Bình ổn thị trường thịt lợn

Bài 2: Các địa phương đang cần gì để tái đàn lợn?
Thứ tư, 13/05/2020 21:53
(ĐCSVN) - Cùng với việc đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học thì “con giống” và “nguồn vốn” là hai yếu tố hiện nay các địa phương đang rất cần để triển khai tái đàn. Trong khi đó, đây là những “nguồn lực” mà nhiều địa phương đang thiếu và gặp nhiều khó khăn.

Bình ổn thị trường thịt lợn

 Con giống và nguồn vốn hiện là hai yếu tố mà nhiều địa phương đang thiếu để tái đàn lợn

(Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: AT)

Cần hỗ trợ về con giống và nguồn vốn

Yên Bái là một trong những địa phương đang nỗ lực triển khai các giải pháp để tái đàn lợn, lấy đây là một trong những giải pháp để bù đắp cho sự thiếu hụt của các ngành khác trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, tính đến tháng 4/2020, tổng đàn lợn của địa phương đạt 442 nghìn con, bằng 90,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, tại địa phương, chăn nuôi lợn trang trại chỉ chiếm 15%, gia trại và các cơ sở chăn nuôi chiếm 20%. Đặc biệt là hộ gia đình, hiện có 80.000 hộ chăn nuôi lợn, chiếm tới 65% tổng đàn lợn của tỉnh. Ảnh hưởng của DTLCP, địa phương buộc tiêu hủy hơn 28.000 con, bằng 5,75% tổng đàn.

Năm 2020, Yên Bái đặt mục tiêu tái đàn đạt 528.500 con, tăng khoảng hơn 40.000 con so với trước khi có DTLCP. Tỉnh xác định phát triển chăn nuôi theo mô hình công nghiệp, bán công nghiệp, trang trại, gia trại, bảo đảm an toàn sinh học; ưu tiên tái đàn lợn có kiểm soát.  

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy cho biết, địa phương vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn trong việc tái đàn. Trong đó, thiếu về con giống và nguồn vốn, đặc biệt là các hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng của DTLCP. Nhiều hộ hiện nay còn thiếu vốn để tái đàn. Vì vậy, nhằm gỡ khó cho vấn đề này, hiện địa phương đang phải hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi, nhất là các mô hình nuôi kèm lợn nái và lợn thịt, đồng thời hỗ trợ về kỹ thuật, thụ tinh nhân tạo.

Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục hỗ trợ tái đàn cho các hộ bị ảnh hưởng DTLCP trước đây đã được hỗ trợ nhưng do khó khăn trong việc tái đàn, được hỗ trợ thêm 1 lần nữa, bằng 70% so với hỗ trợ mô hình mới. Đồng thời, về con giống, Yên Bái hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và cung ứng con giống thương phẩm an toàn, cho phép hỗ trợ năng suất để tạo ra con giống. Với các doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký cung cấp con giống cho các hộ trên địa bàn tỉnh mà đang vay ngân hàng, Yên Bái hỗ trợ 50.000 đồng/ 1 con giống.

Đối với Thành phố Hà Nội, địa phương đang triển khai những chính sách thiết thực để hỗ trợ cho tái đàn lợn. Cụ thể, với việc mua lợn nái bố mẹ, địa phương hỗ trợ 5 triệu 1 con; nuôi lợn nái sử dụng bằng tinh nhân tạo bằng tinh lợn đực, hỗ trợ 3 triệu đồng 1 con. Bên cạnh đó, hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng cho 100-200 cơ sở.

Đánh giá của Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn cũng cho thấy, giá thịt lợn cao hiện nay là động lực để người chăn nuôi, các trang trại, hợp tác xã (HTX) tăng đàn. Tuy nhiên, để tái đàn hiện nay, các trang trại/HTX đang gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là về nguồn vốn. Trải qua các khủng hoảng, 70-80% các trang trại/HTX hiện thiếu vốn trầm trọng để mua thức ăn, con giống trong khi nợ tín dụng chưa trả được nên không vay mới được ở các ngân hàng. Nhu cầu vay trung bình trên dưới 1 tỷ đồng/trang trại và các HTX là khoảng từ 3-5 tỷ đồng/HTX.

Bên cạnh đó, do đàn lợn nái suy giảm nghiêm trọng nên các trang trại hiện không có con giống để tái đàn. Nguồn con giống trên thị trường khan hiếm và giá quá cao.

Các địa phương đang cần gì?

Cùng với các chính sách địa phương đang thực hiện để hỗ trợ tái đàn, tỉnh Yên Bái kiến nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT cần có giải pháp để đảm bảo bình ổn và phát triển ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Tránh tình trạng mất cân đối cung-cầu hoặc biến động giá. Đồng thời, trong điều kiện thiếu con giống để tái đàn, đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành đẩy mạnh sản xuất, cung ứng con giống an toàn. Thứ nữa là chỉ đạo các địa phương các giải pháp kỹ thuật, đảm bảo an toàn sinh học, nhất là trong bối cảnh DTLCP vẫn có nguy cơ tái phát.

Hướng tới mục tiêu đạt 1,8 triệu con lợn trong thời gian tới, Thành phố Hà Nội kiến nghị cần có chính sách cho các trang trại, doanh nghiệp quy mô lớn và về con giống để nâng cao chất lượng chăn nuôi. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong đó, miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn, giãn nợ cho vay, lãi suất ưu đãi; cho kéo dài Quyết định 50 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ.

Theo Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn, khủng hoảng là cơ hội để các trang trại/HTX chăn nuôi lợn rà soát đánh giá lại điểm mạnh, điểm yếu và định hướng, cấu trúc lại sản xuất, kinh doanh, tăng hiệu quả và phát triển bền vững. Do đó, cần đẩy mạnh sản xuất chăn nuôi lợn quy mô trang trại/HTX ở các vùng an toàn dịch bệnh. Ưu tiên phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học gắn sản xuất theo chuỗi sản phẩm.

Hiện nay, các trang trại, hợp tác xã rất cần sự hỗ trợ từ các chính sách để tái đàn. Vì vậy, cần tạo điều kiện để các trang trại/HTX thụ hưởng các gói chính sách hỗ trợ vượt qua dịch bệnh của Chính phủ như đang áp dụng cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Cụ thể: khoanh nợ, giãn nợ, miễn thuế, tiếp cận tín dụng. Đồng thời, cần rà soát và hỗ trợ tái đàn ở những HTX và trang trại hiện còn giữ được khoảng 30% đàn nái, hoặc 50% đàn lợn thịt so với trước khi có DTLCP.

Về lâu dài, Chính phủ và các địa phương cần tập trung hỗ trợ cho các trang trại/HTX ở những khâu dễ bị độc quyền trên thị trường như: sản xuất và cung ứng thức ăn và con giống; khâu giết mổ và bảo quản.

Đào tạo, tập huấn cho chủ trang trại kiến thức, kỹ năng chăn nuôi và quản lý trang trại. Hỗ trợ trang trại áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Xây dựng tiêu chuẩn của trang trại chăn nuôi lợn và áp dụng bắt buộc (tiêu chuẩn về quy mô, quản lý an toàn dịch bệnh, về kiến thức chuyên môn của chủ trang trại,...). Hỗ trợ áp dụng hệ thống theo dõi, đánh giá tình hình chăn nuôi trang trại làm căn cứ cấp chứng nhận lưu thông lợn và truy xuất nguồn gốc./.

Bùi Thủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực