Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp – doanh nhân

Thứ năm, 22/06/2017 22:20
(ĐCSVN) – Ngày 22/6, tại Hà Nội đã diễn ra buổi Tọa đàm Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp – doanh nhân do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức.

Quang cảnh tọa đàm (Ảnh: K.D)

Mối quan hệ hai chiều

Tại buổi tọa đàm, trả lời câu hỏi của chủ tọa về "suy nghĩ của bà về mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp? Doanh nghiệp cần gì ở báo chí và báo chí đã làm được gì cho doanh nghiệp"?, bà Vũ Thị Thuận - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần Traphaco chia sẻ: “về phía doanh nghiệp, chúng tôi rất cần báo chí làm cầu nối giữa doanh nghiệp với cộng đồng. Thông qua các kênh báo chí, mạng xã hội, cộng đồng đã biết nhiều về doanh nghiệp nhiều hơn, giúp doanh nghiệp khẳng định được uy tín và làm ăn tốt hơn.

Không chỉ là cầu nối cho doanh nghiệp với cộng đồng, báo chí còn có vai trò phản biện chính sách, phản ánh được tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp, triển khai chính sách của nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp – doanh nhân về vấn đề vốn, chính sách thuế, hải quan,…Thông qua báo chí, chúng tôi có thể gửi gắm thông điệp để các cơ quan nhà nước thực hiện được nhiệm vụ "Nhà nước kiến tạo, nhà nước phục vụ” – bà Thuận nói.

Bà Thuận cũng bày tỏ mong muốn báo chí không chỉ phản ánh những mặt tốt mà cần phản ánh những việc chưa tốt để doanh nghiệp có thể sửa đổi, phát triển bền vững và có môi trường kinh doanh tốt hơn.

Đồng tình với ý kiến của bà Vũ Thị Thuận, ông Đoàn Xuân Bộ - Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân cho rằng, báo chí với doanh nghiệp phải có quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau. Báo chí và doanh nghiệp mỗi đơn vị có một nhiệm vụ nhưng cùng hướng tới một tấm lòng để phát triển đất nước.

Doanh nghiệp và doanh nhân là những người lính thời bình có vai trò quan trọng đóng góp tạo nên sự phát triển kinh tế đất nước. “Nhiều bạn đọc cứ nghĩ rằng khi viết về doanh nghiệp là báo chí đang tô hồng cho doanh nghiệp, bởi thực tế đã có doanh nghiệp sau khi được báo chí khen thì sau một thời gian hoạt động đã phải phá sản. Do đó, tôi cho rằng, báo chí phải phản ánh một cách chân thực thực trạng hoạt động của doanh nghiệp. Tô hồng hay bôi đen đều không tốt” – ông Bộ nhấn mạnh.

Ngược lại, doanh nghiệp cũng phải thấu hiểu báo chí. Ứng xử với báo chí phải có văn hoá doanh nghiệp. “Các doanh nghiệp công khai minh bạch, đoàn kết với báo chí sẽ rất tốt cho sự phát triển của mình” – ông Bộ nói.

Xây dựng mối quan hệ ngày càng tốt đẹp

PGS. TS Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo khẳng định mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ hai chiều, tương hỗ và qua lại. Để làm sao mối quan hệ này tốt đẹp, chúng ta cần đi đúng vào bản chất vấn đề là hai bên cần có nhau. Với doanh nghiệp, cần chủ động cung cấp thông tin, không né tránh, bưng bít thông tin. Có thể thấy, ở các tập đoàn lớn đều có phòng truyền thông, tuy nhiên lãnh đạo cấp cao lại ỷ lại vào bộ phận truyền thông này mà thiếu quan hệ trực tiếp với báo chí, đặc biệt là lãnh đạo cơ quan báo chí, vì vậy sẽ khó giải quyết khi có các vấn đề khủng hoảng về truyền thông. Nếu doanh nghiệp không chủ động chia sẻ thì đó là một thiệt thòi lớn, khi có sự hiểu nhau, trao đổi và chia sẻ thì có ích cho việc truyền thông hay thậm chí là khi khủng hoảng.

Về phía nhà báo, việc phản ánh sự việc tiêu cực xã hội là nhiệm vụ và chức năng của báo chí, thông tin giám sát phản biện xã hội. Tuy nhiên cũng cần cân bằng liều lượng thông tin, không nên đưa sự việc ở góc độ quá nhiều tiêu cực hay nhiều màu hồng. Đặc biệt, cần đi đến cái đích giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, chỉ ra thiếu sót của cả doanh nghiệp và chính sách. Cần có nhiều bài báo đưa ra, phân tích những điểm khuyết trong chính sách để cơ quan nhà nước nhận thấy và giải quyết cho doanh nghiệp những chính sách cản trở đó. 

Ông Lợi cũng nhấn mạnh, môi trường truyền thông số hiện nay có tốc độ rất nhanh, một tin đồn vài ba tiếng đã lan truyền rất rộng. Sẽ có nhiều người khi biết thông tin đó lại có động thái chia sẻ thông tin với nhiều mục đích. Trong môi trường như vậy, doanh nghiệp phải dựa vào trang báo chính thống để cung cấp lại thông tin, không sử dụng trang không chính thống sẽ gây sự lan truyền thông tin nhanh hơn nhiều.

Ông Lê Văn Long – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương cho rằng để mối quan hệ ngày càng gắn bó hơn, doanh nghiệp cần báo chí cung cấp đầy đủ kịp thời những chủ trương chính sách mới của Đảng và Nhà nước liên quan tới thuế, đầu tư, nhập khẩu, người lao động. Bên cạnh đó, báo chí cần kiểm định, nắm bắt, phản ảnh những hoạt động của doanh nghiệp khi thực hiện những chính sách từ Nhà nước lên các cơ quan quản lý để xem với những chính sách đó khi thực thi ở doanh nghiệp có hợp lý hay không, giúp cho doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn. Qua đó, cũng đồng thời công bố với Chính phủ “sức khoẻ” của doanh nghiệp.../.

Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực