Đồng bằng sông Cửu Long sẽ không còn là vùng trũng

Thứ năm, 19/09/2019 19:43
(ĐCSVN) - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có 563/1.286 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt gần 44%.

Không còn là vùng trũng…

Sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch ở Kiên Giang. (Ảnh: K.V)

Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố, sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới (2010 - 2019), hiện toàn khu vực có 563/1.286 xã và 12 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 30,88% so với cuối năm 2015. Để có được kết quả trên, thời gian qua, các tỉnh, thành phố trong khu vực này đã có nhiều giải pháp hữu hiệu, đột phá trong phát triển kinh tế.

Với vị trí là vùng trọng điểm kinh tế, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Đề án chuyên đề nhằm hỗ trợ Đồng bằng sông Cửu Long. Trên cơ sở này mà các địa phương đã ban hành cơ chế, chính sách và kế hoạch tổ chức triển khai để lồng ghép và gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, qua đây, góp phần giúp cho toàn vùng thu được nhiều kết quả khả quan sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới. Tận dụng lợi thế về kênh rạch, sông ngòi phong phú, đa dạng các địa phương trong vùng đã chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển thủy sản, cây ăn trái và trồng lúa, đồng thời dần hình thành những vùng sản xuất tập trung quy mô lớn và chuyên canh nông sản chủ lực gắn với chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm.

Tính từ năm 2010 đến năm 2018, các địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm hơn 60.000ha đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả để chuyển sang nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn trái. Năm 2018, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đứng đầu cả nước về sản lượng lúa, tôm, cá tra và trái cây.

Theo ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 1,5 triệu ha đất trồng lúa, luôn giữ vai trò then chốt trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, trong đó tính riêng năm 2018, toàn vùng đóng góp sản lượng lúa là 24,5 triệu tấn, chiếm 56% sản lượng cả nước. Ngoài cây lúa thì sản lượng tôm cũng đóng góp 0,623 triệu tấn, chiếm 70%; sản lượng cá tra 1,41 triệu tấn, chiếm 95% và sản lượng trái cây 4,3 triệu tấn, chiếm 60%.

"Từ lâu, Đồng bằng sông Cửu Long được ví là vùng trũng về văn hóa và giáo dục của cả nước nhưng bây giờ không còn. Những con số đã cho thấy tiêu chí về văn hóa và giáo dục của Đồng bằng sông Cửu Long còn đứng trên bình quân cả nước. Đây là kết quả rất tích cực cần phát huy" - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ 

Để có những mặt hàng nông sản đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, thời gian qua, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao giống mới, kỹ thuật canh tác, quy trình sản xuất thích ứng hơn với biến đổi khí hậu; trong đó chú trọng áp dụng các tiêu chuẩn về VietGAP, GlobalGAP..., đồng thời, công nghiệp chế biến nông sản, bảo quản sau thu hoạch cũng đạt được nhiều kết quả, góp phần phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn và ổn định kinh tế - xã hội.

Lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ nông thôn ở Đồng bằng sông Cửu Long những năm qua cũng phát triển mạnh, đó là do hệ thống giao thông được nâng cấp, mở rộng nên đã thu hút một lượng lớn doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn, từ đó tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương khi vào làm việc ở các khu công nghiệp. Theo đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 97% số xã có đường đến huyện, 96,5% đường trục xã được bê tông, nhựa hóa, trên 91% số xã có đường trực thôn được rải nhựa, bê tông, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hàng hóa quy mô lớn, đồng thời góp phần thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào khu vực nông thôn, kể cả ở các vùng sâu, vùng xa.

Ngoài ra, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện nhiều mô hình du lịch nông thôn như du lịch miệt vườn cây ăn trái đặc sản ở Bến Tre, Tiền Giang; du lịch sông nước, chợ nổi ở Ngã Bảy, Hậu Giang hay Chợ nổi Cái Bè, Tiền Giang; du lịch các cồn trên sông, làng hoa Sa Đéc - Đồng Tháp; vùng trồng thốt nốt của An Giang.v.v…

Ông Nguyễn Quang Dương, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết, với sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò của người đứng đầu đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét. Bởi thực tiễn cho thấy, ở những nơi nào người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thực sự tâm huyết, trách nhiệm, vào cuộc thường xuyên, quyết liệt thì xây dựng nông thôn mới đạt được cả mục tiêu về số lượng và đi vào chiều sâu chất lượng.

Làng hoa Sa Đéc- Đồng Tháp. (Ảnh: K.V)

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp chia sẻ, để người dân làm chủ thể trong xây dựng nông thôn mới đúng như tinh thần Nghị quyết số 26/NQ-TW của Trung ương về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, chúng tôi nghĩ không phải là dân góp bao nhiêu tiền và đất mà là người dân đứng lên làm chủ làng xóm của mình. Từ cách nghĩ trên, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai và nhân rộng mô hình Hội quán. Theo đó, Hội quán là nơi giúp nông dân liên kết mua chung bán chung, giảm chi phí, nâng cao giá trị hàng hóa, giúp địa phương làm du lịch nông thôn, đồng thời thực hiện tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, từ đó góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Đồng Tháp có 80 Hội quán với 4.300 thành viên và 17 hợp tác xã kiểu mới được thành lập trên nền tảng mô hình này. Từ mô hình này, tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng đề án "Làng thông minh", giúp nông dân tự tìm hiểu về nhu cầu giáo dục, kết nối làm ăn, học hành và truyền tải tinh thần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp.

Trong 10 năm qua, tốc độ gia tăng thu nhập của người dân nông thôn ở Đồng bằng sông Cửu Long nhanh hơn so với tốc độ gia tăng thu nhập của người dân đô thị, góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị. Trong đó, nổi bật nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long khi chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn chỉ còn 1,41 lần, thấp hơn so với vùng Đông Nam Bộ (còn 1,57 lần) và cả nước (còn 1,8 lần năm 2018, so với 2,1 lần năm 2008).

Những kết quả này đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long là khoảng 36,7 triệu đồng, tăng 2,4 lần so với năm 2010 và tăng 1,1 lần so với năm 2016, cao hơn bình quân cả nước (35,88 triệu đồng).Tỷ lệ hộ nghèo cũng thấp hơn so mới cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều khu vực nông thôn năm 2018 của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn khoảng 3,3% (giảm khoảng 3,4% so với năm 2016).

Mục tiêu đến năm 2025

Làm đường giao thông nông thôn ở Hậu Giang (Ảnh: K.V)

Nhằm phát huy những kết quả đạt được sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới, bước sang giai đoạn 2021-2025, Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu Quốc gia đề ra nhiệm vụ là toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long phấn đấu có ít nhất 4 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; ít nhất 50% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có khoảng 10 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời có ít nhất 75% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có khoảng 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đề nghị các địa phương trong vùng tiếp tục nghiên cứu cho ý kiến thêm về các chỉ tiêu, cũng như mục tiêu thực hiện xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, đặc biệt là không được phép chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được. Bởi, xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Do đó, các địa phương phải đi vào thực chất chứ không phải đếm số xã đạt chuẩn mà tính. Bên cạnh đó, trong công tác quy hoạch nông thôn mới tới đây phải dựa trên yếu tố biến đổi khí hậu.

Vì vậy, phải xây dựng nông thôn mới trên cơ sở phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long bền vững theo hướng thuận thiên, dựa vào các quy luật của tự nhiên để phát triển. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai và đảm bảo tính kết nối vùng để phục vụ hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân, góp phần thu hút đầu tư vào nông thôn, nhất là các địa bàn khó khăn; đồng thời quan tâm chất lượng y tế, giáo dục và xây dựng, bảo vệ môi trường nông thôn ngày càng xanh - sạch - đẹp...

"Các địa phương không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được; cần chú ý công tác xem xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trên tinh thần không chạy theo thành tích mà phải đi vào chất lượng, đồng thời phải luôn nhất quán quan điểm: Xây dựng nông thôn mới chỉ có khởi đầu, không có điểm kết thúc" - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ 

Để xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, trong giai đoạn từ nay đến 2025, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, bám sát quan điểm, mục tiêu của Trung ương để đề ra được Chương trình xây dựng nông thôn mới sau năm 2020 với mục tiêu sát với tình hình thực tế; xác định tiêu chí, nhiệm vụ cụ thể cần tập trung nâng cao chất lượng, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng khu vực theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng và trình độ của đội ngũ cán bộ, nhất là ở cơ sở ngày càng chuyên nghiệp, để tạo động lực phát triển và quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra đến 2025, trong đó, cần chú trọng xây dựng nông thôn mới trên cơ sở phát triển nông nghiệp bền vững, theo hướng thuận thiên, dựa vào các quy luật của tự nhiên để phát triển.

Cơ sở hạ tầng phải được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai; tài nguyên thiên nhiên được quản lý, sử dụng hợp lý, đa dạng sinh học và truyền thống văn hóa lịch sử được duy trì và tôn tạo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Đối với cấp tỉnh, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có ít nhất 4 địa phương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có ít nhất 50% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có ít nhất 75% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có khoảng 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với cấp thôn, có 100% các thôn thuộc Đề án 1385 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới áp dụng đối với cấp thôn, do các địa phương quy định.

Cùng với đó, các công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện, nước, trường học, trạm tế… đảm bảo tính kết nối, liên thông và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới để nhân ra diện rộng.

Tập trung chỉ đạo rà soát mục tiêu của giai đoạn 2016-2020 để hoàn thành và vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ đã giao trong giai đoạn 2016-2020; chủ động bắt tay vào xây dựng chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020 theo hướng rõ mục tiêu, rõ việc, gắn sát với điều kiện thực tiễn.

Phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp ở Đồng Tháp. (Ảnh: K.V)

Đồng thời, các địa phương cần tập trung hoàn thành các nội dung, tiêu chí theo kế hoạch, trong đó, chú trọng vào một số nội dung trọng tâm như phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó, chú trọng khai thác được lợi thế tuyệt đối của mỗi vùng, theo đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nông nghiệp bền vững theo vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển, bám sát định hướng xoay trục chiến lược sang thủy sản - trái cây - lúa gạo, phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thành khu vực du lịch nông nghiệp, sinh thái đặc thù, trong đó vùng thượng là vùng trọng điểm về sản xuất lúa và cá tra theo hướng hiện đại, bền vững; vùng giữa là vùng phát triển nông nghiệp miệt vườn điển hình, là trung tâm chuyên canh trái cây lớn nhất cả nước. Bên cạnh đó, phát triển một số vùng lúa gạo tập trung, thủy sản nước ngọt, rau màu, cây công nghiệp và thủy sản nước lợ ở mức độ vừa phải; vùng ven biển là vùng phát triển nông nghiệp dựa chính vào nước mặn và lợ, phát huy lợi thế thủy sản, kết hợp vùng lúa gạo đặc sản, các cây trồng sử dụng ít nước ngọt và chịu mặn.v.v…/.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực