Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020

Thứ hai, 12/08/2019 23:30

(ĐCSVN) - Ngày 12/8, tại thành phố Huế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020 vùng miền Trung - Tây Nguyên. Hội nghị với sự tham gia của các đại diện cơ quan Trung ương và Cục Thống kê 19 tỉnh, thành phố trong vùng miền Trung - Tây Nguyên.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh VH

Hội nghị được tổ chức nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 25/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Đức Trung cho biết, tại hội nghị lần này, cùng với tập trung đánh giá tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công 6 tháng đầu năm 2019 và ước thực hiện cả năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan Trung ương sẽ nghe các kiến nghị, giải pháp của các địa phương trong Vùng để có định hướng giải đáp, tháo gỡ để thúc đẩy phát triển kinh tế và triển khai kế hoạch đầu tư công trong những tháng cuối năm 2019; đồng thời, cũng nghe những cách làm mới, những việc làm hay, hiệu quả đã triển khai thành công tại địa phương trong thời gian qua để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020 của Vùng được trọng tâm, trong điểm cùng các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng Bộ tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, năm 2020 là năm cuối cùng của kỳ kế hoạch 05 năm của giai đoạn 2016-2020; vì vậy, thông qua hội nghị lần này, sẽ giúp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng phương án kế hoạch 2020; dự báo các vấn đề đột xuất, phát sinh trong triển khai kế hoạch 2020 và những khó khăn, vướng mắc của các tỉnh, thành phố để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có những giải pháp tháo gỡ cho địa phương nhằm hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả nước và mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm đề ra. Bên cạnh đó, đưa ra các nguyên tắc, tiêu chí nhằm hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia; đặc biệt là đối với các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triên kinh tế - xã hội của cả nước, có tính kết nối và lan tỏa vùng miền.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, đã tập trung thảo luận 3 nội dung gồm: Đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công 2019; chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công trong thời gian qua; làm rõ những vấn đề tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến từng lĩnh vực của các ngành như: quy hoạch, đầu tư, đấu thầu, phát triển doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, vốn ODA, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp...dự kiến kế hoạch năm 2020 của Vùng miền Trung và Tây Nguyên”.

Hội nghị cũng tập trung thảo luận về “Định hướng xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025” nhằm tìm ra những cơ sở gắn kết phát triển hiệu quả giữa hai khu vực (vùng duyên hải miền Trung và vùng Tây Nguyên); nhất là các khó khăn, vướng mắc, những cản trở trong thực hiện kế hoạch đầu tư qua đó kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét điều tiết, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án liên kết Vùng kinh tế trọng điểm để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội trong toàn Vùng, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, Thừa Thiên Huế cũng như nhiều tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên còn khó khăn về hệ thống hạ tầng; quy mô kinh tế nhỏ, chưa tự cân đối ngân sách, thu nhập bình quân đầu người thấp. Do vậy, cần có sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương và các Bộ, ban ngành trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển Vùng; cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù trong huy động và phân bổ các nguồn lực cho Vùng năm 2020, giai đoạn 2021-2025, nhằm tạo kết nối, mang tính đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội Vùng nhanh và bền vững, gắn với ứng phó biến đổi khí hậu. Trên tinh thần hợp tác, liên kết, Thừa Thiên Huế cam kết đồng hành cùng với 19 tỉnh/thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong liên kết, phát triển Vùng.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đồng hành cùng địa phương tập trung cao độ, thực hiện nhanh, quyết liệt các giải pháp đề ra tại Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, duy trì nỗ lực của toàn hệ thống, củng cố niềm tin và sự an tâm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong sản xuất, kinh doanh để cùng với các địa phương trong Vùng phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu kế hoạch đề ra ở mức độ cao.

Vùng miền Trung - Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; kết nối giữa hai miền Nam - Bắc. Dân số toàn vùng khoảng 20,2 triệu người (đứng thứ 2 cả nước), diện tích tự nhiên chiếm 28,9% rộng nhất trong 6 vùng kinh tế của cả nước. Với chiều dài đường bờ biển 1.900 km, biển miền Trung là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển. Miền Trung còn là “bệ đỡ, là cửa ngõ” ra biển của tỉnh vùng Tây Nguyên kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Vùng có tiềm năng và nhu cầu mở cửa, hội nhập rất lớn.

Vùng Tây Nguyên có vị trí chiến lược thuộc khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam. Đây là vùng cao nguyên rộng lớn có diện tích tự nhiên trên 5,46 triệu ha, (chiếm 16,8% diện tích và 20% diện tích rừng tự nhiên cả nước), là nơi đầu nguồn của 5 con sông lớn có vị trí rất quan trọng về môi trường sinh thái. Vùng có quy mô dân số 5,5 triệu người với 47 đồng bào dân tộc thiểu số (1,5 triệu người). Vùng Tây nguyên có tiềm năng lớn về phát triển thủy điện, điện mặt trời, nông lâm nghiệp, chế biến nông lâm sản, du lịch. Tây nguyên có thể coi là “mái nhà của miền Trung”, có chức năng phòng hộ rất lớn, là hậu phương, là nguồn nước ngọt cho sự phát triển ổn định và bền vững của cả vùng miền Trung và Tây Nguyên.

Trong 6 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng bình quân của 14 tỉnh miền Trung 8,5% và 5 tỉnh Tây Nguyên là 7,3%, đều cao hơn bình quân chung cả nước; kết quả này thể hiện sự nỗ lực của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên./.

Phạm Văn Hướng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực