Bạc Liêu: Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ tư, 25/03/2020 08:27
(ĐCSVN) – Thời gian qua, tình trạng hạn mặn khốc liệt kéo dài trên địa bàn đã khiến cuộc sống của người dân tỉnh Bạc Liêu lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, với sự chủ động thích ứng và vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng và người dân, những thiệt hại do hạn mặn đã được hạn chế đến mức thấp nhất…

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu, để chủ động ứng phó với tình hình hạn, mặn năm 2020, ngay từ rất sớm, tỉnh đã xây dựng các kịch bản ứng phó theo từng diễn biến cụ thể của thời tiết. Đó là khuyến cáo người dân ở một số nơi không xuống giống vụ lúa đông xuân; định hướng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp; cơ cấu lại mùa vụ… Từ đó, người dân chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó với hạn, mặn. Bên cạnh đó, tỉnh Bạc Liêu còn đầu tư đồng bộ, kiên cố hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng để giúp cho khâu tiêu thoát nước được thuận tiện, thông suốt.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu cũng đã chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt công tác dự báo nhằm chuẩn bị các điều kiện ứng phó với thời tiết bất thường; tổ chức chuyển đổi mùa vụ một cách khoa học, linh động, sát với tình hình thực tế; có thể gieo trồng sớm hơn so với canh tác truyền thống để tránh hạn, mặn; nghiên cứu, áp dụng các loại giống cây trồng mới có khả năng chịu hạn tốt. Đặc biệt, khu vực chuyển đổi của huyện Phước Long cần nghiên cứu và nhân rộng canh tác giống lúa ST24 và ST25, đây là hai giống lúa đã có thương hiệu trên thế giới.

Nuôi tôm theo hướng công nghệ cao ở Bạc Liêu. (Ảnh: K.V) 

Việc mở rộng diện tích canh tác giống lúa này vừa giúp nông dân tăng thêm thu nhập vừa tạo nguồn nguyên liệu để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu ra nước ngoài. Được biết, tại Bạc Liêu, thời gian qua đã có nhiều giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu được nông dân triển khai và bước đầu cho thấy hoàn toàn phù hợp với sự thay đổi tự nhiên, các biến động của thời tiết, giúp cải thiện sinh kế, tăng thu nhập và giảm thiểu rủi ro. Đó là việc chuyển đổi các mô hình từ độc canh cây lúa sang các hình thức canh tác bền vững hơn trên nền lúa như lúa - cá, lúa - tôm… Đồng thời liên kết với các công ty, doanh nghiệp để chế biến, giúp tăng giá trị các mặt hàng nông sản.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu cũng đã định hướng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị bền vững, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Phương thức này đảm bảo cho các bên tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung - cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tập trung xây dựng vùng sản xuất nông sản an toàn, ứng dụng quy trình sản xuất tốt và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để tạo ra sản phẩm sạch. Liên kết chặt chẽ giữa nhà quản lý, nhà khoa học, nông dân, doanh nghiệp và hợp tác xã... để sản xuất nông nghiệp hiện đại, an toàn theo chuỗi giá trị, từ đó tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Để khắc phục những khó khăn do biến đổi khí hậu gây nên, trong những năm tiếp theo, tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch hành động thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển toàn diện nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, hiệu quả, gắn với công nghiệp chế biến sâu, thị trường tiêu thụ để nâng cao giá trị nông sản. Xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm với chuỗi giá trị toàn cầu đối với các sản phẩm có lợi thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới như tôm và các loại hải sản khác; lúa gạo và các loại rau, quả nhiệt đới... Đồng thời duy trì quy mô và phương thức sản xuất đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế của từng tiểu vùng đối với các sản phẩm, nhóm sản phẩm có nhu cầu nội địa lớn nhưng khả năng cạnh tranh trung bình, như các sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm…sẽ lựa chọn các sản phẩm chủ lực để tập trung đầu tư, áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững, thực hiện tốt các quy định về môi trường trong sử dụng phân bón, hóa chất và xử lý chất thải nông nghiệp, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm; xây dựng vùng sản xuất rau an toàn. Nhân rộng các mô hình nông nghiệp đô thị như mô hình Aquaponics, mô hình trồng hoa kiểng, mô hình đưa màu xuống ruộng; đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây ăn trái có giá trị…/…

K.V (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực