế, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (VEPR) nhận định, với mức tăng trưởng tích cực 6,79% của Quý II và dù triển vọng kinh tế nửa sau cuối năm có thể xấu hơn, mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7% của năm 2018 vẫn được xem là khả thi.

Số liệu thống kê cho thấy kinh tế tháng 7 và 7 tháng 2018 cơ bản duy trì đà tăng trưởng (Ảnh: HNV)

Những tính toán mới của VEPR không sai biệt nhiều so với lần dự báo gần đây nhất (cuối tháng 4/2018), cho thấy tăng trưởng cả năm 2018 đạt 6,8%.

Dự báo khả quan của VEPR

Thực tế, quý I/2018 chứng kiến xu hướng tăng trưởng khác nhau của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Trong khi nền kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi tốt, các nước phát triển còn lại như EU hay Nhật Bản không còn tăng trưởng mạnh mẽ như trước. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục giữ được đà tăng trưởng ổn định của mình. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các đối tác thương mại lớn nổ ra, các nền kinh tế mở và nhỏ như Việt Nam sẽ đón nhận cả cơ hội và rủi ro.

Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt trong Quý II/2018, đạt 6,79%. Tuy không cao bằng ba quý trước đó, đây là mức tăng trưởng Quý II cao nhất trong 10 năm qua. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của cả nền kinh tế với mức chỉ số sản xuất tăng cao 12,7%. Ngành khai khoáng tăng trưởng âm trở lại đặt ra thách thức tái cơ cấu lại ngành từng là ngành công nghiệp chủ đạo của Việt Nam.

Lạm phát Quý II tiếp tục gia tăng trong bối cảnh giá thực phẩm phục hồi mạnh mẽ cùng với sự gia tăng liên tục của giá nhiên liệu. Trong khi đó, lạm phát lõi trở lại ổn định sau khi tăng mạnh vào tháng 2, cho thấy NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng.

Thương mại Việt Nam vẫn trên đà tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tương đối thuận lợi của thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, độ mở của nền kinh tế lớn ở mức trên 190% như hiện tại cũng đặt Việt Nam dưới nhiều rủi ro thách thức nếu nền kinh tế toàn cầu bước vào thời kỳ suy giảm vì các cuộc chiến thương mại. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 vẫn còn là bài học sống động cho Việt Nam. Một  giải pháp khả thi là các doanh nghiệp cần tập trung hơn vào thị trường nội địa với sức mua ngày càng lớn. Nếu bỏ qua thị trường nội địa đầy tiềm năng, khả năng thua ngay trên sân nhà

Với mức tăng trưởng tích cực 6,79% của Quý II, và dù triển vọng kinh tế nửa sau cuối năm có thể xâu hơn, VEPR vẫn cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7% của năm 2018 là khả thi. Những tính toán mới của VEPR không sai biệt nhiều so với lần dự báo gần đây nhất (cuối tháng 4/2018), cho thấy tăng trưởng cả năm 2018 đạt 6,8%. Bên cạnh đó, trong bối cảnh giá thực phẩm và nhiên liệu không ngừng gia tăng, chúng tôi cho rằng để đạt được mức lạm phát bình quân năm 4% cần nỗ lực hết sức của các cấp và đặc biệt là chính sách tiền tệ chặt chẽ của NHNN.

Khả năng tăng trưởng kinh tế là rất lớn khi hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. Tất nhiên, thị trường thế giới vẫn là cơ hội lớn nhất để sản phẩm của Việt Nam phát triển trong dài hạn nhờ lợi thế quy mô.

Cán cân ngân sách của Việt Nam thâm hụt trở lại vào Quý II, cho thấy thặng dư trong Quý I chỉ mang tính tạm thời và Việt Nam còn phải đối mặt nhiều thách thức trong ổn định kinh tế vĩ mô. Hiện nay, nguồn thu của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào các loại thuế tiêu dùng. Bất kỳ đề xuất tăng các khoản thuế tiêu dùng nào (VAT, tiêu thụ đặc biệt…) cũng cần được xem xét thận trọng vì thuế tiêu dùng tuy hiệu quả về hành thu nhưng được xem là không có tác động tốt đến công bằng trong chi tiêu. Thay vào đó, Chính phủ nên nghĩ tới việc cải cách lại các loại thuế tài sản vì hiện nay tỷ trọng đóng góp của các loại thuế này vào ngân sách còn khiêm tốn. Tuy nhiên, do các loại thuế trực thu dễ gây cảm giác “đau đớn” cho người nộp thuế, trước khi tăng thuế, Chính phủ cần nâng cao tính minh bạch và trách nhiêm giải trình trong thu chi ngân sách để có thể thuyết phục người dân.

Trong bối cảnh các ngân hàng Trung ương các nền kinh tế lớn có xu hướng thắt chặt tiền tệ cùng với nguy cơ lạm phát gia tăng mạnh trong thời gian gần, tồn tại một khả năng NHNN sẽ tăng lãi suất đồng VND để ổn định tỷ giá. Đây là một rủi ro quan trọng mà các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần lưu ý, vì lãi suất tăng sẽ thay đổi toàn bộ trạng thái các thị trường hiện nay.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, việc Fed thắt chặt tiền tệ và sự phá giá của đồng CNY, VEPR cho rằng việc tốt nhất Việt Nam có thể làm là giảm giá VND đối với USD ở mức vừa phải và thấp hơn mức giảm giá đồng CNY so với USD. Với đặc thù là một nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc để chế biến và xuất khẩu, việc điều chỉnh tỷ giá như vậy khiến các nhà nhập khẩu nguyên liệu có lợi từ thị trường Trung Quốc, đồng thời các nhà nhập khẩu có lợi thêm từ việc xuất khẩu. Trên cơ sở đó, Việt Nam có thể đồng thời tận dụng hai thị trường lớn này để cải thiện tình trạng sản xuất và cán cân thương mại.

Cuối cùng, tình trạng hàng hóa Trung Quốc có thể đổ vào Việt Nam nhiều hơn trong diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung cần được chuẩn bị quản lý tốt hơn, nhằm tránh gây thiệt hại cho các doanh nghiệp nội địa. 

Bức tranh kinh tế tháng 7 và 7 tháng có nhiều điểm sáng trong báo cáo của Tổng cục Thống kê

Tăng trưởng kinh tế qua số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng qua cũng cho thấy triển vọng ở tăng trưởng chung của cả năm.

Theo đó, về sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, tính đến ngày 15/7, cả nước đã gieo cấy được 1.000,5 nghìn ha lúa mùa, bằng 94,7% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 838 nghìn ha, bằng 93,4%; các địa phương phía Nam gieo cấy 162,5 nghìn ha, bằng 102,1%. Đến trung tuần tháng 7, cả nước gieo cấy được 2.050,1 nghìn ha lúa hè thu, bằng 99,7% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 174,4 nghìn ha, bằng 100,6%; các địa phương phía Nam đạt 1.875,7 nghìn ha, bằng 99,6%, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.602,5 nghìn ha, bằng 99,6%. Hiện nay trà lúa hè thu sớm đã cho thu hoạch với diện tích đạt 462,4 nghìn ha, bằng 79,6% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 450,6 nghìn ha, bằng 79,3%.

Chăn nuôi trâu, bò và gia cầm nhìn chung ổn định, dịch bệnh được kiểm soát.

Tính chung 7 tháng, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 115,8 nghìn ha, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong 7 tháng năm 2018, diện tích rừng bị thiệt hại là 720,3 ha, giảm 25,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 279,3 ha, giảm 27,9%; diện tích rừng bị chặt phá là 414 ha, giảm 24,1%.

Trong tháng 7, sản lượng thủy sản cả nước ước tính đạt 713,1 nghìn tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 376,7 nghìn tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản khai thác tháng 7/2018 ước tính đạt 336,4 nghìn tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2018, sản lượng thủy sản ước tính đạt 4.274,2 nghìn tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 7 ước tính tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng tăng 2,8%; ngành chế biến, chế tạo tăng 16,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 12,2%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,6%. Tính chung 7 tháng năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 7,1% của cùng kỳ năm 2017. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo duy trì tốc độ tăng trưởng cao 13,1%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,7%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,6%...

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/7/2018 tăng 3% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,3%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 3,6%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 3,1%.

Đáng chú ý, trong tháng 7, cả nước có 11.262 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 122,1 nghìn tỷ đồng. Tính chung 7 tháng, cả nước có 75.793 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 771,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9% về số doanh nghiệp và tăng 11,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, còn có 18.696 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm nay lên gần 94,5 nghìn doanh nghiệp.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7 ước tính đạt 29,2 nghìn tỷ đồng. Tính chung 7 tháng năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 153,7 nghìn tỷ đồng, bằng 44,5% kế hoạch năm và tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2017.

 

Đầu tư vào sản xuất nông nghiệp sạch là hướng được lựa chọn nhiều hiện nay (Ảnh minh họa: HNV)

Đặc biệt, đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/7/2018 thu hút 1.656 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 13.205,4 triệu USD, tăng 20,2% về số dự án và tăng 2,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 7 tháng năm nay ước tính đạt 9,85 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 7 tháng năm 2018 còn có 3.311 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 4,79 tỷ USD, tăng 53,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 7 tháng năm nay có 81 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 238,3 triệu USD; 21 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 41,3 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 7 tháng năm 2018 đạt 279,6 triệu USD, trong đó lĩnh vực tài chính, ngân hàng đạt 105,8 triệu USD, chiếm 37,8% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 63,8 triệu USD, chiếm 22,8%; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 45,5 triệu USD, chiếm 16,3%.

Hoạt động thương mại dịch vụ 7 tháng năm nay tiếp tục xu hướng tăng khá, sức mua tiêu dùng tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước tính đạt 371,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 2.493,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,4% (cùng kỳ năm 2017 tăng 7,98%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng năm nay ước tính đạt 1.875 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,2% tổng mức và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 7 tháng ước tính đạt 306,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng mức và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành 7 tháng năm nay ước tính đạt 23,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ khác 7 tháng ước tính đạt 288,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,6% tổng mức và tăng 9% so với cùng kỳ năm 2017…

Xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng có tăng trưởng ấn tượng. Theo số liệu thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 6/2018 đạt 19.845 triệu USD, cao hơn 245 triệu USD so với số ước tính. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7/2018 ước tính đạt 19,50 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 133,69 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 39,03 tỷ USD, tăng 18,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 94,66 tỷ USD (chiếm 70,8% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 14%. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 6/2018 đạt 19.046 triệu USD, thấp hơn 654 triệu USD so với số ước tính. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 7 ước tính đạt 19,8 tỷ USD, tăng 4% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 130,63 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước…

Báo cáo của Tổng cục Thống kê nhận định, cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng Sáu xuất siêu 799 triệu USD. Tháng Bảy ước tính nhập siêu 300 triệu USD. Tính chung 7 tháng cán cân thương mại hàng hóa vẫn duy trì xuất siêu với 3,1 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,1 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,2 tỷ USD. Điều chú ý là tình hình chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc ngày càng căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của nước ta trong thời gian tới. Do đó, Việt Nam cần theo dõi sát tình hình và chủ động có giải pháp ứng phó để hạn chế tác động bất lợi.

 

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực