Bàn giao 6 tập đoàn, tổng công ty về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Thứ bảy, 10/11/2018 14:56
(ĐCSVN)- Triển khai Nghị định 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN), sáng 10/11, Bộ Công Thương tổ chức Lễ bàn giao các Tập đoàn, Tổng công ty do Bộ Công Thương làm đại diện chủ sở hữu về UBQLVNN.

Lễ bàn giao có sự tham dự của Lãnh đạo Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ; Đảng ủy Khối các doanh nghiệp Trung ương Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát các doanh nghiệp bàn giao; đại diện các đơn vị liên quan trong Bộ Công Thương và UBQLVNN.

Phát biểu tại lễ bàn giao, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương có 6 doanh nghiệp thuộc diện bàn giao sang UBQLVNN, bao gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PETROLIMEX) và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (VINATABA). Tất cả đều là những doanh nghiệp có vốn hóa cao, tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ hiện tại trên 555.000 tỷ đồng tại các doanh nghiệp này (bằng ½ tổng số vốn nhà nước mà Ủy ban nắm giữ trên tổng 19 doanh nghiệp chuyển về UBQLVNN).

 

Hình ảnh tại Lễ bàn giao Ảnh: tapchicongthuong.vn

Đặc biệt, cả 6 doanh nghiệp do Bộ Công Thương nắm quyền đại diện chủ sở hữu đều là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty mạnh trong lĩnh vực và có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế và đóng góp cho ngân sách nhà nước như: điện, than, dầu khí, xăng dầu, thuốc lá, hóa chất.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, để triển khai công tác bàn giao 6 doanh nghiệp sang UBQLVNN theo thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định 131/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương đã ban hành 2 văn bản số 8609/BCT-TC ngày 23/10/2018 và số 8954/BCT-TC ngày 5/11/2018 nhằm đôn đốc việc bàn giao cũng như phối hợp triển khai hoạt động của UBQLVNN được hiệu quả và đúng thời hạn. Cùng với đó, Bộ Công Thương và 6 doanh nghiệp thuộc diện bàn giao đã hết sức tích cực chuẩn bị hồ sơ, thủ tục.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hy vọng với cơ chế quản lý và điều hành mới, các tập đoàn và tổng Công ty sẽ có nhiều điều kiện và cơ hội phát triển hơn, đáp ứng đòi hỏi và yêu cầu đối với các doanh nghiệp nhà nước trong tình hình mới; tiếp tục đóng vai trò trụ cột và động lực cho phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới.

Tại lễ bàn giao, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công Thương cam kết sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ hoạt động của các Tập đoàn, Tổng Công ty cũng như Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Về phía UBQLVNN, ngay sau khi Nghị định 131/2018/NĐ-CP được ban hành, Ủy ban đã tích cực phối hợp với các Bộ, Cơ quan có doanh nghiệp chuyển giao, các doanh nghiệp được chuyển giao triển khai thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.

Cùng với đó, Ủy ban đã chủ động hướng dẫn doanh nghiệp về các nội dung của hồ sơ chuyển giao, bám sát các quy định của Nghị định 131/2018/NĐ-CP và hướng dẫn của Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 09/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế và các mẫu văn bản kèm theo để thực hiện chuyển giao doanh nghiệp, đảm bảo hồ sơ chuyển giao được hoàn thiện đầy đủ, chặt chẽ, sẵn sàng cho công tác chuyển giao theo quy định.

Hơn nữa, Ủy ban đã bước đầu triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, không để khoảng trống trong quá trình bàn giao doanh nghiệp.

Trước thời điểm bàn giao, các công việc liên quan giữa hai cơ quan đã được làm rõ, trên tinh thần đảm bảo không làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tuân thủ các quy định hiện hành. Hai cơ quan xác định cơ chế phối hợp để tiếp tục chỉ đạo và quản lý doanh nghiệp hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2018, thực hiện sắp xếp đổi mới doanh  nghiệp theo phương án đã được phê duyệt.

Việc bàn giao các doanh nghiệp nhà nước về UBQLVNN là một sự thay đổi lớn, thể chế hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Điều này sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế của mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước hiện nay bằng việc hình thành một cơ quan đại diện chủ sở hữu chuyên trách, chuyên nghiệp và có trách nhiệm giải trình đầy đủ.

Bên cạnh đó, việc tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp ra khỏi các cơ quan quản lý hành chính nhà nước là cần thiết nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp. Mặt khác, tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước tập trung năng lực vào thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước ngày càng phức tạp trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực