Bình Thuận đẩy mạnh ứng dụng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Thứ hai, 19/11/2018 18:46
(ĐCSVN) – Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, địa phương này đang xây dựng một vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với hệ thống quản lý hiện đại, quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến, đảm bảo an toàn vệ sinh và đạt các tiêu chuẩn đăng ký chất lượng trong nước và quốc tế…
Quy hoạch trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP
(Ảnh: K.V)

Theo đó, hiện tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành việc xây dựng đề án thành lập vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các xã, thị trấn bao gồm Lương Sơn, Sông Lũy, Bình Tân và Hòa Thắng thuộc huyện Bắc Bình. Quy mô diện tích toàn vùng là 2.155 ha. Khi đi vào hoạt động, đây là vùng sản xuất, nghiên cứu tạo ra các sản phẩm cây trồng có chất lượng, giá trị kinh tế cao phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa ở các đô thị lớn theo các nhóm sản phẩm tươi, chế biến đóng hộp.

Mục tiêu của dự án này là xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao; nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp của vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 đạt từ 6 - 7% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bình Thuận. Năng suất cây trồng tăng gấp từ 1,5 đến 2 lần so với sản xuất truyền thống. Các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải đạt các tiêu chí VietGAP hoặc GlobalGAP. Quy trình công nghệ sản xuất phải tiên tiến nhất tại thời điểm đầu tư…Trong đó, hàng năm bố trí các cây trồng chủ lực như dưa lưới, măng tây, hành, tỏi, ớt, nấm ăn và khuyến khích trồng thêm khoai lang Nhật. Riêng cây dược liệu, phục vụ công nghiệp chế biến như đinh lăng, lô hội, bạc hà, nghiên cứu và trồng thử nghiệm cây bụp giấm, hồng trà....

Đến nay tỉnh Bình Thuận cũng đã thu hút được một số doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Bình Minh với mô hình trồng thanh long leo giàn, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng và một số loại cây trồng khác với diện tích trên 100 ha; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Thành Phát và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thông Thuận trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ cao, trong giai đoạn đến năm 2020, Công ty này sẽ triển khai 5 dự án với tổng diện tích 825 ha, tổng vốn đầu tư 4.527 tỷ đồng, gồm dự án trồng cây ngắn ngày và chăn nuôi bò sữa, bò thịt công nghệ cao tại xã Sông Bình; Dự án Nhà máy chế biến sữa Thông Thuận và Dự án Nhà máy sản xuất nước giải khát Thông Thuận.v.v…

Được biết, toàn tỉnh Bình Thuận hiện có hơn 677.000 ha đất nông nghiệp, chủ yếu sản xuất lúa, thanh long, rau màu…Thực tế cho thấy hiệu quả sản xuất vẫn chưa cao, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Chính vì vậy, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Bình Thuận đã xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi tất yếu, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp bền vững.

Chính vì vậy, ngay từ rất sớm, tỉnh Bình Thuận đã xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 để làm cơ sở định hướng cho phát triển nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến trong thời gian đến. Trong đó phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo định hướng đến năm 2020 khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm có lợi thế như tôm giống, thanh long, sản xuất cây giống, con giống quy mô công nghiệp, chăn nuôi lợn, gia cầm quy mô công nghiệp, nuôi thâm canh thủy sản…

Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (Khóa VIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, gắn với tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 cũng đã nhấn mạnh việc tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững. Triển khai thực hiện tốt chủ trương tái cơ cấu sản xuất, tái cơ cấu sản phẩm nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường và thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu. Tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế, tạo khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, có chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường…

Ngoài ra, Bình Thuận cũng xác định việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ nông nghiệp thông minh 4.0 là một trong những giải pháp quan trọng để đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp. Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị tỉnh đề xuất Trung ương, Bộ Chính trị xem xét ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ nông nghiệp 4.0 để chỉ đạo về quy hoạch, chính sách và nguồn lực tạo động lực và quyết tâm chính trị đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp./..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực