“Cởi trói” cho nông nghiệp phát triển

Thứ sáu, 20/09/2019 11:44
(ĐCSVN) - Chủ trương tích tụ ruộng đất, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp của Đảng và Nhà nước là hết sức đúng đắn, thực sự “cởi trói” cho nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá lớn vẫn đang đối mặt với nhiều vướng mắc, trong đó có những khó khăn về tích tụ, tập trung đất đai.
Hình ảnh tại hội thảo. (Ảnh: Đ.H).

Đó là nhận định của PGS.TS Vũ Văn Hà tại hội thảo khoa học - thực tiễn “Tích tụ, tập trung ruộng đất và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng Bắc bộ trong điều kiện mới” được tổ chức tại Hà Nam ngày 20/9. Hội thảo do Tỉnh uỷ - UBND tỉnh Hà Nam và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức.

Các đồng chí: PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS.TS Vũ Văn Hà, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; Nguyễn Xuân Đông, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện các ban, bộ, ngành, địa phương, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và phóng viên báo chí.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Vũ Văn Hà cho biết, sở hữu toàn dân về đất đai được chính thức khẳng định là hình thức sở hữu duy nhất về đất đai ở Việt Nam trong Hiến pháp năm 1980 và được tiếp tục khẳng định nhất quán trong Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quan hệ đất đai, hệ thống thể chế sở hữu đất đai không ngừng được phát triển, hoàn thiện thông qua việc ban hành các Luật Đất đai năm 1987, 1993,… và gần đây là năm 2013. Chính sách, pháp luật đất đai về cơ bản được hoàn thiện phù hợp hơn với cơ chế thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng đất tích tụ, tập trung đất đai theo quy mô lớn và yên tâm hơn trong vấn đề đầu tư vào đất đai. Chính sách, pháp luật về đất đai bước đầu đã khuyến khích một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên cả nước nói chung, ở vùng đồng bằng Bắc Bộ nói riêng.

Nhờ những cải cách trong quan hệ đất đai, nền nông nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển quan trọng, từng bước bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước, đóng góp ngày càng lớn cho xuất khẩu, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chiếm lĩnh vị trí hàng đầu thế giới như cà phê, gạo, tiêu, thuỷ hải sản, đã góp phần quan trọng từng bước nâng cao đời sống của người dân.

Với sự đa dạng về hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp như dồn điền đổi thửa; góp đất vào tập đoàn, hợp tác xã nông nghiệp; các hộ mua, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các hộ khác; hình thức hộ thuê đất của hộ khác; doanh nghiệp mua, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ nông dân;… đã góp phần mở rộng quy mô sản xuất cũng như thúc đẩy hình thành các tổ chức sản xuất mới trong nông nghiệp. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hoá lớn tập trung xuất hiện, đem lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn; bước đầu hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, thu hút nhiều doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hàng hoá, nông nghiệp công nghệ cao.

Tuy nhiên, cho đến nay, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá lớn vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Qua thực tiễn triển khai tại nhiều địa phương trong cả nước, đã xuất hiện không ít vướng mắc trong các chính sách, cũng như Luật Đất đai, như: thị trường mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê đất chưa thực sự phát triển, chưa công khai, minh bạch; cơ sở pháp lý để tích tụ, tập trung ruộng đất cho sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn chưa đầy đủ; việc cho thuê đất, cho người dân góp vốn, cổ phần bằng đất đai thiếu tính bền vững,… Do vậy, cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời để việc tích tụ, tập trung ruộng đất được tiến hành mạnh mẽ hơn, đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn; góp phần đẩy nhanh sự phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, hiện đại ở Việt Nam; bảo đảm an ninh lương thực trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, khó lường.

Với 52 tham luận được gửi đến hội thảo, nhiều diễn giả tại hội thảo đã tập trung thảo luận một số vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến tích tụ, tập trung ruộng đất và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp trong điều kiện mới; chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, một số vấn đề đặt ra từ thực tiễn thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất; giới thiệu một số mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp trên thế giới và gợi ý chính sách cho Việt Nam; đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng Bắc Bộ theo hướng ngày càng hiệu quả, bền vững…

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực