Bảo hiểm nông nghiệp Việt Nam: Hạn chế và nguyên nhân

Thứ ba, 10/01/2017 16:40
(ĐCSVN) - Nông nghiệp là lĩnh vực luôn có độ rủi ro thiên tai, dịch bệnh cao. Bảo hiểm nông nghiệp Việt Nam mặc dù đã được triển khai khá đồng bộ và quyết liệt, các cơ chế chính sách đã ban hành thực hiện khá đầy đủ, tạo điều kiện cơ sở để các doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức triển khai thực hiện nhưng bảo hiểm nông nghiệp Việt Nam đã bộc lộ không ít những khó khăn, hạn chế.

Bảo hiểm nông nghiệp là một sản phẩm bảo hiểm truyền thống nằm trong số hơn 500 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ hiện hành trên thị trường bảo hiểm thế giới (bao gồm trên 250 sản phẩm bảo hiểm tài sản, gần 200 sản phẩm bảo hiểm con người và xấp xỉ 100 sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm). Việt Nam là một nước nông nghiệp, nhưng hàng năm thiên tai, dịch bệnh đã cướp đi của người nông dân khối tài sản ước tính 1,5% GDP. Vì vậy, người nông dân cần một sự bảo đảm cho thành quả và công sức lao động của mình và bảo hiểm nông nghiệp chính là hi vọng chuẩn xác nhất.

Việc triển khai bảo hiểm nông  nghiệp ở nước ta còn lúng túng. Ảnh minh họa (Ảnh: HNV)

Mặc dù là nước nông nghiệp nhưng bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam lại chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ. Được khởi động từ sớm (1982) song cho đến nay phí bảo hiểm nông nghiệp của Việt Nam chỉ chiếm tỉ trọng rất ít trong doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ, chiếm 0,069% (2004); khoảng 0,008% (2005), gần 0,012% (2006) và 0,01%/năm (2007-2010). Năm 2013, chương trình bảo hiểm nông nghiệp được triển khai rộng trên cây lúa, vật nuôi (trâu, bò, lợn, gia cầm) và thuỷ sản (cá tra, tôm sú, tôm chân trắng) ở 20 tỉnh, thành phố. Rất ít doanh nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Hầu như các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản đều không được bảo hiểm. Thực tế này khiến cho bảo hiểm nông nghiệp hiện chưa đóng góp nhiều cho sản xuất nông nghiệp.

Nguyên nhân khiến bảo hiểm nông nghiệp Việt Nam còn chiếm tỉ trọng ít

Theo các chuyên gia, việc bảo hiểm nông nghiệp Việt Nam còn chiếm tỉ trọng ít, do: Thứ nhất, nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam manh mún. Khi quy mô sản xuất nhỏ thì khả năng tham gia bảo hiểm hạn chế, chi phí bảo hiểm lớn, làm cho chi phí tham gia bảo hiểm của người sản xuất (chi phí của doanh nghiệp đảm nhiệm công tác bảo hiểm) tăng cao. Đó chính là khó khăn của cả 2 bên tham gia bảo hiểm.

Thứ hai, phương thức bảo hiểm chỉ sử dụng phương thức bảo hiểm truyền thống, coi bảo hiểm là một loại hình dịch vụ giữa người bán là các công ty và người mua là các nông dân hoặc là các nhà sản xuất trong nông nghiệp. Tuy nhiên, khi áp dụng mô hình này gặp những khó khăn nhất là trong quy mô sản xuất nhỏ lẻ (đặc thù sản xuất nông nghiệp Việt Nam là nhỏ, lẻ và manh mún), liên quan nhiều tới số hộ nông dân. Và loại hình bảo hiểm truyền thống căn cứ, xác định trên thiệt hại rủi ro. Trong khi  vấn đề xác định rủi ro không hề đơn giản trong nên sản xuất nhỏ, khiến chi phí xác định rủi ro của doanh nghiệp tăng lên rất lớn. Các doanh nghiệp bảo hiểm thường lỗ khi áp dụng các giải pháp theo cách truyền thống.

Thứ ba, nền tảng về mặt pháp lý và thể chế của vấn đề bảo hiểm chưa chuẩn. Bảo hiểm là hợp đồng giữa người sản xuất và doanh nghiệp bảo hiểm và muốn hợp đồng này tốt thì phải có môi trường pháp lý và thể chế tốt. Khi một bên phá hợp đồng  hoặc không tuân thủ hợp đồng, thì cách  xử lý cũng rất khó giải quyết. Cơ sở pháp lý cho những vấn đề này vẫn còn thiếu và yếu.

Thứ tư, chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Mặc dù Nhà nước rất quan tâm nhưng trong thời gian vừa qua chính sách chưa được mạnh mẽ. Câu chuyện hỗ trợ còn khiêm tốn, bình thường với một nền nông nghiệp mới phát triển khi nông dân tham gia BHNN thì Nhà nước cần hỗ trợ bước đầu để nông dân làm quen khi tham gia trong giai đoạn đầu, yên tâm trong sản xuất.

Bảo hiểm nông nghiệp phục vụ đối tượng khách hàng là người nông dân, chiếm 70% dân số Việt nam. Tuy số lượng khách hàng đông đảo song trình độ dân trí, nhất là hiểu biết về bảo hiểm, chưa cao. Khó khăn lớn mà doanh nghiệp bảo hiểm gặp phải là thuyết phục khách hàng tham gia bảo hiểm. Nếu phí bảo hiểm quá cao thì khách hàng không đủ khả năng tài chính. Hoặc nếu năm thứ nhất không xảy ra tổn thất, không được bồi thường thì đến năm thứ hai, khách hàng cũng sẽ không tiếp tục tham gia bảo hiểm. So với đầu tư bảo hiểm trong nông nghiệp Israel thì hầu hết vốn đầu tư là từ chính phủ (gồm cả đầu tư từ ngân sách và kêu gọi vốn đầu tư qua quỹ đầu tư mạo hiểm). Nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cũng có thể đổ vào các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân song cơ cấu quỹ đầu tư mạo hiểm của chính phủ Israel chiếm quy mô lớn. Do chính phủ trực tiếp đi kêu gọi vốn nên nguồn vốn đầu tư thu được sẽ cao hơn, bởi nhà đầu tư tin tưởng và an tâm hơn về tính chắc chắn khi chính phủ trực tiếp quản lý quỹ.

Tại sao vẫn chưa thành công khi triển khai bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam?


Nếu thực hiện được, bảo hiểm nông nghiệp thực sự có hiệu quả đối với sự phát triển của nền nông nghiệp trong nước 
Ảnh minh họa. (Ảnh: HNV)

Có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan khiến cho việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam còn lúng túng và chưa thành công, trong đó phải kể đến:

Trước hết, rủi ro trong sản xuất nông nghiệp là rất lớn và thường xuyên. Nếu chỉ bảo hiểm theo hướng kinh doanh đơn thuần thì không có doanh nghiệp bảo hiểm nào muốn chọn bảo hiểm nông nghiệp vì nguy cơ thua lỗ cao. Nếu triển khai bảo hiểm nông nghiệp thì cũng chọn đối tượng ít có rủi ro để nhận bảo hiểm hoặc tiến hành một cách cầm chừng;

Thứ đến, bảo hiểm nông nghiệp là bảo hiểm những rủi ro khó xác định. Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi chấp nhận và bồi thường bảo hiểm. Đối tượng được bảo hiểm là những cơ thể sống chịu tác động mạnh của các yếu tố thiên nhiên dẫn đến công tác quản lý rủi ro gặp rất nhiều khó khăn;

Bên cạnh đó, công tác đánh giá rủi ro, đánh giá mức độ thiệt hại trong bảo hiểm nông nghiệp gặp nhiều khó khăn; Ví dụ, khi bảo hiểm vật nuôi, doanh nghiệp bảo hiểm đeo vòng, đeo số vào những con vật được bảo hiểm, khi xảy ra rủi ro - con vật chết - không chắc chắn đó chính là con vật đã được bảo hiểm.

Ngoài ra, phải kể đến sự mâu thuẫn trong việc lựa chọn rủi ro và đối tượng. Doanh nghiệp bảo hiểm chọn loại rủi ro, đối tượng có mức độ rủi ro thấp để nhận bảo hiểm, ngược lại người tham gia bảo hiểm chỉ chấp nhận bảo hiểm với mức độ rủi ro cao, thường dễ dẫn đến nhiều thiệt hại.

Vì vậy, để giải bài toán bảo hiểm nông nghiệp thì cần phải xây dựng cơ chế chính sách riêng cho bảo hiểm nông nghiệp bao gồm: hỗ trợ người dân, hỗ trợ doanh nghiệp, trợ giúp của các tổ chức (tín dụng, xuất khẩu), nhà nước nhận tái bảo hiểm cho doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nông nghiệp; nghiên cứu mức độ rủi ro cho từng đối tượng, từng vùng để có chính sách phát triển bảo hiểm phù hợp: phương châm đi từ dễ đến khó (lựa chọn các đối tượng có mức độ rủi ro đồng nhất, mức độ rủi ro vừa phải, sản phẩm bảo hiểm đơn giản dễ thực hiện, lựa chọn rủi ro dễ kiểm soát …). Tiếp đến, áp dụng sự đa dạng hoá các hình thức bảo hiểm: Bảo hiểm theo phương pháp truyền thống (Bảo hiểm bồi thường) và Bảo hiểm  chỉ số .

Bảo hiểm nông nghiệp Việt Nam là cần thiết vì Việt Nam có rất nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới về sản lượng như: gạo, cà phê, hạt tiêu, điều, thủy sản... Đây là một loại hình dịch vụ công rất quan trọng. Vì vậy, Nhà nước cần đóng vai trò mạnh hơn nữa để hỗ trợ cho cho doanh nghiệp bảo hiểm phát triển. Kinh nghiệm của các quốc gia Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha cho thấy: Nhà nước đều hỗ trợ bảo hiểm dưới hai hình thức chính: phí bảo hiểm (hỗ trợ ít nhất là 50% phí bảo hiểm) và hỗ trợ chi phí tác nghiệp cho doanh nghiệp bảo hiểm. Bởi vậy, mô hình hợp tác công – tư (Public Private Partnership-PPP) là hướng đi thích hợp để đẩy mạnh loại hình bảo hiểm nông  nghiệp ở Việt Nam trong thời gian tới.

Thực tế đã chỉ ra rằng: Bảo hiểm nông nghiệp chỉ có thể thực hiện thành công khi trở thành một chính sách của Nhà nước. Để thực thi một chính sách của nhà nước, không chỉ có sự tham gia của các doanh nghiệp bảo hiểm mà cần có sự tham gia, quan tâm của tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội./.

PGS.TS. Phạm Thị Thanh Bình
Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực