“Cách mạng công nghiệp 4.0 và những đổi mới trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng”

Thứ ba, 12/06/2018 20:02
(ĐCSVN) - Hiện nay, tại Việt Nam, khung pháp lý về Fintech (công nghệ tài chính) đã bắt đầu được xây dựng và đang có những bước hoàn thiện nhất định. Tuy vậy, các công ty Fintech tại Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thanh toán, các lĩnh vực khác còn nhỏ lẻ.
Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh: M.P)

Đây là nhận định của ông Lê Anh Dũng -  đại diện Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Cách mạng công nghiệp 4.0 và những đổi mới trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng” do Viện Ngân hàng - tài chính (Đại học Kinh tế quốc dân) phối hợp với Văn phòng Đại học Quản trị Paris tại Việt Nam (PGSM) tổ chức tại Hà Nội vào ngày 12/6.

Theo ông Lê Anh Dũng, Fintech là lĩnh vực phát triển nhanh, là khu vực giao cắt “năng động” giữa công nghệ với dịch vụ tài chính, là biểu hiện sinh động cho ảnh hưởng của cách mạng 4.0 tới ngành ngân hàng – tài chính. Vì thế, với nhịp độ đổi mới nhanh, hệ sinh thái mở và đa dạng, kết nối xuyên biên giới…, Fintech đặt ra thách thức lớn cho các tổ chức tài chính và cơ quan quản lý trong việc thay đổi để thích ứng; xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách quản lý phù hợp, không cản trở đổi mới sáng tạo nhưng vẫn bảo vệ người tiêu dùng, ổn định tài chính.

Hiện nay, tại Việt Nam, khung pháp lý về Fintech đã bắt đầu được xây dựng và đang có những bước hoàn thiện nhất định. Tuy vậy, các công ty Fintech tại Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thanh toán, các lĩnh vực khác còn nhỏ lẻ.

Chính vì vậy, khi nói về việc quản lý các hình thức tài chính hiện đại nêu trên, ông Lê Anh Dũng thừa nhận, cơ quan quản lý sẽ gặp thách thức lớn trong quản lý các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ đột phá như Blockchain khi không thể vận dụng cách thức truyền thống để quản lý.

Đồng tình với quan điểm trên, tại Hội thảo, PGS.TS. Lê Thanh Tâm, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, trong khi các tác động tích cực từ Fintech đang ở mức tiềm năng thì một số tác động tiêu cực đã xuất hiện như: Lừa đảo thông qua hình thức bán tiền ảo “đa cấp”, bảo mật thông tin khách hàng, tội phạm công nghệ…

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho rằng, phát triển Fintech là xu hướng tất yếu, nhưng ngân hàng không nên tự làm Fintech vì phải đầu tư quá nhiều về tài chính, nhất là nhân lực công nghệ thông tin. Vì thế, cách tốt nhất là kết hợp giữa ngân hàng và Fintech, đặt hàng công ty Fintech phát triển dịch vụ theo nhu cầu của ngân hàng để tránh rủi ro và có được những phương hướng hợp lý hơn.

Nguyên nhân của nhận định trên là do các công ty Fintech có những lợi thế hơn công nghệ so với ngân hàng, giúp tạo ra các sản phẩm khác biệt, hướng tới khách hàng dễ dàng hơn so với ngân hàng truyền thống; tuy nhiên, để tồn tại, các công ty Fintech cần được tiếp cận nguồn vốn, quy mô mạng lưới, các nguồn thông tin của khách hàng, cũng như sự hỗ trợ, tư vấn về pháp lý của các ngân hàng. Vì thế, khuyến nghị được các chuyên gia tại Hội thảo đưa ra là các ngân hàng cần lựa chọn cách thức hợp tác phù hợp, tận dụng lợi thế của công ty Fintech. Ngoài ra, các ngân hàng cũng như các công ty Fintech Việt Nam cần có chiến lược, bước đi, giải pháp để theo kịp sự bùng nổ của thị trường dịch vụ tài chính số.

NHNN khẳng định ủng hộ sự hợp tác giữa ngân hàng và Fintech nhằm tạo ra sức mạnh cộng hưởng, tạo xung lực phát triển mới của ngành ngân hàng, mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng..../.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực