Bến Tre khuyến khích đầu tư chế biến tôm xuất khẩu

Thứ năm, 13/04/2017 16:55
Con tôm biển được tỉnh Bến Tre chọn xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Thế nhưng, đến nay trên địa bàn tỉnh Bến Tre vẫn chưa có nhà máy chế biến tôm, tỷ trọng tôm đóng góp cho xuất khẩu chưa có.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Đồng Khởi.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng cho biết, mặc dù toàn tỉnh Bến Tre có 10 nhà máy chế biến thủy sản nhưng chủ yếu sản xuất mặt hàng nghêu, cá tra, thiếu các nhà máy sản xuất các sản phẩm tôm biển và sản phẩm khai thác. Việc kêu gọi đầu tư hoặc mở rộng sản xuất sản phẩm con tôm biển của các nhà máy hiện gặp nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ, sản lượng tôm nuôi của tỉnh tuy lớn nhưng thường tập trung vào một thời điểm nhất định nên chưa bảo đảm nguồn nguyên liệu liên tục cho các doanh nghiệp.

“Trong khi lẽ ra tỷ trọng xuất khẩu tôm phải chiếm từ 30-50% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh bởi đây là sản phẩm chủ lực. Bến Tre thuộc top 5 các tỉnh dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về sản lượng tôm (gần 50.000 tấn/năm) nhưng lĩnh vực chế biến nhiều năm qua chưa ai làm. Gần như toàn bộ tôm của Bến Tre chuyển qua Sóc Trăng, Trà Vinh để chế biến. Nếu sản phẩm này được chế biến xuất khẩu sẽ tạo ra cho tỉnh Bến Tre thêm vài trăm triệu USD/năm”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập nhận định.

Ở Bến Tre, diện tích nuôi tôm biển tập trung ở ba huyện: Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Tính đến năm 2016, toàn tỉnh Bến Tre có 46.800ha nuôi trồng thủy sản, với tổng sản lượng nuôi đạt 248.623 tấn. Trong đó, diện tích nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh đạt khoảng 10.000ha (tôm sú, tôm thẻ chân trắng), sản lượng trên 45.000 tấn/năm. Thế nhưng, cả tỉnh chỉ có 44 cơ sở sản xuất tôm biển giống, đa số là các cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ và sản lượng giống sản xuất rất thấp, cụ thể: tôm biển sản xuất trong tỉnh chỉ đạt 1 tỷ tôm post/năm (đáp ứng khoảng 20% nhu cầu) nên người nuôi phải nhập giống với số lượng lớn ngoài tỉnh về phục vụ nuôi thủy sản.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi dự kiến trong thời gian tới, Tỉnh ủy sẽ tập trung làm việc với các doanh nghiệp ngành chế biến thủy sản, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến con tôm như Việt Úc, Hùng Vương... và mong muốn các nhà máy này đầu tư để có hệ thống sản xuất từ con giống, chế biến thức ăn và chế biến xuất khẩu.

Để dẫn dắt ngành nuôi tôm phát triển theo chuỗi giá trị từ con giống đến thành phẩm tinh chế thì cần có doanh nghiệp dẫn đầu, làm đầu tàu dẫn dắt người nuôi, nghề nuôi tôm theo hướng công nghệ cao, kỹ thuật cao.

Vấn đề hiện nay là thiếu quỹ đất để cung cấp cho nhà đầu tư. Vì thế, trong tháng 4, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng các địa phương, Tỉnh đội thống kê lại diện tích đất quy hoạch phục vụ phát triển thủy sản. Đối với các trường hợp thuê đất nhưng không sản xuất để lãng phí tài nguyên đất bất hợp lý, cần mạnh dạn rút giấy phép để cơ hội cho các nhà đầu tư khác.

Bên cạnh đó, dịch bệnh trên con tôm vẫn chưa có cách giải quyết triệt để do hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh, việc lấy nước vào và xổ ra trên cùng một dòng sông nên dễ dẫn đến dịch bệnh lây lan giữa các vùng nuôi. Về lâu dài, cần tính toán lại việc đầu tư về hạ tầng thủy lợi cho nuôi tôm.

Ông Cao Văn Trọng cho rằng trong thời gian tới để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có uy tín đầu tư sản xuất giống thì tỉnh cần mở rộng khu sản xuất giống tập trung ở huyện Bình Đại. Đặc biệt, tiếp tục đầu tư nghiên cứu thực hiện thành công dự án nuôi tôm thích ứng biến đổi khí hậu tại trại giống Cadex và dự án xây dựng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bến Tre phấn đấu đến năm 2020 tăng diện tích nuôi trồng thủy sản lên 47.000ha, trong đó, tôm biển khoảng 35.000ha (nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh 11.892ha).

Tuy nhiên, việc phát triển ngành tôm của tỉnh Bến Tre, cần phải được tính toán phù hợp với quy hoạch phát triển ngành tôm chung của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.

 

Trần Thị Thu Hiền/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực