Nông sản và thực phẩm phía Nam sẽ vươn ra phía Bắc

Thứ ba, 23/05/2017 21:10
(ĐCSVN) - Ngày 23/5 Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), Bộ Công Thương đã phối hợp với Hiệp hội Dừa Việt Nam tổ chức Chương trình “Tư vấn, kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm giữa các doanh nghiệp phía Nam với hệ thống phân phối phía Bắc”.

Hội thảo thu hút đông đảo doanh nghiệp phía Nam tham dự. (Ảnh: K.D)

Phát biểu khai mạc, ông Tạ Hoàng Linh - Phó cục trưởng Cục XTTM cho biết, hiện nay nhiều sản phẩm nông sản, thực phẩm, đặc biệt là một số đặc sản vùng miền thuộc các tỉnh phía Nam chưa được chào bán hoặc chỉ được bán với số lượng hạn chế trên thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Có nhiều nguyên nhân của thực trạng này như: việc tiếp cận giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này ở phía Nam đến các hệ thống phân phối tại phía Bắc như các chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị, các chợ đầu mối, đại lý thu mua còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kỹ năng, thiếu mối liên hệ; chi phí vận chuyển còn cao đối với lô hàng nhỏ; sản phẩm của phía Nam chưa được phát triển phù hợp với thói quen và sở thích tiêu dùng ở miền Bắc. Vì vậy, cần hỗ trợ doanh nghiệp rút ngắn quá trình tiếp cận thị trường, giảm chi phí và thời gian tìm kiếm khách hàng, giới thiệu sản phẩm và kết nối với các đối tác phân phối mục tiêu hiệu quả.

Về vấn đề trên, theo ông Cao Bá Đăng Khoa - Phó tTổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất khẩu nông sản còn đang gặp nhiều khó khăn về thông tin thị trường, chủng loại sản phẩm và độ tin cậy trong quá trình thanh toán với các đối tác nước ngoài. Theo đó, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước có độ tin cậy cao và an toàn hơn là giải pháp gỡ khó hiệu quả cho doanh nghiệp xuất khẩu trong thời điểm hiện tại.

Ông Trần Xuân Tùng, Giám đốc một Công ty phát triển thương mại điện tử cũng chia sẻ: Các doanh nghiệp trong miền Nam muốn xây dựng 1 kênh phân phối ngoài Bắc phải đầu tư rất nhiều, nhưng không biết sản phẩm của mình có thực sự được thị trường ngoài Bắc chấp nhận hay không và nếu đầu tư đó không hiệu quả thì nó sẽ tính vào gánh nặng chi phí của doanh nghiệp. Giải pháp về thương mại điện tử sẽ giúp doanh nghiệp thăm dò thị trường, bằng cách xây dựng hệ thống bán hàng tại khu vực miền Bắc nhưng là ảo trên mạng. Doanh nghiệp không cần kho bãi, cửa hàng, nhưng vẫn có đầy đủ thông tin về xuất xứ, hình ảnh, giá bán niêm yết, tính năng mua bán online.

Đồng cảm với những khó khăn doanh nghiệp, ông Tạ Hoàng Linh cho biết, vấn đề kết nối cung cầu liên vùng nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước đã được một số Sở Công Thương, trung tâm xúc tiến thương mại địa phương đưa vào chương trình hành động năm 2017. Theo đó các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đề nghị Cục XTTM làm đầu mối kết nối, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khu vực phía Nam với hệ thống phân phối phía Bắc trong đó ưu tiên mặt hàng nông sản, thực phẩm.

“Hy vọng thông qua chương trình các  doanh nghiệp sẽ tìm được đối tác phù hợp, xây dựng kênh phân phối bền vững, qua đó góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước đặc biệt là nông sản có thế mạnh của DN phía Nam”, ông Tạ Hoàng Linh nhấn mạnh.

Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực