Bình ổn thị trường thịt lợn

Bài 1: Tại sao giá thịt lợn vẫn ở mức cao?
Thứ sáu, 08/05/2020 09:52
(ĐCSVN) - Hiện nay, giá lợn hơi vẫn đang ở ngưỡng cao, trên dưới 80 nghìn đồng/kg. Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nguyên nhân chính dẫn đến mức giá cao là do việc mất cân đối cung - cầu, ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến nguồn cung thịt lợn giảm mạnh.

 Ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến mất cân đối cung-  cầu của ngành hàng thịt lợn

(Ảnh minh họa: KV) 

Tại sao giá thịt lợn vẫn ở mức cao?

Do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), từ tháng 8 - 12/2019, giá lợn hơi nước ta tăng từ 42.000 - 90.000 đồng/kg. Từ tháng 1 - 3/2020, giá giảm từ 90 nghìn đồng xuống 73 nghìn đồng/kg lợn hơi tại cửa chuồng. Tuy nhiên, từ giữa tháng 4/2020, giá lợn thịt có xu hướng tăng đến 70-80 nghìn đồng/kg lợn hơi. Những ngày gần đây, giá lợn thịt ổn định ở mức cao, trên dưới 80 nghìn đồng/kg.

Theo Cục Chăn nuôi, giá thịt lợn vẫn tăng cao chủ yếu do cung - cầu mất cân đối, ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến nguồn cung thịt lợn giảm mạnh. Năm 2018, thời điểm chưa xảy ra DTLCP, số lượng lợn thịt xuất chuồng hơn 49 triệu con, với sản lượng thịt hơi đạt gần 3,82 triệu tấn. Năm 2019, do DTLCP xảy ra từ tháng 2/2019 làm cho lợn xuất chuồng chỉ có trên 38 triệu con, giảm 23,3%, với sản lượng thịt hơi gần 3,3 triệu tấn, giảm 13,8%.

Hiện, 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn chỉ chiếm thị phần 35% lợn thịt, còn lại 65% thị phần do doanh nghiệp nhỏ, trang trại, hộ nông dân chưa đồng bộ xuống giá (từ ngày 1/4, nhiều doanh nghiệp lớn đã hạ giá lợn hơi xuống mức 70 nghìn đồng/kg). Vì vậy, chưa đủ sức để kéo giá bình quân xuống 70.000 đồng/kg lợn hơi.

Một số doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn không xuất hoặc hạn chế xuất lợn thịt nên gia tăng thêm hiệu ứng thiếu nguồn cung làm tăng giá lợn thịt. Lợn hơi xuất chuồng đến tay người tiêu dùng phải qua nhiều khâu trung gian làm giá thịt lợn tăng cao (gần 43%).

Thêm nữa, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng cao làm giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp tăng trên 10%. Chi phí phòng chống dịch bệnh tăng do phải áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thuốc sát trùng,… Bên cạnh đó, giá thịt lợn của Trung Quốc tăng quá cao (hiện trên 120 nghìn đồng/kg lợn hơi), nên vẫn có hiện tượng lợn giống và sản phẩm thịt lợn qua biên giới.

Vào cuộc để “hạ nhiệt” giá thịt lợn

Trước diễn biến giá thịt lợn ở mức cao, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 132/TB-VPCP, ngày 30/3/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã chủ trì cuộc họp với 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn. Sau cuộc họp, 15 doanh nghiệp đã cam kết bằng văn bản và đồng loạt thực hiện bán lợn thịt tại nơi xuất chuồng với giá 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4/2020.

Trước đó, ngày 18/3/2020, Bộ NN&PTNT đã có Công văn số 1965/BNN-TY gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo về việc công bố hết dịch, tổ chức tái đàn, tăng đàn an toàn sinh học; công văn 1964/BNN-TY gửi các doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn để chỉ đạo đẩy nhanh tốc độ tăng đàn và thực hiện cam kết với Chính phủ về giá bán lợn thịt.

Đặc biệt, Bộ NN&PTNT chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành hồ sơ giải ngân kinh phí hỗ trợ thiệt hại do DTLCP cho người chăn nuôi và có chính sách về tín dụng, ưu đãi về lãi suất, chính sách đất đai để phát triển chăn nuôi trang trại. Chỉ đạo các doanh nghiệp và các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn đồng loạt giảm giá bán lợn thịt ở mức 70.000 đ/kg cùng với các doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn.

Đồng thời, tuyên truyền để người tiêu dùng tăng cường sử dụng các thực phẩm thay thế cho thịt lợn như thịt gia súc khác, thịt và trứng gia cầm, thủy sản với nguồn cung dồi dào và giá cả hợp lý.

Tăng đàn là giải pháp cấp thiết hiện nay

Trước tình hình giá lợn đang ở mức cao, để bù đắp lượng thiếu hụt thịt lợn do ảnh hưởng của dịch bệnh thì việc tái đàn lợn nhanh, đảm bảo an toàn là biện pháp hiệu quả để hạ mức chênh quá cao của cán cân cung – cầu thịt lợn. Vì vậy, tái đàn, tăng số lượng đàn nhanh chóng được xem là giải pháp cấp thiết nhất trong giai đoạn hiện nay.

Thời gian qua, một số địa phương đã thực hiện tái đàn lợn hiệu quả. Tính đến tháng 3/2020, cả nước có 9 tỉnh, thành phố có tổng đàn lợn bằng hoặc cao hơn trước khi có DTLCP. Đến hết tháng 4/2020, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24,89 triệu con, tương đương 80,3% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh DTLCP, tăng trưởng bình quân 5,78%/tháng. Trong đó, có tỉnh tăng rất cao như Bình Phước với đàn lợn bằng 149% so với trước khi có dịch (hiện nay đạt 1,314 triệu con). Có 21 tỉnh, thành có đàn lợn bằng 80% (dưới 100%) trước khi có DTLCP, với tổng đàn hiện nay trên 10,719 triệu con. Riêng Đồng Nai có quy mô trên 2 triệu con.

Đạt được kết quả trên do các địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp hiệu quả. Có thể kể đến: Kịp thời công bố hết dịch để tạo điều kiện cho người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn lợn. Hỗ trợ lãi suất tín dụng cho việc tái đàn, tăng đàn, duy trì sản xuất; có chính sách cho các cơ sở chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp với sử dụng chế phẩm sinh học. Khuyến khích tái đàn, tăng đàn ở các cơ sở chăn nuôi công nghệ cao, công nghệ mới, chăn nuôi khép kín, thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP, GlobalGAP…).

Tăng cường công tác hướng dẫn kỹ thuật cho các cơ sở chăn nuôi tái đàn, tăng đàn; có giải pháp phòng, chống không để dịch bệnh xâm nhiễm vào cơ sở chăn nuôi lợn. Sử dụng các nguyên liệu sẵn có ở địa phương làm thức ăn chăn nuôi để hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ.

Để tiếp tục tổ chức tái đàn lợn hiệu quả, Cục Chăn nuôi đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các cấp khẩn trương tổ chức kiểm soát tốt dịch bệnh, không để tái phát, lây lan rộng. Địa phương đã hết dịch (qua 30 ngày) cần khẩn trương công bố hết dịch, tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp yên tâm tái đàn, tăng đàn; đồng thời, chi trả kinh phí cho các hộ, cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh DTLCP để có nguồn lực tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn. Định kỳ tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất để tiêu diệt các loại mầm bệnh trong chăn nuôi; tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn lợn./.

Bùi Thủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực