Bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp bất động sản

Thứ tư, 22/08/2018 18:40
(ĐCSVN) – Cùng với quá trình hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, thị trường bất động sản đang có nhiều cơ hội nhưng cũng không kém phần thử thách. Một trong những thử thách đó là bài toán bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp bất động sản.

Với cơ chế và bối cảnh như hiện nay, điều quan trọng vẫn phụ thuộc ở sự chủ động tự bảo vệ của các doanh nghiệp và Nhà nước chỉ tạo điều kiện hỗ trợ và bảo trợ cho các doanh nghiệp khi thực hiện đúng các hoạt động đăng ký bảo hộ theo quy định của pháp luật.

Thị trường bất động sản theo xu thế hội nhập ngày càng phải chuyên nghiệp và minh bạch hơn.
(Ảnh: HNV)

Đây cũng là thông điệp rút ra từ chương trình Diễn đàn trực tuyến với chủ đề “Bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp bất động sản” do Báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức ngày 21/8 tại Hà Nội.

Thực tế cho thấy, việc nhái thương hiệu đang là chướng ngại cản bước phát triển của thị trường bất động sản, khiến khách hàng hoang mang, gây nhiễu loạn thị trường. Nhiều doanh nghiệp bất động sản như Him Lam Land, Hưng Thịnh Corp, Nam Long, Nova Land… đã hoặc đang dở khóc dở cười với cảnh các doanh nghiệp “vô tình” cùng tên, thậm chí có ý đồ nhái thương hiệu để “làm liều”.

Còn hiện tượng nhái, nhầm lẫn nhãn hiệu dự án bất động sản

Diễn đàn tạo cơ hội cho các nhà quản lý, các chuyên gia, các doanh nghiệp cùng trao đổi thẳng thắn
về thực trạng và giải pháp trong bảo vệ thương hiệu bất động sản hiện nay. (Ảnh: HNV)

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam, Chủ tịch GP Invest cho biết, hiện nay, cơ quan quản lý xử lý thông tin còn rất nhẹ. Hầu như chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.

Trong khi đó, với kinh nghiệm là một doanh nghiệp bất động sản, đã từng xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch HĐQT Công ty Bất động sản Hanhud cho rằng để xây dựng được một thương hiệu nói chung và thương hiệu doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đòi hỏi cả một quá trình và tốn rất nhiều công sức thậm chí đó là trí tuệ của cả một tập thể. Giá trị của nhãn hiệu được thể hiện ở việc, cũng là một sản phẩm dịch vụ, tuy nhiên khi là dịch vụ của một công ty lớn có giá trị thương hiệu lâu năm, được người tiêu dùng biết đến rộng rãi, chi phí phải trả cho các doanh nghiệp này thường lớn hơn từ 3-4 lần, vì trong đó bao gồm chi phí phải trả cho giá trị thương hiệu. Từ bài học của công ty về việc đăng ký tên sau khi cổ phần hóa phải thay đổi thêm chữ vào tên cũ mới đăng ký được, ông Đính cho rằng, một hạn chế hiện nay trong việc đăng ký kinh doanh đó là mới chỉ đăng ký bằng tên và địa chỉ. Còn những yếu tố khác như hình ảnh, logo, slogan của doanh nghiệp thì chưa được chú trọng. Do đó, cần bổ sung các yếu tố này thêm vào trong thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, Tập đoàn Le Invest (Holdings) Corporation chia sẻ, phần lớn dự án rơi vào tranh chấp, nhầm lẫn thương hiệu đều rơi vào các thương hiệu không có tính biểu trưng cao, cách đặt tên không đặc thù, không được bảo vệ thương hiệu bài bản, hình ảnh dự án chưa nổi tiếng tới mức người tiêu dùng thông thường có thể nhận ra. Như vậy có thể thấy, chiến dịch truyền thông của doanh nghiệp chưa đạt được khả năng giúp người tiêu dùng bình thường có thể phân biệt được.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm phát triển tài sản trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ cảnh báo thông tin trên website và bản thân website rất dễ bị đánh cắp. Bằng rất nhiều hình thức, người ta có thể có một website riêng nhưng khi vào dự án của các anh họ lại link sang trang web của người khác. Hơn nữa, cách đặt nhãn hiệu còn đơn giản, chưa có tính biểu trưng, dễ bị nhái, sử dụng trùng lặp…

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Bình, nếu một doanh nghiệp bất động sản và một doanh nghiệp kinh doanh nước mắm trùng thương hiệu, người ta không có sự liên tưởng, tuy nhiên, hai doanh nghiệp trong cùng một lĩnh vực trùng thương hiệu thì sẽ có sự cạnh tranh không lành mạnh, có dấu hiệu vi phạm nhãn hiệu. Theo ông Bình, thông thường nhãn hiệu trùng, đồng nghĩa với các ngôn ngữ khác nhau mặc dù viết khác nhau nhưng vẫn coi đó là nhầm lẫn bởi ta đã hội nhập quốc tế. Ví dụ như nhãn hiệu Vincon và Vincom như thế là gây nhầm lẫn rồi bởi đã sử dụng gần hết ký tự, nhất là ở trong cùng một sản phẩm.

Cần sự chủ động từ chính các doanh nghiệp bất động sản

Diễn đàn thu hút khá đông đại biểu tham gia. (Ảnh: P.V)

Theo nhà báo Nguyễn Linh Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, một số sự kiện liên quan đến câu chuyện nhãn hiệu như vụ Smartland, Tràng An hay các trường hợp công ty trùng tên như Nam Tiến, Hưng Thịnh, Vincom xảy ra đã dẫn đến những tranh chấp lớn khi vi phạm nhãn hiệu, hình ảnh đang là những cảnh báo về hiện tượng vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ đối với vấn đề nhãn hiệu và hình ảnh của dự án bất động sản… Bởi thế, để tránh bị xâm hại tài sản chủ quyền, đảm bảo uy tín doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng, chính bản thân các doanh nghiệp, các chủ đầu tư bất động sản phải chủ động bảo vệ chính mình trước.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng Giám đốc Eurowindow, việc vi phạm sở hữu trí tuệ hiện nay trên mạng tương đối nhiều, có thể là do chủ ý hoặc cố ý. Trong thực tế, việc bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu trong các Luật, văn bản pháp lý hiện nay chưa có bảo vệ thương hiệu mà chỉ mới dừng lại ở việc bảo hộ. Ngoài ra, việc thực thi các chế tài xử lý việc nhầm lẫn thương hiệu thường chậm chạp, khó đưa ra toà để giải quyết, thường thì sẽ dẫn đến việc tự thoả thuận để giải quyết. Vì thế, để có thể tránh sự nhầm lẫn này, trước tiên doanh nghiệp phải tự bảo vệ nhãn hiệu của mình. Cụ thể, trong từng dự án, Eurowindow sẽ lựa chọn slogan cho từng dự án, đăng ký sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng thành lập bộ phận pháp chế và xây dựng và phát triển thương hiệu.

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Le Invest (Holdings) Corporation chia sẻ rằng, nếu bảo vệ nhãn hiệu một cách toàn diện có gắn kèm với hình ảnh, logo, tính bảo hộ sẽ cao hơn. Bởi có những thương hiệu nghe thôi thì không thể phân biệt được cho đến khi nhìn thấy. Vì thế, có thể xem xét trước tiên ở cách đặt tên với các cách cụ thể. Trước tiên có thể là đặt cái tên chung, nhưng không liên quan đến ngành nghề kinh doanh. Ví dụ như Apple, những công ty máy tính, điện toán này có thể dùng chung một từ tương tự như vậy. Hai là, sử dụng từ vô nghĩa, nếu ghép chung vào sẽ thành những từ vô nghĩa. Người ta thường sử dụng các từ ghép như vậy. Ba là, lấy tên theo công ty mẹ đã được bảo hộ ví dụ như Vingroup.

Một trong những giải pháp được đề xuất nữa theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch HĐQT Công ty Bất động sản Hanhud là hàng năm, doanh nghiệp nhắc lại các nhãn hiệu thuộc thương hiệu của mình (tên, logo, slogan, kiểu dáng công nghiệp của từng loại sản phẩm, các sản phẩm sáng chế...) kèm thông điệp “Nếu doanh nghiệp nào sử dụng mà không xin phép thì đều là vi phạm” trong các chiến dịch truyền thông định kỳ.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SLAW, có thể xử lý giải pháp trước mắt là khi doanh nghiệp phát hiện ra trường hợp doanh nghiệp khác vi phạm về thương hiệu của mình thì chụp lại bằng chứng, gửi giám định vi phạm đó, và dựa vào kết quả giám định này, các văn phòng luật sư được thuê để bảo vệ cho quyền của doanh nghiệp bị xâm phạm sẽ gửi thư cảnh báo trong một khoảng thời gian nhất định yêu cầu cải chính công khai và xin lỗi. Trong trường hợp, doanh nghiệp xâm phạm không cải chính công khai thì sẽ đưa ra toà để xử lý.

Diễn đàn cũng thống nhất cao đề xuất xem xét việc thành lập một đường dây nóng giải quyết các hiện tượng vi phạm bản quyền nhãn hiệu, hình ảnh dự án bất động sản có thể trực thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hoặc Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA). Khi phát hiện tài sản trí tuệ bị vi phạm doanh nghiệp có thể gọi ngay tới đường dây nóng và có cơ quan tiếp nhận, phân loại các vi phạm. Điều này giúp đỡ doanh nghiệp tốn kém thời gian, tiền bạc. Đồng thời cho thấy doanh nghiệp bị xâm phạm rất tôn trọng tài sản của mình và muốn chấm dứt vi phạm một cách nhanh nhất.

Về vấn đề này, Luật sư Trần Hữu Huỳnh cho biết, cần có đường dây nóng để doanh nghiệp kịp thời báo về những vi phạm. Hiện, các cơ quan sở hữu trí tuệ cũng đang tăng nặng hình phạt, phạt cả pháp nhân vi phạm, doanh nghiệp cũng bị đưa vào xử lý hình sự, tước giấy phép, cấm hoạt động,…

Ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Hưng Thịnh Phát cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản đang hoạt động phải tự bảo vệ mình một cách kiên quyết. Có thể nhìn thấy doanh nghiệp bất động sản đang lơ đãng với quyền chính đáng của mình, lơ đãng kéo dài dẫn đến việc doanh nghiệp không tự bảo vệ được mình.

Thực tế vẫn còn tồn tại một nhận thức và tư duy rằng, hoạt động bất động sản hiện nay dự án nhỏ thì vài năm kết thúc một dự án, các khu đô thị lớn kéo dài vài chục năm thì càng cần bảo vệ. Chỉ khi các chủ đầu tư thực hiện đăng ký theo quy định của pháp luật thì Nhà nước mới có thể thực hiện việc bảo hộ các đăng ký này.

Bài học kinh nghiệm từ các vụ kiện cáo trong bảo vệ thương hiệu kéo dài, tốn kém chi phí thời gian qua ở nước ta cho thấy, doanh nghiệp hơn lúc nào hết càng cần phải chủ động bảo vệ doanh nghiệp mình bằng cách đăng ký thương hiệu và phải đăng ký một cách chuyên nghiệp./.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực