2010 - Năm của chuẩn hóa thị trường chứng khoán

Thứ tư, 06/01/2010 09:50

 
Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán
Nhà nước
 

Năm 2009 đã đi qua với không ít “thăng trầm” của thị trường chứng khoán và gợi những băn khoăn, lo lắng cho nhà đầu tư khi nhìn về năm 2010.

Ngay trước thềm năm mới, phóng viên báo chí đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về những định hướng phát triển thị trường trong năm nay.

Chuẩn hóa thông tin, tăng phạt “nội gián”

Năm 2009, có một vấn đề “nóng” được các nhà đầu tư quan tâm đó là việc các nhóm nhà đầu cơ sử dụng “tin đồn, tin nội gián” như một “công cụ” làm giá trên thị trường. Vậy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có những biện pháp nào để xử lý vấn đề trên?

Chủ tịch Vũ Bằng: Năm vừa qua khi thị trường hồi phục, các loại tin đồn ngày càng gia tăng. Để xử lý vấn đề này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông để có sự phối hợp và tăng cường công tác thông tin báo chí, tránh đưa ra nội dung thông tin có thể dẫn tới những ảnh hưởng đến thị trường.

Thứ hai, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng có công văn gửi tới các sở giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán đề nghị theo dõi các tin đồn trên thị trường, yêu cầu các đơn vị này và các doanh nghiệp có các tin đồn liên quan đến mình thì phải công bố cải chính ngay. Đây chính là nét văn hóa tạo ra sự minh bạch, chống lại những tin đồn không chính xác.

Đối với tin đồn qua hệ thống tin nhắn, chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị gửi thông tin về Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sau khi nhận được thông tin chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra để có xử lý.

Thứ ba, quan trọng hơn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ hoàn thiện lại văn bản về công bố thông tin. Trong quy định công bố thông tin do Bộ Tài chính mới ban hành có quy định thêm các yêu cầu về công bố thông tin, yêu cầu về trang website, yêu cầu về báo cáo thành viên… theo đó các công ty niêm yết sẽ phải minh bạch hóa hơn nữa trong việc cung cấp thông tin ra thị trường.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ tăng cường thanh tra, giám sát, xử phạt. Thời gian vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cử nhiều đoàn đi kiểm tra bất thường và định kỳ. Đã phát hiện và có xử phạt một số vụ vi phạm.

Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có công văn gửi các sở giao dịch tăng cường bóc tách tất cả các giao dịch nghi ngờ, các mã chứng khoán có vấn đề yêu cầu rà soát lại giao dịch trong vòng 6 tháng gần đây.

Đáng chú ý, tới đây sẽ có sửa đổi qui chế xử phạt liên quan đến giao dịch nội gián sau khi Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 36.

Đối với mức phạt thu lời bất chính qua giao dịch nội gián, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ có những hướng dẫn thi hành trên cơ sở tham khảo từ qui định quốc tế. Từ đó, khung hình phạt có thể cao hơn nữa.

Dưới góc độ là người đứng đầu Ủy ban, ông có thể cho biết Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn còn những việc gì chưa thực hiện được trong năm qua?

Chủ tịch Vũ Bằng: Tôi cho rằng, cái “chưa làm được” là luật chứng khoán yêu cầu các công ty đại chúng phải đăng ký lưu ký tập trung để đưa vào giao dịch, nhưng vẫn chưa thực hiện được. Hiện tại, mới chỉ dừng ở việc các công ty đại chúng đăng ký kế hoạch lên. Trong 1.000 công ty đại chúng hiện nay, đăng ký kế hoạch mới chỉ là 300 công ty.

Mặt khác, công tác thanh tra xử phạt, với số lượng người hạn chế trong khi việc kiểm tra, kiểm soát tài khoản cũng như báo cáo tài chính năm chưa thực sự tốt, rồi nghiệp vụ mới phát sinh... cũng khiến cho công tác này gặp không ít khó khăn.

Nhìn lại thời điểm đầu năm 2009, thị trường đứng trước những khó khăn thử thách, đã có sự lo ngại các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút vốn ra khỏi Việt Nam. Theo ông có sự tháo chạy nào không? Và hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài trong năm qua ra sao?

Chủ tịch Vũ Bằng: Việc rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài phụ thuộc vào kinh tế toàn cầu và chiến lược kinh doanh của từng nhà đầu tư. Quý I/2009, xu hướng thoái vốn tăng. Nhưng từ quý II/2009 thị trường bắt đầu hồi phục, tình trạng rút vốn đã giảm dần. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm lượng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường đã tăng gấp 3 lần so với các tháng trước đó.

Đây là một dấu hiệu tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Song dòng tiền này có duy trì hay không trong năm tới sẽ phụ thuộc vào sự cải thiện của nền kinh tế vĩ mô, sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán và vấn đề tỷ giá, sự chuyển đổi đồng tiền… Đây là yếu tố mà họ sẽ cân nhắc khi đầu tư vào Việt Nam.

Lấp “lỗ hổng” tài chính, linh hoạt UPCoM

Thị trường UPCoM ra đời là "sân chơi" cho những doanh nghiệp chưa niêm yết và được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, nhưng lại khá èo uột. Vậy xin ông cho biết đâu là nguyên nhân chính khiến thị trường này chưa hấp dẫn và biện pháp để thu hút doanh nghiệp trong thời gian tới?

Chủ tịch Vũ Bằng: Thị trường UPCoM bước đầu đã thu hút được một số công ty tham gia, tạo ra các phương thức giao dịch mới và góp phần tăng cường tính minh bạch cho thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, thị trường UPCoM chưa đáp ứng được hết các yêu cầu đề ra, tính thanh khoản còn thấp, chưa thu hút được công ty đại chúng như ý muốn. Mặt khác, thị trường chưng khoán hồi phục, nhiều đơn vị đại chúng lại có xu hướng lên thị trường chính thức nhiều hơn.

Đó là chưa kể, hoạt động chuyển nhượng OTC bên ngoài cũng bùng phát, cạnh tranh với thị trường UPCoM. Hiện, chúng tôi đã có những tổ chức đánh giá lại, đề xuất các giải pháp cải thiện và trình Thủ tướng Chính phủ.

Chắc chắn sang năm mới, khi áp dụng các phương thức giao dịch mới thì thị trường UPCoM sẽ trở nên linh hoạt hơn. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tăng cường bắt buộc các công ty đăng ký lưu ký tập trung và kiểm soát hoạt động giao dịch tự do đồng thời có những biện pháp xử lý hành chính các đơn vị vi phạm nhằm hướng tới phát triển thị trường có tố chức.

Năm 2010 được coi là năm “bản lề” quan trọng đối với việc cải cách thể chế, chuẩn hóa hoạt động của thị trường tiếp cận dần tới chuẩn quốc tế. Vậy ông có thể cho biết những định hướng lớn trong năm tới?

Chủ tịch Vũ Bằng: Thị trường chứng khoán phụ thuộc nhiều vào kinh tế vĩ mô. Khả năng tăng trưởng của Việt Nam theo Chính phủ đặt ra là khả thi. Tăng trưởng quốc tế hồi phục, nhìn chung kinh tế vĩ mô toàn cầu năm 2010 so với 2009 sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Đây chính là nền tảng quan trọng cho thị trường phát triển.

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam cũng vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn do tiềm ẩn của lạm phát, nhập siêu...

Trong bối cảnh đó, nếu đứng dưới góc độ nhà đầu tư so sánh mức tăng trưởng theo VN-Index thì chắc năm 2010 không được như 2009. Tuy nhiên, xét về sự phát triển qui mô thị trường thì năm nay sẽ cải thiện hơn.

Chính vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là tập trung vào giải pháp dài hạn như xây dựng chiến lược phát triển thị trường đến năm 2010, bổ sung, sửa đổi luật chứng khoán và tiếp tục hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý.

Thứ hai, là phải tiếp tục nâng cao an toàn tài chính, kiểm soát rủi ro trong hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Kinh nghiệm qua thời kỳ khủng hoảng và cả trong thời kỳ thị trường chứng khoán bùng phát, vấn đề an toàn tài chính luôn luôn là vấn đề phải quan tâm nhằm tạo ra sự phát triển bền vững cho thị trường chứng khoán.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao dịch, lưu ký thanh toán bù trừ theo hướng tiếp cận dần với tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có vấn đề công nghệ thông tin và các quy định trong hoạt động.

Cuối cùng, chuẩn bị các kế hoạch và điều kiện cho việc tái cấu trúc thị trường bước hai đối với các sở giao dịch chứng khoán nhằm tạo ra hoạt động đồng bộ và hiệu quả hơn của toàn bộ thị trường chứng khoán./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực