Bình Dương chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ

Thứ hai, 14/01/2019 10:10
(ĐCSVN) - Nhằm phát triển công nghiệp một cách bền vững, những năm qua, tỉnh Bình Dương đã xây dựng 29 khu công nghiệp để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, chủ động giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu ở Bình Dương. (Nguồn: Báo Bình Dương)

Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, hiện trên địa bàn tỉnh này có 2.277 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh liên quan đến lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó ngành dệt may có 442 doanh nghiệp, da giày 172 doanh nghiệp, chế biến gỗ 953, cơ khí 710 doanh nghiệp.

Tỉnh Bình Dương cũng đã hình thành các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may như công nghiệp sản xuất sợi, dệt vải, dây kéo, nhuộm, hoàn thiện sản phẩm dệt...; ngành da giày như thuộc da, sản xuất đế giày, mũ giày...; ngành cơ khí như sản xuất kim loại, sản xuất sản phẩm từ kim loại, sản xuất máy móc thiết bị và phụ tùng cho các ngành công nghiệp ô tô...; ngành điện - điện tử như sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất, sản xuất thiết bị dây dẫn điện, cáp quang...

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng đã hình thành các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày, cơ khí, điện - điện tử. Tỉnh đã phát triển riêng một khu công nghiệp tại huyện Bàu Bàng, rộng trên 1.000 ha ưu tiên thu hút vốn đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài.

Ngoài việc xây dựng một khu công nghiệp rộng 1000 ha cho ngành công nghiệp hỗ trợ, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương còn có Quyết định về việc ban hành danh mục đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển của Bình Dương giai đoạn 2017-2021, trong đó có hạ tầng để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Hiện tỉnh Bình Dương đang xây dựng Danh mục chính sách ưu đãi thu hút đầu tư trên địa bàn trong danh mục có các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Để thực hiện hóa các mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ, tỉnh này cũng đã và đang tăng cường giải pháp về phát triển nguồn nhân lực tại chỗ. Theo đó, Bình Dương chú trọng việc gắn kết chương trình đào tạo nhân lực của địa phương với nhân lực các nước trong khu vực và trên thế giới theo hướng chuẩn hóa quốc tế tại các trường Đại học Quốc tế Miền Đông, Đại học Việt Đức, mở ra thế mạnh về nguồn nhân lực chuẩn quốc tế trong thời gian tới.

Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết, trong quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, Bình Dương có 6 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, và định hướng đến năm 2025, gồm cơ khí, điện tử, hóa chất, công nghiệp hỗ trợ, chế biến nông sản, thực phẩm và sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp. Quy hoạch này cũng định hướng 3 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực tỉnh ưu tiên phát triển gồm sản phẩm điện - điện tử, các sản phẩm cơ khí chính xác, các sản phẩm hóa dược.

Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương cho hay, trong những năm gần đây, Bình Dương đã từng bước chọn lọc và tập trung kêu gọi phát triển những dự án đầu tư có trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất hiện đại, đặc biệt là các dự án lớn nhằm phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ chất lượng cao.

Trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, sạch, thân thiện với môi trường, tiết kiệm nhiên liệu; nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, giảm dần các ngành sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản và lao động giản đơn. Đặc biệt, Bình Dương cũng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, sớm hoàn chỉnh quy hoạch vùng nguyên phụ liệu và vùng công nghiệp hỗ trợ, đồng thời tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc mời gọi đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Để ngành công nghiệp Bình Dương phát triển trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, các doanh nghiệp làm hỗ trợ có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu mang lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế, thời gian tới, tỉnh Bình Dương tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh từng nhóm sản phẩm hỗ trợ thích ứng; hình thành các khu, cụm công nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, nguyên vật liệu hỗ trợ cho các ngành công nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sản xuất các loại sản phẩm hỗ trợ, cung ứng linh kiện, phụ tùng, nguyên phụ liệu cho sản xuất hỗ trợ.

Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật chất lượng sản phẩm theo chuẩn quốc tế; nâng cấp, hoàn thiện các tổ chức kiểm định, đánh giá chất lượng sản phẩm hỗ trợ đạt trình độ quốc tế; thực hiện chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp hỗ trợ, đồng thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ.

Đồng thời đào tạo nguồn nhân lực về lĩnh vực thiết kế, chế tạo máy, luyện kim, điều khiển tự động, điện tử tin học có năng lực, trình độ nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo, có khả năng làm chủ các công nghệ được chuyển giao. Có sự liên kết doanh nghiệp giữa doanh nghiệp nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước thông qua các chương trình giới thiệu nhu cầu phát triển và sử dụng sản phẩm hỗ trợ và hợp đồng kinh tế giữa hai bên.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hỗ trợ tiếp cận được với nguồn vốn dài hạn cho đầu tư nghiên cứu và phát triển sản xuất hỗ trợ. Ưu tiên cấp vốn và tạo các điều kiện khác để đổi mới thiết bị, thay đổi công nghệ tại những doanh nghiệp đã có quy mô tương đối lớn. Đồng thời, khuyến khích tư nhân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất các ngành công nghiệp hỗ trợ bằng sự hỗ trợ đặc biệt về vốn và những ưu đãi đặc biệt khác như về hạ tầng, thủ tục hành chính, về cung cấp nguồn nhân lực cần thiết, miễn thuế nhập khẩu thiết bị và công nghệ, miễn thuế doanh thu…

Cũng nhằm đưa ngành công nghiệp phát triển đi vào chiều sâu, trong năm 2019 và những năm tiếp theo Bình Dương sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp mũi nhọn, chế biến chế tạo, cung cấp nguyên phụ liệu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm công nghiệp.

Bên cạnh đó, Bình Dương sẽ xây dựng kế hoạch từng bước chuyển đổi công năng các khu, cụm công nghiệp phía nam của tỉnh của tỉnh theo hướng tăng sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, sử dụng ít lao động và giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường, đồng thời phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, dịch vụ... Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung thực hiện đúng lộ trình phát triển các khu công nghiệp đã có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ./.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực