Truyền thông bảo vệ trẻ em: Vì lợi ích tốt nhất của trẻ

Thứ sáu, 09/08/2019 15:33
(ĐCSVN) – Tiếp theo thành công của Hội thảo tại Hà Nội, ngày 8/8, một Hội thảo cũng về nội dung truyền thông bảo vệ trẻ em tổ chức cho các đơn vị báo chí khu vực phía Nam đã được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 8/8.

Sự tham gia của truyền thông, báo chí trong công tác bảo vệ trẻ em

Thông tin về hoạt động sân chơi, giải trí tích cực cho trẻ em là cần thiết (Ảnh: HNV)

Đây là hoạt động do Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) tổ chức hội thảo về “Sự tham gia của truyền thông, báo chí trong công tác bảo vệ trẻ em” nhằm bồi dưỡng năng lực cho các nhà báo, phóng viên để nâng cao chất lượng và hiệu quả của báo chí trong việc đưa tin về trẻ em và bảo vệ trẻ em. Hội thảo do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế hỗ trợ kinh phí tổ chức.

Trẻ em là đối tượng được cả xã hội quan tâm, do đó, các vấn đề liên quan đến trẻ em luôn thu hút được sự chú ý của dư luận, đặc biệt các vấn đề về giáo dục, xâm hại trẻ gần đây có thẻ khiến dư luận dậy sóng. Vì đây là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, nên đôi khi việc áp lực đưa tin nhanh, nóng để đáp ứng nhu cầu cộng đồng có thể khiến báo chí vô tình xâm phạm quyền trẻ em, đặc biệt là xâm phạm đời sống riêng tư của trẻ em. Lấy ví dụ về thông tin và hình ảnh của em bé bị bỏ quên trên xe bus tại trường học và tử vong lan tràn trên báo chí và internet, hội thảo phân tích đây chính là khía cạnh đưa tin nóng, cộng đồng quan tâm, lấy được nhiều nước mắt và sự bức xúc của cộng đồng, tuy nhiên, dù em bé đã tử vong, đây vẫn là hành vi xâm phạm quyền riêng tư của em và gia đình em, có thể gây nên những hệ luỵ lâu dài cho hình ảnh và gia đình em bé.

Ở một khía cạnh khác, trong quá trình tác nghiệp để tạo nên những câu chuyện, những phóng sự hấp dẫn, phóng viên có thể “mặc kệ” những hành vi xâm hại diễn ra với trẻ trong thời gian dài, và quên đi trách nhiệm tố cáo, bảo vệ nạn nhân và công lý cho trẻ. Đôi khi, để truyền thông hiệu quả cho cả cộng đồng, chúng ta dựng phục lại câu chuyện mà nạn nhân trẻ em đã trải qua mà quên đi những tổn thương, sang chấn mà nạn nhân trẻ em sẽ phải gợi lại, và vô tình xâm hại các em một lần nữa. Chính vì thế, đây là thách thức cho các nhà báo trong việc đấu tranh về trách nhiệm để bảo vệ trẻ em.

Hướng dẫn các kỹ năng mềm cho con trẻ (Ảnh: HNV)

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em chia sẻ “Báo chí đóng vai trò truyền thông, không chỉ là đưa tin nóng, cung cấp các sản phẩm tác nghiệp công phu, thu hút công chúng, tạo dư luận, mà có có trách nhiệm của người bảo vệ công lý, bảo vệ quyền. Chính vì thế, báo chí cần có kiến thức, cũng cần có cả bản lĩnh để thực hiện trách nhiệm của báo chí trong truyền thông, của công dân để  bảo vệ trẻ em”.

Báo chí thời đại ngày nay gặp rất nhiều thách thức, bị cạnh tranh với mạng xã hội. Mạng xã hội đưa tin rất nhanh, tin tức đến từ cuộc sống và mỗi công dân đều có thể trở thành người đưa tin và ảnh. Phải cạnh tranh với mạng xã hội, báo chí đứng trước thách thức trong việc có chạy theo dư luận sôi động trêm mạng xã hội, sức ép về mặt tốc độ để chạy theo những tin “giật gân” mà không bị bỏ rơi lại phía sau sự quan tâm của cộng đồng. Báo chí rất khó giữ vững trách nhiệm đạo đức của người làm báo trong bảo vệ trẻ em, đưa tin vội vàng, không kịp kiểm chứng, thậm chí lấy nguồn từ mạng xã hội.

Thảo luận trong hội thảo, các đại biểu nói đến những nguyên tắc đạo đức của người làm báo, phải đảm bảo không đánh mất đạo đức trách nhiệm bảo vệ trẻ em của mình trong thời đại mạng xã hội. Nhà báo – Tiến sỹ Hồ Bất Khuất chia sẻ “Báo chí phải chuyển từ mô tả, phản ánh, phê phán sang đưa ra các giải pháp cụ thể”. Ông Nguyễn Đình Thành, Giám đốc điều hành CSCI Indochina khuyến nghị:  “Tính chân thực trên mạng xã hội là quá xa xỉ, báo chí cần giữ được cái chất của mình. Báo chí cần đóng vai trò định hướng thông tin, điều chỉnh các thông tin sai, lệch chuẩn; lên án các hành vi xâm hại, tác động tiêu cực đến trẻ em; có trách nhiệm trong việc lựa chọn thông tin tích cực, lành mạnh hỗ trợ phát triển nhân cách trẻ và đặc biệt là khuyến khích xã hội và công dân hành động vì trẻ em”.

Ngoài ra, hội thảo thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến bảo vệ trẻ em, đặc biệt trong chuyên đề truyền thông bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại, bạo lực, trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em, và phòng chống lao động trẻ em. Để báo chí bảo vệ trẻ em hiệu quả, hội thảo đã thảo luận đưa ra giải pháp trong việc truyền thông bảo vệ trẻ em trên 3 cấp độ: Phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp, trong đó báo chí đóng vai trò quan trọng nhất trong truyền thông, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em, giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị xâm hại hoặc rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Các đại biểu cũng đưa ra giải pháp trong việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử có những chỉ dẫn mang tính cam kết của cá nhân và tổ chức làm báo chí/ truyền thông liên quan đến trẻ em.

 

HNV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực