Bà Rịa- Vũng Tàu có 48 cơ sở đủ điều kiện tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”

Thứ sáu, 11/09/2020 10:35
(ĐCSVN) - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn tỉnh đang hướng đến việc tạo ra những sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có thương hiệu, đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân.

Thanh long của Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những loại nông sản tham gia 

Chương trình: "Mỗi xã một sản phẩm" (Ảnh: K.V).

Qua 2 năm triển khai chương trình OCOP, đến nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã có 48 cơ sở đủ điều kiện tham gia chương trình với hơn 100 sản phẩm. Các sản phẩm này đã được các cơ quan chuyên môn hướng dẫn xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chứng nhận bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm; trong đó, đã có 17 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu được Sở Công Thương Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức đánh giá chất lượng trong năm 2019.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng triển khai xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm là hồ tiêu, nhãn xuồng cơm vàng, mãng cầu ta, bưởi da xanh, bún, bánh tráng, hàu…

Để triển khai chương trình có hiệu quả, các ngành chức năng của Bà Rịa - Vũng Tàu đã  phối hợp cùng với địa phương hoàn thiện các thủ tục cần thiết trong việc đăng ký thương hiệu, nhãn hàng sản phẩm.

Theo đó, trong năm 2020, huyện Châu Đức đã lựa chọn được 7 sản phẩm đặc trưng, triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, trong đó có 2 sản phẩm là tinh dầu bưởi và nấm linh chi của Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao (xã Bình Ba). Tham gia chương trình OCOP, Hợp tác xã đã được huyện tạo điều kiện về hồ sơ, thủ tục, tổ chức tập huấn; hỗ trợ, hướng dẫn đầu tư cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì, tem nhãn, quảng bá sản phẩm... Nhờ đó, hợp tác xã dần hoàn thiện và nâng tầm uy tín, chất lượng, cũng như mở rộng thị trường cho các các sản phẩm của mình.

Theo ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao (xã Bình Ba, huyện Châu Đức), việc đăng ký tham gia OCOP đã giúp cho Hợp tác xã liên kết với các đơn vị khác trong cả nước, đồng thời được các ban, ngành quảng bá sản phẩm, từ đó đưa sản phẩm đi xa hơn, cơ hội hợp tác được mở rộng, bà con địa phương Châu Đức nói riêng, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu nói chung sẽ có cơ hội làm kinh tế, tăng thêm nguồn thu.

Được biết, mục tiêu của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu là đến cuối năm 2020 sẽ chuẩn hóa khoảng 30 sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh này. Đến cuối năm 2025, tỉnh sẽ xây dựng thành công 180 sản phẩm được xếp hạng từ 3 đến 5 sao cấp tỉnh.

Để đạt mục tiêu đề ra, Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành nâng cao công tác tuyên truyền sản phẩm OCOP; hướng dẫn đăng ký sản phẩm tham gia chương trình. Bên cạnh đó, việc khắc phục những nhược điểm về quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ cho sản phẩm cũng là vấn đề được tỉnh này đặc biệt quan tâm. Trong đó, với các nông sản thế mạnh chung của nhiều địa phương khác nhau, tỉnh sẽ có phương án liên kết để phát triển sản xuất đồng bộ, quảng bá và xây dựng thành thương hiệu chung cấp huyện hoặc tỉnh, chứ không chỉ thực hiện “mỗi xã một sản phẩm”.

Ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) cho biết, trong thời gian tới, Chi cục sẽ tham mưu cho tỉnh có kế hoạch tổng thể thực hiện trên địa bàn cho 180 đến 200 sản phẩm đối với các nội dung, trong đó chủ thể được tham gia rất rõ ràng ngay từ ban đầu, các sản phẩm được phân cấp từ 3 sao 4 sao thậm chí có những sản phẩm dự kiến sẽ đạt chuẩn 5 sao.

Theo Kế hoạch, Chương trình OCOP Bà Rịa – Vũng Tàu được triển khai thực hiện ở toàn bộ khu vực nông thôn trong toàn tỉnh, khuyến khích triển khai ở các khu vực đô thị. Sản phẩm thuộc Chương trình OCOP gồm các sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương, hoặc được thuần hóa, đặc biệt là các đặc sản hiện có của các địa phương thuộc Tỉnh trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ của địa phương. Chủ thể thực hiện bao gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh./.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực