Biến thách thức thành cơ hội phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã

Thứ hai, 14/10/2019 15:38
(ĐCSVN) - Kinh tế hợp tác, hợp tác xã có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, xã hội của nước ta. Trong thời kỳ đổi mới, dù còn nhiều khó khăn nhưng với nỗ lực tự đổi mới, vươn lên và có xu hướng phát triển chủ đạo theo đúng bản chất, loại hình kinh tế này đang ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò quan trọng, có ý nghĩa toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội.

Phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Đây là diễn đàn lần đầu tiên được tổ chức thu hút sự quan tâm, tham dự của đông đảo đại biểu trong nước và quốc tế

Sáng 14/10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã với chủ đề “Cơ hội và thách thức phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã”. Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã Vương Đình Huệ dự và chủ trì Diễn đàn.

Đây là Diễn đàn đối thoại giữa Chính phủ và cộng đồng hợp tác xã lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với quy mô khoảng 400 đại biểu tham dự cùng đại diện đến từ các bộ, ngành, hiệp hội Trung ương, chính quyền địa phương, các chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã, các tổ chức quốc tế và cộng đồng hợp tác xã. 

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh thương mại thế giới có những thay đổi, tác động đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, tạo ra nhiều cơ hội và thách thức mới, với phương châm biến thách thức thành hành động và cơ hội, Diễn đàn lần này tập trung vào vấn đề “Cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã”, trong đó tập trung trao đổi những khó khăn, vướng mắc khi triển khai các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với HTX như: chính sách đất đai, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đối với HTX; những giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản Việt Nam; tăng cường khả năng tiếp, huy động nguồn lực về vốn, nhân lực chất lượng cao; chính sách ưu đãi về thuế, tiền lương, phí và lệ phí; …

Cũng theo Bộ trưởng, để đưa kinh tế tập thể thoát khỏi những yếu kém, từ đó, phát triển, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong GDP của nền kinh tế, thì việc ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước đối với hợp tác xã là một yếu tố rất quan trọng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc

Chính sách thúc đẩy kinh tế hợp tác, hợp tác xã

Tại Diễn đàn, bà Lưu Thị Chỉ, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Bình chia sẻ về những vấn đề đặt ra về chính sách đất đai, nâng cao cơ sở hạ tầng, năng lực tài chính và quản trị. Theo bà Chỉ, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 13 về đổi mới kinh tế tập thể - chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước - nhiều thành tựu đạt được, song cần có nhiều chính sách quan tâm hơn. Bởi nếu chính sách thực hiện tốt thì tạo đòn bẩy và động lực tốt cho hợp tác xã phát triển, có cơ sở vật chất tốt. Tuy nhiên bà Chỉ cũng khẳng định, với mỗi hợp tác xã, cần nỗ lực phấn đấu đi lên bằng chính đôi chân của mình, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập nếu không sẽ bị thụt lùi. 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Phi Đức, Chủ tịch HĐQT HTX Dương Liễu (Hà Nội) nhấn mạnh, thực tế đã chứng minh những thành tựu mà kinh tế tập thể đã đạt được sau 15 năm qua, đồng thời cũng khẳng định vai trò của Liên minh HTX các cấp đã sẻ chia những khó khăn, tư vấn có hiệu quả, đồng hành cùng với các HTX, thực sự là ngôi nhà chung của các HTX. Từ khi có Luật HTX năm 1996 đến nay và đặc biệt sau khi Nghị quyết số 13 của Đảng mỗi bước đi, thành tựu của các hợp tác xã đều có dấu ấn tư vấn, giúp đỡ có hiệu quả của hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam.

Một  trong nhiều gian hàng của hợp tác xã tại Diễn đàn 

Trong khi đó, ông Cao Thành Văn, Chủ tịch Hợp tác xã Artemia (Bạc Liêu) cho hay, dù đã phát triển mạnh, phát triển thương hiệu với trứng gà, được đánh giá một trong những sản phẩm tốt nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên, khó khăn là trình độ quản lý, vốn thực hiện kế hoạch sản xuất còn khó khăn. Việc tiếp cận vốn tín dụng rất khó, nên phải mượn vốn của thành viên, thế chấp ngân hàng để cùng tham gia. “Hợp tác xã muốn phát triển, Đảng và Nhà nước, các bộ ngành cần phải đánh giá khách quan điều kiện hoạt động kinh tế hợp tác xã, sửa đổi theo hướng thu hút người có trình độ, năng lực tài chính tham gia hợp tác xã. Bởi vì với điều kiện và năng lực tài chính hiện nay thì không thể thu hút được nguồn lực chất lượng cao” – ông Văn nói.

Ông Trần Lâm Hồng, Phó TGĐ Liệp hiệp HTX SaiGon CO.OP cho biết thêm, hiện nay, nhiều HTX chưa đáp ứng thủ tục pháp lý để đáp ứng giao dịch mua bán, công nghệ chế biến chưa được quan tâm đầu tư làm giảm chất lượng, giá trị sản phẩm đầu ra, chi phí giá thành sản phẩm cao, ảnh hưởng việc cung ứng kịp thời. Do đó, theo ông Hồng, để đảm bảo nguồn cung bền vững, về phía Nhà nước, cần điều chỉnh điều 5, mục 2 và điều 20, mục 1 của Nghị định 193 cho phù hợp; tăng cường chính sách hỗ trợ, ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng sản phẩm nông sản; quy hoạch tổng thể nguồn sản xuất; đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống thông tin cho nhà sản xuất nắm bắt kịp thời tránh thiệt hại và giảm rủi ro; tăng cường xúc tiến nông sản ở các thị trường lớn. Đối với người sản xuất phải đặt chất lượng lên hàng đầu, tiêu chuẩn quốc tế... Xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, đầu tư kỹ thuật công nghệ cao, đặc biệt đối với các sản phẩm mang tính đặc sản; xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản…

Khơi thông tiềm năng

Kinh tế hợp tác, hợp tác xã được khẳng định là một bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế, hiện đang đóng góp 10% GDP của cả nước và đặc biệt có vai trò quan trọng trong mục tiêu kinh tế tăng trưởng bền vững, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và cải thiện môi trường. Nó trở thành loại hình phổ biến, phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế tổ chức sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình, cá nhân, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nhiều lao động trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng, có chuyên môn tốt khởi nghiệp bằng mô hình hợp tác xã đạt hiệu quả cao.

Tại Diễn đàn, ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết thêm, hiện nay, các hợp tác xã rất hạn chế về năng lực cạnh tranh. Thời gian qua, nhiều chính sách của Chính phủ đã được ban hành nhằm hỗ trợ các HTX như năm 2010 đã có Quyết định 72 của Chính phủ. Trong điều kiện kinh tế hội nhập, Thủ tướng ban hành Quy định 28, tiếp đến là Quy định 72 về quy chế xuất khẩu, phát triển thị trường trong nước đã hướng dẫn cụ thể nội dung này. Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, cần nâng cao năng lực các hợp tác xã, để các hợp tác xã đủ sức tham gia vào thị trường lớn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong việc ổn định chính trị, gắn bó mật thiết với nông nghiệp – nông thôn – nông dân, có ảnh hưởng tới hiệu quả kinh tế tập thể. Theo Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã Vương Đình Huệ, trao đổi về loại hình kinh tế này không chỉ đề cập tới tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, thu nhập của thành viên và lợi nhuận mà quan trọng nhất là hiệu quả cung ứng đầu vào và đầu ra, nhất là giá trị gia tăng thành viên của loại hình.

Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã thời gian vừa qua mà đầu tiên chính là ở việc nhận thức không đầy đủ cũng như quan tâm không đồng đều “phần lớn chúng ta hay nhắc đế kinh tế hợp tác, hợp tác xã và cùng lắm có nhắc đến liên minh hợp tác xã mà quên mất Tổ hợp tác… Thậm chí, chưa phân biệt rõ ràng giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, giữa hợp tác xã cũ và mới. Do đó, không thể chỉ đạo sát sao, hiệu quả. Đồng thời, vì đây là tổ chức tự nguyện nên nếu áp đặt hành chính thì chắc chắn không thành công, địa phương nào buông lỏng thì càng không hiệu quả” – Phó Thủ tướng nhắc nhở.

Đồng thời  Phó Thủ tướng cũng đề cập tới các bất cập về thể chế, về luật pháp trong quy định, phạm vi điều chỉnh cũng như mức độ tài sản phân chia, tỷ lệ góp vốn, tỷ lệ cung ứng dịch vụ ra bên ngoài đặc biệt là các nội dung về tiêu chí gia tăng số lượng thành viên tham gia. “Về mặt số lượng thành viên, tôi chưa thấy báo cáo nào đề cập tới tiêu chí phải đạt. Trong khi xu hướng thế giới là số lượng hợp tác xã, tổ hợp tác không cần tăng nhiều nhưng quan tâm chất lượng và gia tăng số lượng thành viên thì ở Việt Nam, lại xuất hiện tình trạng số lượng thành viên giảm, chưa có quy định về trách nhiệm phát triển hội viên như thế nào” –  Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề cập.

Thêm vào đó, còn vướng mắc trong xử lý các tồn tại có tính lịch sử của hợp tác xã khi tình trạng chung, còn nhiều HTX nông nghiệp đã phá sản nhưng không giải thể và chuyển giao tài sản do vẫn còn khoản nợ hay các vấn đề về tích tụ ruộng đất, ứng dụng khoa học công nghệ, tín dụng, thuế… đặc biệt là chính sách đào tạo liên quan quản trị và kế toán phục vụ cho hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác. Ngoài ra còn có các lưu ý về hợp tác quốc tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm nông nghiệp cũng như chế độ thông tin báo cáo, rà soát chính sách, xây dựng mô hình điểm và nhân rộng… để thực sự phát huy hiệu quả kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác trong giai đoạn mới hiện nay.

Chiều cùng ngày, sau Diễn đàn là Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự và phát biểu chỉ đạo./.

Tin và ảnh: Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực