6 tháng đầu năm giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng 1,05%

Thứ năm, 23/07/2020 10:41
(ĐCSVN) - 6 tháng đầu năm 2020, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng trưởng 1,05% so với cùng kỳ năm 2019, góp phần tăng trưởng chung toàn ngành nông nghiệp ở mức 1,18%.
 Chăn nuôi lợn trong 6 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh minh họa: AT)

Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ước trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng đàn gia cầm tăng 7,4%, đàn bò tăng 3,4%, đàn lợn giảm 6% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng sản lượng thịt các loại ước đạt 2,58 triệu tấn, giảm 2,56% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, sản lượng thịt lợn ước đạt 1,62 triệu tấn, giảm 8,8%; sản lượng thịt gia cầm ước đạt 702,1 nghìn tấn, tăng 12,3%.

Về giá trị xuất khẩu, ước đạt 208 triệu USD. Xuất khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi 6 tháng đầu năm đạt khoảng 341,2 triệu USD, tăng 3,1% so với 6 tháng đầu năm 2019. Tính chung, trong 6 tháng đầu năm 2020, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng trưởng 1,05% so với cùng kỳ năm 2019, góp phần tăng trưởng chung toàn ngành nông nghiệp ở mức 1,18%.

Riêng về chăn nuôi lợn, từ đầu tháng 4/2020, giá thịt lợn hơi xuất bán tại chuồng có xu hướng tăng, có thời điểm giá thịt lợn hơi tăng cao và cán mốc 100 ngàn đồng/kg. Điều này do nguồn cung giảm; người chăn nuôi chưa mạnh dạn tái đàn, người giết mổ nhỏ lẻ không trực tiếp mua được lợn thịt từ các doanh nghiệp, phải qua nhiều khâu trung gian. Ngoài một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã bắt đầu triển khai việc tái đàn nái từ tháng 10/2019, sẽ cho sản phẩm từ tháng 8/2020, còn phần lớn việc tái đàn nái trong các trang trại, hộ chăn nuôi (khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất) mới chỉ bắt đầu từ cuối tháng 2/2020 trở lại đây.

Để giải quyết vấn đề nguồn cung thịt lợn, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành văn bản số 3936 ngày 11/6/2020 đồng ý về việc cho nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam để nuôi, giết mổ làm thực phẩm kể từ ngày 12/6/2020 cho đến khi đạt được mục tiêu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị có liên quan thuộc Bộ triển khai các biện pháp, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể việc kiểm dịch nhập khẩu lợn sống theo các quy định hiện hành. Kể từ đầu tháng 6 đến nay, giá thịt lợn hơi đã có xu hướng giảm và hiện đang giao động quanh mức 88.000-90.000 đ/kg tại miền Bắc, 84.000-89.000 đ/kg tại miền Trung và 84.000-88.000 đ/kg tại miền Nam.

Về tình hình giá thịt gia cầm, do việc phát triển nhanh đàn gia cầm 2019, đồng thời chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên trong 6 tháng đầu năm 2020 thị trường sản phẩm chăn nuôi gia cầm có thời điểm có phần mất cân đối giữa cung - cầu. Giá gà công nghiêp trắng có thời điểm trong tháng 3-4/2020 chỉ dao động từ 22.000-24.000 đ/kg, tuy nhiên hiện nay đã tăng lên mức 33.000-36.000 đ/kg. Giá gà thịt lông màu bình quân khoảng 28.000-32.000 đ/kg, hiện nay đang dao động ở mức 33.000-35.000 đ/kg.

Trong 6 tháng cuối năm 2020, dự báo còn nhiều khó khăn, dịch bệnh tuy đang được kiểm soát tốt, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro cao gây phát sinh thêm nhiều chi phí đầu vào của sản xuất chăn nuôi. Dịch bệnh COVID-19 và biến đổi cực đoan của khí hậu cũng là những yêu tố bất ổn đối với ngành chăn nuôi. Để đảm bảo tăng trưởng lĩnh vực chăn nuôi góp phần tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp năm 2020, ngành chăn nuôi đề ra mục tiêu sản lượng thịt lợn năm 2020 tăng từ 15-17%. Gia cầm tăng 13-15% về sản lượng thịt, tăng 12-13% về sản lượng trứng. Đàn bò tăng 5-6% về sản lượng thịt, tăng 9-10% sản lượng sữa.

Nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, Cục Chăn nuôi cho biết, toàn ngành sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tái đàn, khôi phục phát triển đàn lợn trong sản xuất không chỉ ở các cơ sở chăn nuôi trang trại, công nghiệp mà còn chú ý khôi phục đàn lợn ở khu vực các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp. Phổ biến rộng các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp sử dụng hợp lý các chế phẩm vi sinh tăng cường sức đề kháng chống chịu dịch bệnh nói chung và bệnh dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn. Khuyến khích các biện pháp tăng nhanh đàn giống bố mẹ và con thương phẩm.

Đối với gia cầm, chỉ đạo duy trì tốc độ tăng trưởng cao, sản xuất chăn nuôi gia cầm thịt và trứng đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng và giá cả phù hợp cho người chăn nuôi. Tăng cường công tác truyền thông, phổ biến mô hình chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học và chăn nuôi theo chuỗi liên kết.

Đối với gia súc ăn cỏ, duy trì mức tăng trưởng cao đối với chăn nuôi trâu, bò thịt và bò sữa bằng các giải pháp cải tạo con giống kết hợp với mô hình nuôi chăn nuôi an toàn sinh học. Tiếp tục chỉ đạo các địa phương hướng dẫn chuyển đổi các hộ nuôi lợn không đáp ứng yêu cầu kiểm soát dịch tả lợn châu Phi sang chăn nuôi trâu, bò thịt, nuôi dê hoặc nuôi thỏ đảm bảo nhu cầu việc làm, thu nhập cho người chăn nuôi và đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng. Chỉ đạo các địa phương chuyển dần diện tích nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ, cây thức ăn chăn nuôi,…/.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực