Xúc tiến, quảng bá thương hiệu nông sản, đặc sản vùng miền

Thứ năm, 15/03/2018 13:59
(ĐCSVN) – Việt Nam được biết đến là một quốc gia nông nghiệp sản xuất ra nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản có kim ngạch xuất khẩu lớn trên thế giới. Với 8 vùng nông nghiệp, mỗi vùng đều có đặc trưng rất đa dạng nhưng phần lớn nông sản Việt vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, kim ngạch thấp…
Áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp góp phần gia tăng chất lượng nông sản (Ảnh: HNV)

Trong bối cảnh hiện nay, ngoài cạnh tranh về chất lượng và giá cả trên thị trường thế giới, sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ thể hiện ở giữa các thương hiệu.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), có một thực tế hiện nay là nhiều doanh nghiệp, người sản xuất và nông dân vẫn chưa chú trọng tới thương hiệu cũng như chưa định vị rõ ràng thị trường và thiếu niềm tin vào giá trị gia tăng do thương hiệu. Việc chưa nhận thức đầy đủ về thương hiệu nông sản dẫn đến thiếu chiến lược, thiếu sự đầu tư chuyên sâu cũng như thiếu tính chuyên nghiệp trong công tác marketing nói chung và xây dựng uy tín thương hiệu nói riêng. Không nhiều doanh nghiệp nhận ra các đặc điểm tiêu dùng, nhu cầu, thị hiếu... của đối tượng khách hàng mục tiêu và do đó không có định hướng trước khi phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Như vậy, trong toàn bộ quy trình của chuỗi giá trị trong nông sản, thương hiệu nông sản nổi lên là vấn đề lớn của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Bởi thế, cùng với sự hội nhập ngày càng sâu rộng, cần thiết phải tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm đồng nghĩa với việc phải tạo ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn, nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Hay nói cách khác là ngành nông nghiệp cần phải chú trọng, đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển các thương hiệu nông sản Việt.

Cũng theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, qua việc khảo sát tình hình xây dựng thương hiệu, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản vùng miền tại các địa phương trong thời gian qua, mặc dù các địa phương đã bước đầu quan tâm, chú trọng việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bảo hộ tên gọi chỉ dẫn địa lý, nhãn mác sản phẩm đối với các sản phẩm đặc thù và có chất lượng tốt của địa phương, doanh nghiệp nhưng vẫn còn thiếu một chương trình/chiến lược tổng thể định hướng chung.

Bộ NN&PTNT cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai xây dựng Chương trình phát triển thương hiệu nông sản chủ lực đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 nhằm xác định cụ thể các  Theo đó, Bộ cũng xác định, để triển khai việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản chủ lực đảm bảo các yêu cầu được thực hiện một cách bài bản, chuyên nghiệp, có định hướng rõ ràng, có lộ trình bền bỉ, lâu dài và có thể áp dụng khả thi trong  thực tiễn.

Cụ thể, ưu tiên các chính sách tín dụng, chính sách thúc đẩy đầu tư cho nông nghiệp, đặc biệt là các mặt hàng nông sản có thế mạnh của địa phương và phục vụ xuất khẩu theo hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX có thể tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng các nguồn hỗ trợ; các chính sách hỗ trợ nhằm phát huy tiềm lực về đất đai, tài chính, khoa học kỹ thuật, phát triển thị trường, nguồn nhân lực, thúc đẩy sự liên kết phối hợp giữa nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân để tham gia chặt chẽ, hiệu quả vào lộ trình xây dựng thương hiệu…

Đáng chú ý là coi trọng công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu nông sản nói chung và các đặc sản vùng miền nói riêng.

Sản phẩm cá cơm - đặc sản Phú Quốc (Ảnh: HNV)

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, xây dưng thương hiệu nói chung và thương hiệu nông sản nói riêng là chưa đủ mà cần phải được mọi người biết đến, hiểu và chấp nhận những thương hiệu đó. Chắc chắn việc quảng bá thương hiệu nông sản và đặc sản vùng miền tốn kém nhiều chi phí cả về vật lực, tài lực và thời gian. Do đó, chú ý tới các phương tiện xúc tiến, quảng bá hiệu quả gồm: tận dụng lợi thế internet, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, xây dựng các trang tin điện tử tổng hợp đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin mới; nhân rộng các tài liệu ấn phẩm cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài dễ sử dụng, quảng bá cũng như thông qua các hình thức quảng cáo, các chương trình sự kiện và hội chợ, triển lãm thương mại để tạo cơ hội giao lưu, gặp gỡ khách hàng, mở rộng thị trường cho sản phẩm nông sản… Ngoài ra, thông qua các hội thảo, hội nghị chuyên ngành về thương mại và nông nghiệp để quảng bá thông tin về thương hiệu nông sản khi mà các đại biểu đến từ nhiều nơi, nhiều tổ chức khác nhau.

Tin rằng, làm tốt các giải pháp trên cộng với không ngừng củng cố gia tăng giá trị và chất lượng sản phẩm, nông sản Việt nói chung và đặc sản Việt nói riêng sẽ thực sự trở thành món hàng được nhiều người tiêu dùng trong nước cũng như nước ngoài tin dùng.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực