Trường Đại học Công nghiệp Việt – Hung: Hướng tới vận hành theo mô hình doanh nghiệp

Thứ ba, 25/12/2018 15:46
(ĐCSVN) - Xuất phát từ yêu cầu của thực tế đại học theo mô hình doanh nghiệp đang là xu thế phát triển hiện nay của nhiều trường đại học hàng đầu trên thế giới. Trong bối cảnh xã hội đang chuyển mình hướng đến mục tiêu cá nhân khởi nghiệp và quốc gia khởi nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như xây dựng thương hiệu trường đại học đang trở thành vấn đề cần thiết.

Theo đó, Trường Đại học Công nghiệp Việt – Hung đã xây dựng cho mình những lộ trình và bước đi vững chắc mà trước hết là thực hiện Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 06-NQ/ĐUVH, ngày 20/3/2017 của Ban chấp hành Đảng bộ trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung về “cải cách trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung”, trong đó Nhà trường xác định xây dựng bộ máy và vận hành Nhà trường theo mô hình mới - Nhà trường theo mô hình doanh nghiệp.

Không ngừng đổi mới để phát triển bền vững

Theo NGND.TS. Nguyễn Đức Trí – Hiệu trưởng Nhà trường cho biết “Đại học theo mô hình doanh nghiệp không chỉ đào tạo thực tiễn, giàu tính ứng dụng và kích thích thinh thần sáng tạo mà còn là giải pháp phát triển kỹ năng mềm một cách toàn diện. Bên cạnh đó, mô hình này sẽ bảo đảm chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của xã hội, giải quyết bài toán về chi phí đào tạo cho các trường đại học, hỗ trợ công tác nghiên cứu khóa học và chuyển giao công nghệ ở các trường đại học. Đồng thời, tạo cơ hội để các trường đại học liên kết và hội nhập quốc tế, hướng đến mục tiêu cá nhân khởi nghiệp và quốc gia khởi nghiệp”.

Do vậy, ngay sau khi Nghị quyết 06 và Chương trình hành động được ban hành, Nhà trường đã tiếp tục đề ra nhiều chủ trương và giải pháp nhằm củng cố nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện, vừa tiếp tục tăng về quy mô, đa dạng hoá ngành nghề và các loại hình đào tạo theo hướng xã hội hoá giáo dục. Nổi bật trong đó là việc tổ chức “Hội nghị xúc tiến hợp tác Tuyển sinh, đào tạo và sử dụng” diễn ra tại Hà Nội, trong ngày 12/12 vừa qua. Hội nghị không chỉ là cơ hội để Trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung được nói lời tri ân và báo cáo những nét mới của Nhà trường, củng cố và thắt chặt thêm các mối quan hệ hợp tác truyền thống. Đây còn là dịp để các bên gặp gỡ, trao đổi, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, qua đó mở rộng hợp tác, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương, đa phương về tuyển sinh, đào tạo và sử dụng sinh viên khi ra trường, nhằm đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia.

Trước bối cảnh mới, đặc biệt là tác động cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung đang hàng ngày, hàng giờ thực hiện một chương trình cải cách toàn diện. Trước hết đối với công tác tuyển sinh, Nhà trường đã triển khai công tác thông tin tuyển sinh tại các trường THPT thuộc địa bàn thành phố Hà Nội, tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Giang, Bắc Ninh,… kịp thời ban hành các văn bản liên quan đến chế độ khuyến khích đối với cá nhân tham gia công tác tuyển sinh; chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cho công tác xét tuyển bảo đảm an toàn, nghiêm túc.

Đặc biệt, trong năm 2018, Nhà trường đã tiếp tục tập trung đào tạo chính quy các bậc đào tạo Đại học, Cao đẳng, liên thông chính quy tập trung Cao đẳng- Đại học, Trung cấp với các nhóm ngành đào tạo đang là thế mạnh của Nhà trường và đang được thị trường lao động quan tâm như: Cơ khí, điện, điện tử, kỹ thuật ô tô, Công nghệ thông tin, kinh tế… Bên cạnh đó, trường cũng đã kịp thời triển khai xây dựng, chỉnh sửa chương trình đào tạo theo chuẩn Quốc tế và định hướng khởi nghiệp cho phù hợp với mục tiêu phát triển của Nhà trường trong giai đoạn mới và theo nhu cầu của xã hội. Song song với việc giảng dạy lý thuyết, giảng viên sẽ đóng vai trò người hướng dẫn và dẫn dắt, từ đó giúp sinh viên xây dựng tinh thần tự học và luôn luôn học hỏi để đáp ứng nhu cầu thay đổi công nghệ ngày càng nhanh của xã hội hiện đại.

Mở ra hướng đi mới cho sinh viên trên hành trình lập nghiệp

Trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung là cơ sở giáo dục đào tạo, trực thuộc Bộ Công Thương, có bề dày 40 năm đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ cao, cùng với sự phát triển của ngành Công Thương cũng như cả nước, hòa nhập chung với xu thế phát triển giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu hội nhập, Nhà trường đã chủ động triển khai các chương trình hợp tác trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng đào tạo, triển khai thành công mô hình liên kết đào tạo giữa Nhà trường và doanh nghiệp trong thời gian qua.

Do đó, trong mỗi học kỳ, Nhà trường luôn dành thời lượng một tuần trong chương trình đào tạo để tổ chức cho sinh viên đi tham quan doanh nghiệp hoặc mời các diễn giả là những chuyên gia uy tín trong ngành đang làm việc tại các doanh nghiệp về giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm. Điều này không những tạo cơ hội để sinh viên nhìn lại các điều kiện của bản thân có tương thích với ngành nghề đã lựa chọn hay không mà còn là cơ hội để các bạn thể hiện mình với các nhà tuyển dụng nhằm tìm kiếm việc làm phù hợp trong tương lai.

Bên cạnh đó, trường có bộ phận chuyên trách làm đầu mối giới thiệu cho học sinh, sinh viên thực tập hay tìm việc sau khi tốt nghiệp. Năm 2018, Nhà trường đã tổ chức 01 hội chợ giới thiệu việc làm với 37 doanh nghiệp tham gia; xúc tiến giới thiệu cho 1.237 học sinh, sinh viên ký kết hợp đồng lao động với các doanh nghiệp.

Chương trình hợp tác đưa sinh viên đến học tập và làm việc tại các trường Đại học, doanh nghiệp của Đài Loan cùng chương trình hợp tác với Hiệp hội phát triển giáo dục và đào tạo nghề Đài Loan ký kết tháng 12/2017 đã mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên đang theo học tại trường. Theo đó, sau 2 năm học tại Việt - Hung, nếu có nhu cầu, sinh viên của Nhà trường có thể sang Đài Loan học tập và làm việc trong các doanh nghiệp, như vậy các bạn sinh viên vừa có thể tiếp cận thực tế sản xuất tại doanh nghiệp vừa mang lại nguồn thu nhập ổn định cho mình, giảm gánh nặng tài chính cho gia đình. Hiện đã có 20 sinh viên của Nhà trường sang Đài Loan làm việc và dự kiến thời gian tới con số này tiếp tục được tăng lên khi mà kết quả của 20 sinh viên phản hồi về Nhà trường đã tạo sức hấp dẫn với rất nhiều sinh viên đang học tại Trường hiện nay.

“Hiện Đài Loan có khoảng 5.000 doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam đây là cơ hội tốt để sinh viên Nhà trường tiếp cận thị trường lao động Đài Loan cũng như trình độ công nghệ sản xuất của các các doanh nghiệp nước ngoài. Với chương trình đào tạo mở và linh hoạt này không những giúp sinh viên có điều kiện thực tế tại doanh nghiệp mà giúp các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn sớm có thu nhập và tìm được việc làm ngay từ khi còn chưa tốt nghiệp” -  NGND. TS Nguyễn Đức Trí, chia sẻ.

Cùng với chương trình hợp tác với Hiệp hội phát triển giáo dục và đào tạo nghề Đài Loan, hợp tác quốc tế cũng được nhà trường đẩy mạnh. Năm 2018, Trường đã đưa được sinh viên đi du học tại Nga và Hungary theo diện học bổng Chính phủ và giảng viên đi nghiên cứu sinh tại Rumani và Nga; Thiết lập mới được mối quan hệ hợp tác với trường Đại học Ulsan Hàn Quốc, Đại học Mehoi… đưa sinh viên năm cuối của Nhà trường đi thực tập tại Thái Lan; Thực hiện chương trình trao đổi sinh viên, Nhà trường đã tiếp nhận sinh viên người nước ngoài đến thực tập tại khoa Điện - Điện tử, công nghệ thông tin theo chương trình IAESTE Việt Nam - Hiệp hội trao đổi sinh viên quốc tế Việt Nam…

Đại học theo mô hình doanh nghiệp đang là xu thế phát triển hiện nay của nhiều trường đại học hàng đầu trên thế giới, trong đó nhấn mạnh sự tham gia tích cực và chủ động của các trường đại học vào quá trình đổi mới, sáng tạo và tạo ra các giá trị kinh tế, thúc đẩy phát triển xã hội. Với sự chuẩn bị và thích nghi với các xu hướng vận động mới của nền kinh tế, tin tưởng rằng đến năm 2022 Nhà trường sẽ được vận hành, quản trị theo mô hình doanh nghiệp; từ đó đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng và trình độ phù hợp với nhu cầu xã hội trong từng giai đoạn phát triển, góp phần thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế./.

 

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực