Bến Tre định hướng phát triển mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao

Thứ sáu, 16/03/2018 09:22
(ĐCSVN) – Theo UBND tỉnh Bến Tre, tôm là 1 trong 8 sản phẩm được tỉnh chọn xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Tỉnh Bến Tre cũng đang nhân rộng mô hình nuôi tôm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tạo đột phá trong phát triển kinh tế thủy sản.
Mô hình nuôi tôm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao,
tạo đột phá trong phát triển kinh tế thủy sản ở Bến Tre. (Ảnh: K.V)

Theo ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ X của tỉnh đã nêu rõ “Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; tập trung hai mũi nhọn là kinh tế vườn và kinh tế biển”. Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bến Tre khóa X ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, con tôm là một trong 8 sản phẩm xác định xây dựng chuỗi giá trị.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển kinh tế thủy sản bền vững và kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025. Đây là những chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Bến Tre trong phát triển kinh tế thủy sản nói chung và đối với con tôm nói riêng. Được biết, Bến Tre có tiềm năng nâng tỷ trọng thủy sản trong cơ cấu khu vực 1 và phát huy vị trí dẫn đầu trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long về con tôm.

Nghề nuôi tôm biển tỉnh Bến Tre đã có từ lâu và liên tục phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh. Tổng sản lượng thủy sản khai thác năm 2017 đạt hơn 205 nghìn tấn, tăng 7,7% so với năm 2016; tổng diện tích nuôi thủy sản đạt 46.000ha, trong đó có 35.000ha nuôi tôm biển và gần 8.000ha nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh. Tổng sản lượng nuôi năm 2017 đạt trên 260.000 tấn, trong đó sản lượng tôm biển đạt 53.000 tấn.

Hiện ở Bến Tre có nhiều mô hình, hình thức sản xuất tôm đạt hiệu quả khá tốt; việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất ngày càng được quan tâm đầu tư và phát triển, đặc biệt là mô hình nuôi tôm luân vụ, nuôi tôm biển hai giai đoạn với năng suất rất cao, đạt khoảng 180 tấn/ha mặt nước nuôi/năm, đây là hướng mới cho nghề nuôi tôm biển trên địa bàn tỉnh này.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre, để nghề nuôi tôm của tỉnh phát triển mạnh và bền vững, tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm. Đó là, ban hành Chương trình phát triển thủy sản tỉnh Bến Tre đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; đồng thời sẽ ban hành kế hoạch hành động để cụ thể hóa Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ, tạo cơ sở các ngành, địa phương tập trung thực hiện.

Cùng với đó, Bến Tre sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm tôm biển trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi tôm biển, với mục tiêu năm 2018 đạt 36.000ha nuôi tôm nước lợ, trong đó nuôi thâm canh, bán thâm canh là 11.500ha. Trong đó, tiếp tục rà soát, nhân rộng các mô hình nuôi tôm có hiệu quả cao, mà trọng tâm là phát triển mạnh hình thức nuôi tôm hai giai đoạn, với mục tiêu phấn đấu trong năm 2018 đạt 500ha, để đưa tổng sản lượng tôm biển đạt hơn 55.000 tấn, đến năm 2020 là 1.200ha nuôi tôm hai giai đoạn và tổng sản lượng tôm biển là 62.000 tấn.

Triển khai đồng bộ các giải pháp từ cơ chế, chính sách đến đầu tư hạ tầng, phát triển khoa học công nghệ; đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, nhất là đầu tư nuôi thủy sản công nghệ cao và đầu tư nhà máy chế biến tôm. Tỉnh cũng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp, người dân mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh việc tập trung phát triển nuôi thủy sản theo công nghệ cao, nuôi tôm hai giai đoạn, Bến Tre sẽ tăng cường công tác quản lý, nhất là nâng cao chất lượng giống, kiểm soát tốt dịch bệnh, môi trường nuôi… để tiếp tục phát triển mạnh, ổn định nghề nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh; khuyến khích, đẩy mạnh xây dựng mô hình trình diễn ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất trên đơn vị diện tích đối với loại hình nuôi tôm lúa, tôm rừng, nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến./.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực