Bắc Kạn: Đã xây dựng được 105 sản phẩm đạt 3 sao trở lên thuộc chương trình OCOP

Thứ hai, 20/01/2020 21:55
(ĐCSVN) - Triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, Bắc Kạn đã bước đầu xây dựng được những sản phẩm có tính lợi thế của địa phương. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa tính hiệu quả của chương trình, địa phương vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
leftcenterrightdel
Tinh bột nghệ nếp đỏ và tinh bột nghệ nếp đen đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao năm 2018 (Ảnh: backan.gov.vn) 

Xác định thực hiện Chương trình OCOP là giải pháp thực hiện phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình. Trong đó có Quyết định số 851/QĐ-UBND ngày 24/5/2018 phê duyệt Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2018-2020 và quyết định ban hành các kế hoạch thực hiện hàng năm.

Triển khai thực hiện các bước theo Chu trình thường niên của Chương trình OCOP từ đầu năm 2018 để tuyên truyền phổ biến và để các tổ chức kinh tế có các sản phẩm có thể phát triển sản xuất hàng hóa đăng ký tham gia Chương trình OCOP, trong 2 năm, Bắc Kạn đã tổ chức 16 buổi tuyên tuyền/8 huyện và thành phố với hơn 600 lượt người tham gia, đồng thời, đã có 187 sản phẩm đăng ký tham gia trong 2 năm.

Hiện nay bằng nguồn lực tự có, đã có 3 Hợp tác xã mở điểm bán hàng các sản phẩm OCOP (Huyện Ba Bể và Thành phố Bắc Kạn). Bộ Công thương hỗ trợ xây dựng 1 điểm bán hàng tại thành phố Bắc Kạn.

Trên cơ sở các sản phẩm đăng ký các huyện, thành phố đã tổ chức đánh giá, hiện có 105 sản phẩm đạt 3 sao trở lên ( 97 sản phẩm 3 sao; 8 sản phẩm 4 sao). Nhiều sản phẩm có mẫu mã, bao bì đẹp, kiểu dáng phù hợp, chất lượng đạt tiêu chuẩn quy định, đưa ra được thị trường công nhận. Có thể kể đến như: Hồng không hạt, Miến dong, Cam, Quýt, Gạo nếp thơm Khẩu Nua Lếch, Bún khô, Phở khô,Tinh bột nghệ cao cấp, Bí xanh thơm  và rau, củ, quả các loại.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới và Giảm nghèo tỉnh Bắc Kạn, việc thực hiện chương trình OCOP của địa phương vẫn còn những khó khăn nhất định. Trong đó, Đề án OCOP là chương trình mới nên các cấp, các ngành chưa có nhiều kinh nghiệm trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, người dân, tổ chức kinh tế phần lớn xuất phát điểm là người nông dân, trình độ còn hạn chế, do vậy việc tiếp cận công nghệ và cải tiến, áp dụng công nghệ còn yếu. Sau khi sản phẩm đã được công nhận nhưng việc phát triển với số lượng lớn và đưa sản phẩm ra thị trường còn hạn chế dẫn đến việc phát triển thế mạnh của tổ chức kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng.

Việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại còn lúng túng, chưa bố trí kinh phí để xây dựng các điểm bán hàng trong và ngoài tỉnh để quảng bá giới thiệu tiêu thụ các sản phẩm đã làm ra.

Nhằm thực hiện chương trình OCOP hiệu quả, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới và Giảm nghèo tỉnh Bắc Kạn kiến nghị Trung ương cần có hướng dẫn việc thực hiện và quản lý nhãn hiệu OCOP để có cơ sở hướng dẫn các tổ chức kinh tế tổ chức in vào bao bì nhãn mác sản phẩm đã được đánh giá trong thời gian vừa qua. Đồng thời, hướng dẫn các tỉnh trong quá trình áp dụng các chính sách hiện hành để hỗ trợ các tổ chức kinh tế phát triển các sản phẩm OCOP.

Đặc biệt, tiếp tục hỗ trợ các tỉnh còn khó khăn trong việc phát triển sản phẩm, xúc tiến thương mại trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP. Đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ triển khai chương trình các cấp và các tổ chức kinh tế trong quá trình triển khai chương trình,.../.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực