Vấn đề phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam

Thứ năm, 18/01/2018 16:58
(ĐCSVN) - Kinh tế tư nhân và phát triển kinh tế tư nhân là tất yếu khách quan trong nền kinh tế thị trường, dù là kinh tế thị trường sơ khai, đang phát triển hay đã phát triển.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: tapchitaichinh.vn)

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta, phát triển khu vực kinh tế tư nhân cũng là yếu tố có tính qui luật. Bên cạnh việc khẳng định vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn phát triển mới, vấn đề quan trọng hơn là xác lập vai trò đó một cách đúng đắn, hợp lý, đồng thời có giải pháp để kinh tế tư nhân phát huy cao độ những ưu điểm, hạn chế khắc phục những nhược điểm cố hữu, phục vụ đắc lực nhất cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hội nghị TW 5, khóa XII đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Vai trò thực tế của khu vực kinh tế tư nhân ở nước ta

Thực hiện các quan điểm đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước, khu vực kinh tế tư nhân nước ta đã không ngừng phát triển, ngày càng khẳng định vai trò của mình trong thực tế đời sống kinh tế - xã hội của đất nước trên tất cả các mặt, các lĩnh vực.

Luật Doanh nghiệp năm 2000 có hiệu lực đã tạo ra sự "bùng nổ" số lượng các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Khu vực kinh tế tư nhân giữ vị trí quán quân về số lượng doanh nghiệp đang hoạt động với 334.562 doanh nghiệp, chiếm tới 96,5% tổng số doanh nghiệp của cả nước năm 2012 và theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì số doanh nghiệp đăng ký năm 2014 đã lên đến khoảng 60 vạn, trong đó 97% thuộc khu vực tư nhân. Tổng vốn sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngoài nhà nước năm 2012 cũng lên tới hơn 7,7 triệu tỷ đồng - tăng gấp 11 lần so với năm 2005 và chiếm 51% tổng số vốn sản xuất kinh doanh của toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam, tăng gấp đôi so với tỷ lệ tương ứng năm 2005.

Các doanh nghiệp ngoài nhà nước đã và đang liên tục tăng trưởng cả về qui mô, tiềm lực kinh tế tài chính và khẳng định vị thế trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế. Doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng tăng nhanh và năm 2012 đạt tới gần 6 triệu tỷ đồng, chiếm 52% tổng doanh thu thuần của tất cả các doanh nghiệp nước ta với nhiều sản phẩm hàng hoá dịch vụ đa dạng, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu cả của thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân liên tục chiếm vị trí quan trọng nhất trong tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Năm 2012, riêng các doanh nghiệp ngoài nhà nước sử dụng gần 7 triệu lao động, chiếm 61% tổng số lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp Việt Nam. Lợi ích của lao động tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh rất rõ ràng khi tổng thu nhập của họ năm 2012 đã tăng gấp hơn 9 lần so với năm 2005, đạt 352,2 triệu tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng thu nhập của tất cả người lao động trong khu vực doanh nghiệp.

Đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế ngoài nhà nước những năm gần đây duy trì ở mức gần 50% GDP, riêng khu vực kinh tế tư nhân đóng góp trên dưới 11% GDP hàng năm. Tuy tốc độ tăng giảm hàng năm không đều song kinh tế ngoài nhà nước vẫn chiếm khoảng 37-38% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tạo công ăn việc làm cho trên 86% tổng số lao động toàn xã hội. Tính đến năm 2016, kinh tế ngoài nhà nước đóng góp khoảng 1/3 tổng giá trị sản xuất công nghiệp, trên 90% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp và gần 87% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn xã hội.

Rõ ràng, khu vực kinh tế năng động của nền kinh tế thị trường này đã khẳng định được vai trò vững chắc nhưng còn nhiều tiềm năng để phát huy hơn nữa. Nguyên nhân nằm cả ở phía chủ quan của khu vực kinh tế tư nhân và cả từ phía khách quan trong cơ chế chính sách của Chính phủ.

Trước hết, đặc điểm nổi bật của kinh tế tư nhân nước ta là tuyệt đại đa số còn nhỏ và yếu, năng suất và năng lực cạnh tranh còn thấp do chủ yếu là mới thành lập và thời gian hoạt động còn ngắn trong bối cảnh môi trường sản xuất kinh doanh chưa ổn định, còn chứa đựng nhiều rủi ro bất khả kháng. Đến nay đã và đang xuất hiện một số doanh nghiệp tư nhân lớn tầm cỡ quốc gia, thậm chí khu vực và quốc tế song số lượng còn rất ít và lại hoạt động trong những lĩnh vực đặc thù chẳng hạn như bất động sản, cà phê, thuỷ sản,… nhưng vẫn có tới 97% tổng số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Số liệu năm 2012 cho thấy, do vốn sản xuất kinh doanh còn mỏng, bình quân chỉ khoảng hơn 6 tỷ đồng đối với doanh nghiệp tư nhân, trên 12 tỷ đồng đối với công ty TNHH và gần 51 tỷ đồng đối với công ty cổ phần không có vốn nhà nước nên giá trị tài sản cố định của các loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước rất thấp, bình quân của doanh nghiệp tư nhân vỏn vẹn là hơn 1,8 tỷ đồng, của công ty TNHH là xấp xỉ 4 tỷ đồng còn của CTCP không có vốn nhà nước là hơn 17 tỷ đồng.

Hơn nữa, chất lượng tài sản cố định của đại đa số doanh nghiệp ngoài nhà nước nói riêng, khu vực kinh tế tư nhân nói chung không cao, thậm chí rất thấp với hệ thống máy móc thiết bị lạc hậu so với trình độ khu vực khoảng 3 đến 4 thập kỷ, công nghệ sản xuất lạc hậu, năng suất thấp, tiêu tốn nguyên nhiên liệu, ảnh hưởng xấu tới môi trường trong khi chất lượng và mẫu mã sản phẩm hàng hoá dịch vụ bị hạn chế. Ngoài ra, một trong những tài sản cố định có giá trị nhất của doanh nghiệp tư nhân cũng như hộ gia đình sản xuất kinh doanh ở nước ta lại chính là đất đai, là bất động sản (BĐS) trong khi khả năng tiếp cận những loại tài sản này của khu vực kinh tế tư nhân lại hết sức hạn chế. Vì vậy, doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể thường lâm vào vòng xoáy, thiếu vốn sản xuất kinh doanh nhưng lại khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng do rào cản thiếu tài sản đảm bảo, thế chấp có giá trị.

Theo một số báo cáo, chỉ có khoảng ½ số doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước ta tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng trong khi khả năng huy động các nguồn vốn khác, kể cả vốn tự có lại hết sức hạn hẹp. Không có vốn nên không thể đổi mới trang thiết bị, máy móc công nghệ, do đó không thể nâng cao khả năng cạnh tranh, không thể tăng năng suất và rốt cuộc là chỉ có lợi nhuận ít ỏi trong khi thu nhập của người lao động vẫn thấp, kết quả là khó thu hút được những lao động giỏi, có trình độ, có năng suất lao động cao.

Mặc dù sử dụng rất nhiều lao động song qui mô lao động bình quân của mỗi doanh nghiệp ngoài nhà nước lại hết  sức nhỏ bé, cụ thể năm 2012, có tới hơn 22 ngàn doanh nghiệp tư nhân có qui mô dưới 5 lao động và chỉ có 93 doanh nghiệp qui mô trên 200 lao động; gần 83 ngàn công ty TNHH sử dụng dưới 5 lao động và sử dụng trên 200 lao động chỉ có 951 công ty; các con số tương ứng của CTCP không có vốn nhà nước là gần 21 ngàn và 743 công ty. Trong khi thu nhập bình quân năm 2012 của người lao động tại doanh nghiệp ngoài nhà nước chỉ xấp xỉ 4,4 triệu đồng/tháng - bằng 55% so với tại DNNN và tương đương gần ¾ mức thu nhập của lao động tại doanh nghiệp có vốn FDI - thì lợi nhuận trước thuế của khối doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng chỉ có hơn 68 ngàn tỷ đồng - chiếm 19% tổng số lợi nhuận trước thuế của toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam, theo đó, tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp ngoài nhà nước đội sổ với 1,15%, thậm chí của doanh nghiệp tư nhân chỉ có 0,74%, của công ty TNHH là 0,42% và của CTCP không có vốn nhà nước là 1,26% - thấp rất xa so với các con số tương ứng của DNNN và doanh nghiệp có vốn FDI lần lượt là 5,59% và 4,85%.

Chính vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi doanh nghiệp ngoài nhà nước chỉ đóng góp được 46,7% trong tổng thu nội địa từ sản xuất kinh doanh năm 2012. Thiếu thốn đủ mọi thứ dường như là người bạn song hành với tuyệt đại đa số doanh nghiệp ngoài nhà nước trong nhiều năm qua, từ thiếu vốn, thiếu máy móc thiết bị và công nghệ hiện đại, thiếu lao động giỏi đến thiếu đất đai để mở rộng nhà xưởng, thiếu sự quan tâm và hỗ trợ thiết thực của các cơ quan chức năng và thiếu cả cơ hội, nhất là cơ hội học hỏi nâng cao trình độ quản lý, quản trị doanh nghiệp, cơ hội tiếp cận với những thị trường, những hợp đồng kinh doanh, những bạn hàng phù hợp,...

Chính những điều kiện thiếu thốn kinh niên đó đã buộc không ít doanh nghiệp ngoài nhà nước nói riêng, khu vực kinh tế tư nhân nói chung của chúng ta phải “vật lộn” để tồn tại, để vươn lên trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt và không hiếm khi lại thiếu bình đẳng với các doanh nghiệp nhà nước, với các doanh nghiệp có vốn FDI và cả giữa các doanh nghiệp ngoài nhà nước với nhau cũng như tới đây là với các doanh nghiệp khu vực và toàn cầu trong tiến trình hội nhập của đất nước.

Chỉ từ năm 2011 đến nay, số doanh nghiệp “đã gục ngã, bỏ cuộc chơi” không ít với trên 20 vạn doanh nghiệp buộc phải giải thể, dừng hoạt động. Phần lớn số doanh nghiệp ngoài nhà nước còn lại quay về co cụm, thu hẹp sản xuất kinh doanh, chờ cơ hội mới và môi trường thuận lợi hơn để phục hồi và tiếp tục phát triển. Nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển như thế nào, năng lực cạnh tranh của nước ta sẽ được cải thiện và nâng cao đến đâu, bao giờ chúng ta bắt kịp nhịp độ phát triển của các nước tiên tiến trên thế giới phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Muốn vậy, chúng ta không còn con đường nào khác là phải khắc phục những thiếu thốn mà khu vực kinh tế tư nhân đang phải chịu đựng nêu trên. Dẫu biết còn nhiều khó khăn, thách thức không hề nhỏ song chúng ta vẫn kiên quyết gửi gắm niềm tin vào sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam nhất định sẽ song hành với sự lớn mạnh của đất nước.  

Định hướng phát triển kinh tế tư nhân

Khu vực kinh tế tư nhân đang không ngừng phát triển và khẳng định vai trò quan trọng của mình trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta. Những đóng góp của kinh tế tư nhân vào nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội, nhất là từ thời kỳ bắt đầu Đổi mới đến nay, là rất quan trọng và không thể phủ nhận. Để tiếp tục giữ vững và phát huy cao độ vai trò của kinh tế tư nhân ở nước ta cần có những chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các mặt, từ chủ trương quan điểm, kinh tế - tài chính, lao động - xã hội đến tâm lý - tuyên truyền, v.v. Trong đó, theo chúng tôi cần hết sức lưu ý những điểm căn bản sau:

* Tiếp tục triển khai thực hiện nhất quán quan điểm chủ trương phát huy cao độ vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta, biến những quan điểm chủ trương đó thành những cơ chế chính sách cụ thể đồng bộ và nhất quán. Kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước không phải là hai mặt đối lập, không phải là đối thủ cạnh tranh "một mất một còn" mà là các bộ phận bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Kinh tế tư nhân phát triển cũng có nghĩa là kinh tế Việt Nam phát triển.

* Vai trò của kinh tế tư nhân phần lớn do khu vực kinh tế tư nhân quyết định với nỗ lực nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh thông qua tăng cường tiềm lực tài chính, trình độ quản lý, trang bị máy móc thiết bị công nghệ hiện đại, đào tạo và sử dụng đội ngũ lao động có trình độ cao, lao động có kỷ luật, có tác phong công nghiệp hiện đại,... Bên cạnh đó cần có sự quan tâm khuyến khích thích đáng của Đảng và Nhà nước để kinh tế tư nhân phát huy tốt nhất vai trò tích cực, đồng thời hạn chế những khiếm khuyết tiêu cực.

* Điều kiện tiên quyết là Nhà nước tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa kinh tế nhà nước với kinh tế tư nhân. Kinh tế tư nhân hoạt động theo đúng tinh thần Luật Doanh nghiệp là trên tất cả những lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Nhà kinh tế nổi tiếng về các nền kinh tế chuyển đổi J.Kornai khẳng định nhiệm vụ quan trọng nhất là tạo điều kiện thuận lợi để phát triển khu vực tư nhân từ dưới lên mà động lực chủ yếu là sự ra đời mạnh mẽ của các doanh nghiệp tư nhân. Muốn vậy cần phải: xoá bỏ các rào chắn đang ngăn cản quá trình tự do đi vào thị trường; bảo đảm quyền sở hữu tư nhân bằng các thể chế đặc biệt theo dõi các nghĩa vụ hợp đồng; áp dụng những biện pháp đặc biệt một cách cẩn trọng để hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân chẳng hạn trong lĩnh vực thuế và tín dụng.

Đó là những khuyến nghị chung cho các nước đang chuyển đổi, trong đó có Việt Nam, song chúng ta có những đặc điểm riêng của mình và do đó cần có những lựa chọn cho phù hợp.

Xuất phát từ những quan điểm chỉ đạo chung, chính sách và cơ chế đối với kinh tế tư nhân dựa trên nguyên tắc cơ bản: bình đẳng, không cần ưu đãi; tôn trọng, chủ động. Hiện nay khu vực tư nhân đang chứa đựng mâu thuẫn nội tại, vừa đòi bình đẳng với khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế có vốn ĐTNN lại vừa yêu cầu Nhà nước có những ưu đãi riêng, trong khi yêu cầu được tôn trọng lại chưa chủ động để được tôn trọng, tư tưởng chờ đợi sự "ban phát" và "dựa dẫm" vào Nhà nước tuy không phải là đặc trưng nhưng lại khá phổ biến (đó là chưa kể đến những mặt trái của kinh tế tư nhân như Nghị quyết của Đảng đã chỉ ra ở trên).

* Luật Doanh nghiệp đã tạo ra khuôn khổ pháp lý tương đối thuận lợi để mọi người có thể gia nhập thị trường, song còn thiếu những cơ sở pháp lý đồng bộ nhằm điều chỉnh hoạt động trên thị trường, cụ thể là điều chỉnh các quan hệ hợp đồng, đồng thời điều chỉnh việc rút ra khỏi thị trường thông qua phá sản hay giải thể. Chúng ta đã quen với việc một sản phẩm chiếm lĩnh thị trường rồi biến mất khỏi thị trường nhưng lại coi việc một doanh nghiệp phá sản là bất bình thường và đáng lo ngại. Chỉ khi chúng ta chấp nhận doanh nghiệp phá sản là hiện tượng bình thường được luật pháp hoá thì kinh tế tư nhân mới có thể phát triển đúng bản chất của nó. Theo đó, vấn đề thiết yếu đối với khu vực kinh tế tư nhân hiện nay là xây dựng cơ sở pháp lý cho việc hình thành, thực hiện, theo dõi, thanh lý, giải quyết tranh chấp các hợp đồng kinh tế và xử lý các vấn đề kinh tế - tài chính khi doanh nghiệp phá sản hay giải thể theo qui luật thị trường.

* Ngoài một số ưu đãi tạm thời, theo chúng tôi, cơ bản không nên áp dụng các chính sách ưu đãi cho kinh tế tư nhân, kể cả chính sách cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng các chính sách ưu đãi trong việc thuê đất, chuyển nhượng, thế chấp,... tránh tình trạng chuyển từ thái cực này sang thái cực khác và làm mất giá trị thật của các ưu đãi.

Vũ Đình Ánh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực