Áp lực lớn đối với doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước

Thứ sáu, 24/03/2017 17:10
(ĐCSVN) - Hết năm 2017, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ giảm về mức 0% theo lộ trình cắt giảm thuế của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Điều này sẽ khiến số lượng xe nhập khẩu về nước ngày càng tăng cao, tạo ra cạnh tranh mới cho các doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước.

Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi đạt thấp

Nhiều dự báo cho thấy, khi thuế nhập khẩu là 0%, nhiều ô tô lắp ráp ở các nước trong khu vực sẽ tràn vào Việt Nam và sẽ gây sức ép rất lớn cho các doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến nay, ngành sản xuất ô tô có trên 400 doanh nghiệp, đa số có quy mô vừa và nhỏ. Tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 460.000 xe/năm. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 47%, doanh nghiệp trong nước khoảng 53%. Giai đoạn 2001-2014, tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao, đạt 17%/năm.

Mỗi năm, chỉ tính riêng các khoản thuế, ngành công nghiệp ô tô đóng góp khoảng trên 1 tỷ USD cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, ngành đã giải quyết việc làm cho khoảng 100.000 lao động trực tiếp.

Đáng chú ý, các chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỉ lệ nội địa hóa cao, đáp ứng về cơ bản nhu cầu của thị trường. Chẳng hạn, xe tải đến 7 tấn sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỉ lệ nội địa hoá trung bình 55%. Xe khách từ 10 chỗ trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, tỉ lệ nội địa hoá trên 45%.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cũng đang tồn tại một số hạn chế như giá thành cao, chất lượng dù có cải tiến nhưng chưa bằng xe nhập khẩu. Các doanh nghiệp trong nước phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản. Dây chuyền sản xuất chủ yếu gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra. Tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi đạt thấp.

Những dòng xe dưới 9 chỗ lắp ráp trong nước với tỷ lệ nội địa hóa chưa cao lại vấp phải thách thức khi  từ 1/1/2018, thuế nhập khẩu các dòng xe này từ các nước ASEAN về Việt Nam sẽ giảm từ 30% về 0%. Cụ thể, theo các chuyên gia, đến thời điểm 1/1/2018, khi thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về Việt Nam giảm xuống còn 0%, thuế tiêu thụ đặc biệt với dòng xe từ 1.5L trở xuống giảm từ mức 40% hiện nay xuống còn 35% và xe có dung tích xi lanh từ 1.5L đến 2.0L được giảm từ mức 45% hiện nay xuống còn 40%.

Hiện nay, các liên doanh lắp ráp ô tô còn hoạt động ở Việt Nam chưa đưa ra tuyên bố nào về việc kinh doanh sau năm 2018.

Nghiên cứu khả năng áp dụng biện pháp tự vệ thương mại

Ngày 17/3 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã  yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan thành lập Tổ công tác liên ngành đánh giá toàn diện thị trường ô tô Việt Nam trong mối tương quan với thị trường khu vực và thế giới, tập trung vào đánh giá cơ hội và khó khăn, thách thức đối với ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô Việt Nam từ thời điểm năm 2018 trở đi (đặc biệt là khi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ATIGA giảm về 0% đối với xe ô tô nguyên chiếc); dự báo cung cầu ô tô trong nước và khu vực; đánh giá năng lực thực tế, tiềm năng phát triển sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp trong nước với môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt khi Việt Nam tiếp tục mở cửa thị trường và thực hiện giảm thuế nhập khẩu đối với xe ô tô nguyên chiếc theo các cam kết quốc tế; nghiên cứu khả năng áp dụng biện pháp tự vệ thương mại khi xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu gia tăng đột biến và ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước...

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ trị giá tính thuế, xuất xứ xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu (nhất là việc đáp ứng các tiêu chí xuất xứ của ASEAN) nhằm bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật về thuế, chống gian lận thương mại và cam kết quốc tế.

Bên cạnh đó, nghiên cứu đánh giá lại mức thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ đối với xe ô tô bán tải (pick-up) để đề xuất báo cáo Chính phủ và Quốc hội kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp thực tế và mục đích sử dụng của loại xe này.

Đồng thời, rà soát và nghiên cứu báo cáo Chính phủ xem xét sửa đổi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với linh kiện, phụ tùng ô tô phù hợp với định hướng của Chính phủ về khuyến khích phát triển sản xuất các linh kiện, phụ tùng ô tô quan trọng mà trong nước có thể sản xuất được, có tính đến mối tương quan với việc giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc theo cam kết quốc tế.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát các chính sách thuế đối với xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, không để lợi dụng, gian lận thương mại.

Cũng theo lộ trình cắt giảm thuế từ đầu năm 2017, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN về Việt Nam giảm từ 40% xuống còn 30%. Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy,  tính từ đầu năm đến ngày 15/3 năm 2017, tổng cộng có hơn 14.400 xe về Việt Nam, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm 2016 chỉ có gần 5.700 ô tô dưới 9 chỗ về Việt Nam). Giá ô tô dưới 9 chỗ nhập về trung bình là gần 310 triệu đồng/chiếc.

Hiện, Bộ Tài chính đang nghiên cứu nghiên cứu báo cáo Chính phủ xem xét sửa đổi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với linh kiện, phụ tùng ô tô phù hợp.

Dù thuế nhập khẩu sẽ giảm về 0% vào năm 2018, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng  với chủ trương bảo hộ ô tô lắp ráp trong nước, Nhà nước sẽ tăng các loại thuế khác khiến giá xe nhập khẩu khó giảm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tăng thuế cũng không phải đơn giản, cần có lộ trình và nghiên cứu kỹ lưỡng, chặt chẽ.  

Trong quá trình hội nhập, thị trường phát triển, các cơ hội sẽ tiếp tục mở ra và việc các doanh nghiệp phải chịu cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi. Đây cũng là lúc ngành công nghiệp chế tạo ô tô cần nhìn lại, tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu của mình để cơ cấu lại, tìm hướng đi phát triển phù hợp, bền vững. Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam rất cần có các giải pháp mang tính đột phá và sự hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ./.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực