Bình Dương đảm bảo nguồn cung hàng hóa

Thứ tư, 01/04/2020 14:45
(ĐCSVN) – Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, ngành công thương địa phương đã có những động thái tích cực nhằm ổn định thị trường tiêu dùng, không gây xáo trộn cho người dân trên địa bàn.
leftcenterrightdel

Sở Công Thương Bình Dương khẳng định không thiếu lương thực -thực phẩm

trong những ngày này. (Ảnh: K.V)

Ông Hồ Văn Bình, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết, sau chỉ đạo tạm dừng các cửa hàng dịch vụ không thiết yếu của Chính phủ, ngành công thương tỉnh cũng đã đồng loạt triển khai đến các đơn vị chức năng thực hiện tuyên truyền để người dân biết các cửa hàng kinh doanh thiết yếu vẫn hoạt động bình thường và không tăng giá. Những ngày qua có tâm lý người dân mua tích trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phòng, chống dịch bệnh để tránh ra đường, hạn chế lây nhiễm nhưng chưa xuất hiện tình trạng mua gom với số lượng lớn.

Sở đang tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, không để phát sinh tình trạng đầu cơ, găm hàng, trục lợi. Mặt khác, sở cũng đã làm việc với hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh xây dựng các giải pháp cung ứng hàng hóa trong trường hợp sức mua tăng lên cao. Theo đó, với sự quản lý nhà nước tại hệ thống 106 chợ truyền thống, 11 siêu thị, 5 trung tâm thương mại, trên 200 cửa hàng tiện lợi và hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa lớn, nhỏ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Dương, các đơn vị đã chuẩn bị nguồn cung hàng hóa rất dồi dào, có khả năng cung ứng vượt 100% nhu cầu, bảo đảm không gián đoạn lực cầu chung của tỉnh trong giai đoạn dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Ông Thái Thành Nhân, Trưởng bộ phận thực phẩm tươi sống siêu thị Big C Bình Dương cho hay, sức mua trong một số ngày qua đã tăng lên 25% so với ngày thường. Trong đó, doanh số khách mua nhóm hàng thực phẩm tăng lên đến 40% so với 2 tuần trước. Tuy nhiên, khách hàng chủ yếu mua sắm phục vụ nhu cầu tiêu dùng cá nhân, không có tình trạng mua gom, đầu cơ nên lượng hàng nhập vào - bán ra khá đều, khách đến mua sắm rất trật tự. Lãnh đạo ngành công thương tỉnh khẳng định trong“ hai tuần vàng” chống dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, nhà phân phối bán lẻ trên địa bàn tỉnh này đã và đang thực hiện những giải pháp tốt nhất để bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường, giá cả để phục vụ người dân.

Cũng theo ông Hồ Văn Bình, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, trước đó, dự đoán nhu cầu của người dân về các mặt hàng thiết yếu sẽ tiếp tục tăng cao, Sở Công thương đã phối hợp các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường và các nhà phân phối tăng lượng dự trữ hàng hóa tại các siêu thị, các kho hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, siêu thị Big C tăng 3 lần lượng hàng dự trữ, Co.opmart tăng 50% và Vinmart tăng từ 30% đến 50%. Các nhà cung ứng đều có kế hoạch bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, sẵn sàng nguồn hàng nhằm ngăn ngừa hiện tượng găm hàng, sốt giá. Đồng thời các doanh nghiệp cũng xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ người dân trong bối cảnh hạn chế tiếp xúc, đi lại, quyết liệt cùng cả nước thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Tại các chợ truyền thống, tình hình mua bán hàng hóa diễn ra đông hơn thời gian trước nhưng vẫn bảo đảm nguồn hàng đầy đủ, giá cả ổn định, trật tự, an toàn. Sức mua tăng chỉ tập trung và các mặt hàng như gạo, mì gói, cá khô, trứng... Hiện nay mặt hàng gel rửa tay khô, giấy vệ sinh, khẩu trang vải diệt khuẩn vẫn được bảo đảm số lượng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại các siêu thị.

Hiện Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cũng đã chuẩn bị các phương án dự trữ một lượng gạo lớn cung cấp cho nhu cầu trên địa bàn trong tình huống dịch bệnh phức tạp diễn ra với số lượng lên đến hơn 15.000 tấn. Nên người dân yên tâm, không nên tích trữ gạo quá nhiều dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thị trường, tăng giá bất hợp lý đối với mặt hàng này.

Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng đầu cơ, nâng giá, không niêm yết giá và không bán theo giá niêm yết các mặt hàng thiết yếu, tăng giá hoặc lợi dụng tình hình khan hiếm để đưa hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vào lưu thông trên thị trường. Bên cạnh đó, ngành quản lý thị trường cũng tăng cường kiểm tra kiểm soát các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ lớn như lương thực, thực phẩm, thuốc tân dược, khẩu trang y tế, nước sát khuẩn và các loại trang thiết bị bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Hiện Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cũng đang tích cực phối hợp với các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác bình ổn giá thịt lợn. Theo đó, thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình, diễn biến thị trường đối với thịt lợn và các sản phẩm từ lợn để có giải pháp bảo đảm lưu thông, ổn định nguồn hàng thịt lợn tại địa phương, tránh gây bất ổn về thị trường.

Đến nay các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Dương phần lớn đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi. Số lượng đàn lợn đủ cung cấp trên từng địa bàn, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tại TP Dĩ An có 4 kho lạnh phục vụ nhu cầu về thịt đông lạnh các loại. Ngành công thương đã làm việc với các doanh nghiệp cung ứng thịt lợn trên địa bàn về việc bình ổn giá cả, giữ vững thị trường nội địa trong hội nhập. Bên cạnh đó, ngành cũng đã làm việc với các đơn vị bán lẻ, các chợ trên địa bàn về việc ổn định giá cả mặt hàng này./..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực