Bình Thuận: Trồng tái canh và cải tạo giống 12.500 ha điều

Thứ ba, 12/12/2017 23:29
(ĐCSVN) – Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, địa phương này đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tăng sản lượng điều lên khoảng từ 20.400 đến 25.500 tấn, gấp từ 2 đến 2,5 lần sản lượng hiện nay.
Điều là một trong những cây trồng mũi nhọn của Bình Thuận. (Ảnh: K.V)

Như vậy, để tỉnh Bình Thuận đạt được sản lượng điều như trên như trong khi diện tích trồng mới điều không tăng (với khoảng 17 nghìn ha), đòi hỏi phải tăng năng suất lên gấp từ 2 đến 2,5 lần so với hiện tại, tức là phải đạt từ 12 đến 15 tạ/ha. Bình Thuận là một trong 4 tỉnh có diện tích điều lớn nhất cả nước với trên 17 nghìn ha, sau Bình Phước (135 nghìn ha), Đồng Nai (40 nghìn ha). Tuy có diện tích trồng khá lớn nhưng phần lớn cây điều ở Bình Thuận được bố trí trên chân đất không thuận lợi, đất xấu, không có nước tưới, khó có điều kiện thâm canh; hầu hết điều được trồng bằng cây thực sinh, giống chất lượng kém, không được chọn lọc. Các giống này có đặc điểm ít quả, quả nhỏ, dễ nhiễm sâu bệnh, ra hoa tập trung trong thời gian ngắn dễ bị ảnh hưởng của thời tiết bất lợi như mưa trái vụ lúc ra hoa…Vì vậy năng suất còn thấp với khoảng 6 - 7 tạ/ha so với bình quân cả nước là 9,1 tạ/ha.

Để nâng cao năng suất, chất lượng cây điều thì việc tái canh, nâng cao chất lượng giống điều, trồng mới là một trong những biện pháp quan trọng nhất. Thực tiễn cho thấy, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh có thể tăng năng suất điều gấp đôi và nâng cao được hiệu quả sử dụng đất; thâm canh còn giúp vườn cây thích ứng tốt biến đổi khí hậu, hạn chế ảnh hưởng của mưa trái mùa. Quy mô, phạm vi mở rộng thâm canh điều trên địa bàn tỉnh Bình Thuận còn rất lớn, chi phí không cao. Để tăng hiệu quả trong sản xuất điều, Bình Thuận phải đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh, tái canh và ghép cải tạo hướng dẫn người dân phòng trừ dịch hại. Kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất và mua bán giống điều ghép để hạn chế mua bán giống điều không rõ nguồn gốc, đây là vấn đề chính để có vườn điều chất lượng cao. Chính quyền các địa phương cần thúc đẩy việc hình thành tổ chức sản xuất của người trồng điều, các đơn vị có liên quan vận động các doanh nghiệp xúc tiến liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu, cánh đồng lớn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, cây điều được địa phương này chọn là một trong những loại cây trồng chủ lực của tỉnh từ nay đến năm 2020. Theo đó, để nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm yêu cầu xuất khẩu hạt điều, Bình Thuận chủ trương sẽ trồng tái canh và cải tạo giống 12.500 ha điều.

Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện nay cây điều được trồng tập trung chủ yếu tại các huyện: Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân và Hàm Thuận Bắc. Tuy nhiên, năng suất, sản lượng còn tương đối thấp. Để phát triển cây điều theo hướng bền vững, Bình Thuận đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, chọn tạo các giống điều mới năng suất, chất lượng cung cấp cho người trồng điều; hỗ trợ các cơ sở chế biến thay đổi công nghệ để nâng cao chất lượng hạt điều…

Ngoài ra, Bình Thuận cũng chú trọng đến việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân để thấy rõ hiệu quả, lợi ích của việc tái canh, cải tạo phát triển vườn điều để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất cây điều, từ đó tự nguyện bỏ vốn đầu tư để thực hiện tái canh, cải tạo vườn điều; đồng thời, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay trung hạn, ngắn hạn để đầu tư sản xuất. Nghiên cứu phát triển thị trường tiêu thụ điều trong nước, dự báo thị trường ngoài nước để định hướng cho người sản xuất và doanh nghiệp chế biến điều để có hướng đi phù hợp, hiệu quả./.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực