Trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Bờ Biển Ngà tăng mạnh

Thứ ba, 23/01/2018 16:33
(ĐCSVN) – Theo Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Bờ Biển Ngà trong năm 2017 đã đạt mức kỷ lục - trên 1 tỷ USD.
Ảnh minh họa (Nguồn: K.D)

Cũng theo Vụ thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Bờ Biển Ngà liên tục có bước tăng trưởng mạnh trong những năm qua. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà đạt 126 triệu USD, tăng 4% và nhập khẩu đạt 892 triệu USD, tăng 27% so với năm 2016. Hiện nay, Bờ Biển Ngà đã vượt qua Nam Phi và trở thành đối tác thương mại số 1 của Việt Nam tại khu vực châu Phi.

Về cơ cấu mặt hàng, Việt Nam XK sang Bờ Biển Ngà các sản phẩm truyền thống như gạo, dệt may, chất dẻo nguyên liệu, sắt thép... Bờ Biển Ngà cũng là nước cung cấp các nguyên liệu đầu vào quan trọng cho Việt Nam, chủ yếu là hạt điều thô (chiếm 95% tổng giá trị nhập khẩu) và bông các loại.

Đối với mặt hàng gạo, Bờ Biển Ngà là một trong những nước tiêu thụ gạo lớn trên thế giới. Ngoài nhu cầu nhập khẩu gạo để phục vụ tiêu dùng trong nước, Bờ Biển Ngà còn mua gạo để tái xuất sang các nước láng giếng nhờ vị trí địa lý trung tâm trong tiểu vùng. Đây là những yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn khai thác nhiều hơn ở thị trường tiềm năng này. Do đó, để mở rộng thị trường XK gạo cho doanh nghiệp Việt Nam. Theo Thương vụ Việt Nam tại thị trường Algeria, mới đây một đoàn gồm đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), Thương vụ Việt Nam tại Algeria, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)… và 8 doanh nghiệp XK gạo đã đi xúc tiến thương mại gạo tại Bờ Biển Ngà. Một số doanh nghiệp đã tìm được đối tác và ký kết được hợp đồng mua bán gạo.

Nhằm khai thác tốt hơn thị trường Bờ Biển Ngà nói riêng và các thị trường khu vực châu Phi nói chung, Bộ Công Thương đang tích cực chỉ đạo các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tăng cường sự chủ động trong nắm bắt thông tin thị trường để tạo cơ hội tăng kim ngạch thương mại hai chiều.

K.D

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực