Xem xét lại khái niệm doanh nghiệp nhà nước và dự kiến sửa Luật Doanh nghiệp

Thứ hai, 15/07/2019 22:08
(ĐCSVN) – Việc sửa đổi các quy định để thể chế hóa quan điểm về doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong bối cảnh hiện nay theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII cần hết sức thận trọng và cân nhắc.

Thông tin này được nhấn mạnh tại Hội thảo “Khái niệm doanh nghiệp nhà nước và dự kiến sửa Luật Doanh nghiệp” diễn ra chiều 15/7. Hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (CIEM) tổ chức tại Hà Nội để có thể thu nhận được nhiều ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp.

Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh: HNV) 

Theo TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, trước đây Luật Doanh nghiệp quy định DNNN là 100% vốn nhà nước. Nhưng Nghị quyếtTrung ương 5 khóa XII lại có những định hướng khác, bao gồm cả những doanh nghiệp chiếm phần vốn chi phối. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải sửa đổi các quy định để thể chế hóa quan điểm ấy. “Một quy định về DNNN thay đổi thì phải đánh giá thay đổi tích cực hay tiêu cực đến đâu và cần thiết phải làm rõ tác động liên quan đến các vấn đề như nhân sự, đầu tư, kế hoạch sản xuất kinh doanh” – TS Phan Đức Hiếu nói.

Đồng quan điểm trên, theo chuyên gia kinh tế Lê Song Lai, sẽ có nhiều tác động khi xem xét sửa đổi quy định và có thể sẽ phải làm rõ nhiều khái niệm. Chẳng hạn như vốn nhà nước, khái niệm cũng cần phải làm rõ. Đánh giá tác động có thể có nếu khái niệm DNNN được thay đổi, kể cả đối với các hiệp định tự do thương mại như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Theo vị chuyên gia này, việc sửa đổi khái niệm DNNN sẽ mở rộng phạm vi, đối tượng được áp dụng và thay đổi cách quản trị của các DNNN. Các doanh nghiệp này sẽ tuân thủ hàng loạt các luật và các quy định về nhân sự, kiểm toán, thanh tra… Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang quản lý 144 DN, có 51% có vốn nhà nước.

Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: PV)

Cũng tại Hội thảo, Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu thông tin, Nghị quyết số 12-NQ/TW quy định doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối. Báo cáo số 480/BC-CP ngày 12/10/2018 đã thống kê có 526 doanh nghiệp do nhà nước nắm 100% vốn, bên cạnh đó có 294 công ty cổ phần có cổ phần nhà nước do Bộ, UBND quản lý.

Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 1/1/2018, cả nước có 1.204 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc mọi cấp độ quản lý; 1.282 công ty cổ phần có cổ phần nhà nước lớn hơn 50% thuộc mọi cấp quản lý (bao gồm cả công ty con của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước). Như vậy, trong trường hợp mở rộng tối đa khái niệm doanh nghiệp nhà nước thì ít nhất có thêm 1.282 công ty cổ phần được gọi là doanh nghiệp nhà nước và trở thành đối tượng điều chỉnh của pháp luật về doanh nghiệp nhà nước.

Hiện, có 9 luật quy định về chủ thể doanh nghiệp nhà nước, gồm: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Quản lý tài sản công, Luật Tiếp cận thông tin, Bộ luật Dân sự, Luật Thủy lợi, Luật Lâm nghiệp, Luật Kiểm toán nhà nước. Trong đó, các luật gây tác động trực tiếp nếu một doanh nghiệp được xác định là doanh nghiệp nhà nước gồm: Luật Đấu thầu (toàn bộ các dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước, từ mọi nguồn vốn, phải thực hiện theo luật); Luật Xây dựng (Điều 60 và Điều 63), Luật Ngân sách nhà nước (Điều 5, 35 và 37).

Ngoài ra doanh nghiệp này cũng phải chịu sự tác động của các văn bản dưới luật.

Trước tình hình đó, nhóm nghiên cứu của CIEM cho biết, hiện, có 4 phương án quy định khái niệm doanh nghiệp nhà nước tại Luật Doanh nghiệp gồm: (1)- Phương án trên 65% vốn điều lệ: mức độ chi phối là tuyệt đối, nhà nước quyết định tất cả các vấn đề hệ trọng của doanh nghiệp; (2)- Phương án trên 50% vốn điều lệ: mức độ chi phối chủ động cộng với quyết định phần lớn các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp (gồm nhân sự, điều lệ); (3)- Phương án trên 35% vốn điều lệ: mức độ chi phối là thụ động/thực hiện quyền phủ quyết để định hướng doanh nghiệp; (4) - Phương án cuối là chỉ cần có vốn nhà nước, nhà nước có quyền trực tiếp/gián tiếp bổ nhiệm các thành viên HĐQT, Tổng giám đốc, quyết định điều lệ doanh nghiệp: mức độ chi phối là quyết định những vấn đề lớn của doanh nghiệp không phụ thuộc vào tỷ lệ sở hữu.

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng việc quyết định chọn lựa phương án nào cần tính tới một số yếu tố, chẳng hạn như tâm lý của nhà đầu tư, không nên để có tình trạng nhà đầu tư tư nhân giữ đa số cổ phiếu nhưng vẫn bị nhà nước kiểm soát, gây khó khăn, vướng mắc trong quản trị doanh nghiệp. Theo đó, phương án hợp lý mà CIEM đề xuất là phương án có trên 50% vốn điều lệ.

 

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực