Bà Rịa-Vũng Tàu từng bước gỡ khó cho hoạt động sản xuất, kinh doanh

Thứ tư, 05/08/2020 08:49
(ĐCSVN) – Trước những khó khăn do dịch bệnh COVID-19, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã triển khai nhiều giải pháp từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN), nhằm phục hồi kinh tế trên địa bàn.

Nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng mới trong quý II/2020

Thông tin với phóng viên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Công Vinh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, trên địa bàn, trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhiều DN đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19.

Trong đó, riêng đối với ngành sắt thép bị tác động cả chiều sản xuất và tiêu thụ do nguồn nguyên liệu sản xuất thép, nguyên liệu thép hình của các DN hầu hết nhập khẩu từ nguồn phế liệu, đa số từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản; gang thỏi, mangan silic từ Malaysia và một số ít nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ Indonesia, Bỉ...; kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ sắt thép giảm nên các DN ngành thép bị sụt giảm doanh số, có DN không có đơn hàng mới phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm sản lượng, cắt giảm lao động; hàng tồn kho nhiều.

Đối với ngành dệt, may mặc giày da, túi xách, ba lô... các DN cũng gặp nhiều khó khăn do nguồn nguyên liệu vải, xơ bông, hàng da thuộc các loại chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan. Trong lúc dịch bệnh, các DN đang duy trì sản xuất bằng nguồn nguyên liệu tồn kho đã nhập từ trước Tết âm lịch. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến rất phức tạp, dịch bệnh lan rộng tại Mỹ và EU khiến nhu cầu nhập hàng từ hai thị trường này sụt giảm đột ngột, do đó sản lượng sản xuất vải dệt từ sợi tơ tổng hợp giảm.

 Dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn tới nguồn nguyên liệu  đầu vào cũng như thị trường xuất khẩu của một số mặt hàng trên địa bàn

Bên cạnh đó, ông Vinh cũng cho biết, tại địa phương, các DN trong khu công nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Ước khoảng 52% số DN trong các khu công nghiệp thiếu hụt nguyên vật liệu, phải sử dụng nguyên liệu còn tồn kho để sản xuất, 19,5% các DN có nguồn cung thay thế và 6,8% DN thiếu hụt hoàn toàn. Các nước châu Âu và Mỹ là hai thị trường mà các DN xuất khẩu trong khu công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, các khách hàng Mỹ, cChâu Âu, Úc đã thông báo cho các DN Việt Nam tạm ngừng sản xuất và chờ đến khi có thông báo mới; từ đó dẫn đến sản xuất của doanh nghiệp bị ngưng trệ, không có đơn hàng mới trong quý II/2020.

Do hạn chế đi lại và xuất nhập cảnh trong thời gian qua, dẫn đến thiếu hụt lao động nước ngoài là các chuyên gia, lao động quản lý, lao động kỹ thuật đã gây nhiều khó khăn cho nhiều DN. Trong số đó, có những lao động làm việc tại các dự án đang thi công, những người quản lý điều hành DN và những lao động bảo trì, bảo dường cũng như thiết kế, kiểm tra chất lượng sản phẩm... Không có nhân sự điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, triển khai dự án nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến thời hạn giao hàng cũng như tiến độ thực hiện dự án, đặc biết là các dự án đang trong giai đoạn lắp đặt máv móc thiết bị chạy thử.

Là địa phương có tiềm năng và lợi thế về du lịch,  lĩnh vực này cũng chịu những ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19. Từ giữa tháng 5/2020 sau khi quy định giãn cách xã hội được nới lỏng, lượng khách du lịch đã tăng trở lại song hầu hết các DN kinh doanh lữ hành vẫn còn rất khó khăn để mở lại các tour, tuyến. Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước lại đang có diễn biến phức tạp, khiến cho lĩnh vực này càng  khó khăn gấp bội. Theo báo cáo của các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn, doanh thu 6 tháng đầu năm giảm 52,04% so cùng kỳ năm trước.

Không chỉ lĩnh vực công nghiệp, du lịch phải chịu những tác động nặng nề, lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn cũng gặp khó trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm do hàng hóa tiêu thụ ít. Ngoài ra, một số DN đã tạm ngưng hoạt động hoặc hoạt động khoảng 20-40% công suất so với thời gian chưa có dịch bệnh xảy ra. Chi phí bảo quản (tiền điện) tăng cao hơn trước do phải lưu kho hàng. Về nguyên liệu đầu vào, vùng nguyên liệu bị tồn đọng hàng do đầu ra gặp khó khăn. DN chế biến thủy sản, nguyên liệu đầu vào bị giảm khoảng 40-50% do khai thác hạn chế, ảnh hưởng đến công suất giảm 50%, sản lượng bán trong nước giảm 60 – 70%, xuất khẩu giảm 50%.

Thực hiện các giải pháp ổn định và thúc đầy sản xuất

Trước những khó khăn của doanh nghiệp cũng như người dân trên địa bàn, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tập trung thực hiện các giải pháp vừa chủ động phòng chống dịch bệnh COVID-19, vừa bảo đảm ổn định và thúc đầy sản xuất, kinh doanh phát triển, đồng thời tiếp tục triển khai theo lộ trình các nhiệm vụ đã được giao thực hiện kế hoạch năm 2020. Tiếp tục theo dõi, nắm bắt những khó khăn, vướng trong hoạt động của doanh nghiệp để kịp thời đề xuất những biện pháp tháo gỡ. Hiện, địa phương đã tích cực triển khai việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực chủ động, cung cấp, giới thiệu các chương trình gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ DN, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; thực hiện chính sách điều chỉnh giảm phí, lệ phí, giá dịch vụ trên địa bàn…

Ngoài các giải pháp chung, bên cạnh đó, đối với mỗi ngành lại triển khai các giải pháp hỗ trợ cụ thể.

Đối với ngành công nghiệp-logistics, một số giải pháp đã đưa ra là chủ động xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, lao động có tay nghề gắn liền với chiến lược thu hút đầu tư trong các khu công nghiệp (KCN); khuyến khích đào tạo chuyển giao công nghệ cho lao động Việt Nam, nhằm tránh phụ thuộc vào nguồn lao động nước ngoài trong các vị trí vận hành thường xuyên của DN, giảm thiểu chi phí, rủi ro của DN trong tương lai. Bên cạnh đó, là việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý DN, quản lý điều hành từ xa, tập huấn, hội thảo online; xây dựng kế hoạch ứng dụng nền tảng số trong việc thu hút đầu tư online nhằm tiết kiệm chi phí khảo sát đầu tư cũng như nâng cao hiệu quả thu hút; xây dựng dịch vụ công mức 4 cho các thủ tục hành chính tại Ban quản lý các KCN; Đẩy nhanh phát triển Công nghiệp hỗ trợ gắn liền với đào tạo, phát triển nguồn nhân lực…

Đối với ngành nông nghiệp, địa phương cũng thường xuyên theo dõi cập nhật các thông tin về thị trường, giá cả, các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, tình hình xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu nhằm thông báo kịp thời đến DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy hải sản trên địa bàn để chủ động điều chỉnh kế hoạch.

Trong thời gian qua, tỉnh cũng đẩy mạnh việc hướng dân, hỗ trợ người dân và DN ổn định sản xuất, duy trì các chuỗi cung ứng nông sản, từ vùng cấp nguyên liệu đến chế biến, phát triển thị trường, tiêu thụ; đảm bảo cung cấp đủ thực phẩm an toàn cho thị trường trong nước và chuẩn bị gia tăng xuất khẩu sau khi tình hình dịch bệnh tại các thị trường xuất khẩu được cải thiện.

Đặc biệt, ngành nông nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó, tập trung hoàn thiện triển khai kịp thời, có hiệu quả các cơ chế, chính sách phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới; Xây dựng các mô hình liên kết, sản xuất tập trung, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản, tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, phát triển mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ, để nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đối với lĩnh vực thương mại, bên cạnh việc thực hiện các kế hoạch phát triển thươn mại, Bà Rịa- Vũng Tàu đã hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm trên địa bàn. Trong đó, nhất là việc tăng cường quảng bá xúc tiến thương mại tiêu thụ cho những sản phẩm chủ lực và tập trung vào thị trường tiêu thụ nội địa. Thực tế cho thấy đã có những sản phẩm đã được kết nối để đưa vào tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị, chợ truyền thống, chuỗi cửa hàng cung ứng sản phẩm nông sản, vận động nông dân chung tay tiêu thụ hàng nông sản trong tỉnh.

Trước những khó khăn hiện nay, Bà Rịa- Vũng Tàu xác định sẽ tiếp tục triển khai, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp cận các chính sách hỗ trợ, tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ các doanh nghiệp thích nghi với xu hướng bán hàng trong thời kỳ công nghệ 4.0. Bên cạnh đó, các sở ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân, cũng như tạo môi trường đầu tư tốt để hấp dẫn các nhà đầu tư./.

Bài, ảnh: V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực