Bộ Công Thương tiếp tục cải cách thủ tục hành chính

Thứ hai, 25/09/2017 21:34
(ĐCSVN) – Ngày 25/9, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Dự án phát triển lập pháp quốc gia tại Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định, thủ tục hành chính ngành công thương.
Hình ảnh tại Hội nghị (Ảnh: K.D)

Theo ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), hội nghị được tổ chức nhằm lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước về các quy định hành chính và thủ tục hành chính của ngành. Thống kê cho thấy, Bộ Công Thương và ngành công thương tại các địa phương đang quản lý hơn 28/243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, kiểm soát 155 dịch vụ hành chính công (tương đương 452 thủ tục hành chính ở 4 cấp chính quyền từ Trung ương đến cấp xã) và 1.216 điều kiện kinh doanh trên 27 ngành, nghề (chưa tính ngành, nghề sản xuất, nhập khẩu ô tô là ngành nghề thứ 28).

Ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ đã đặt ra mục tiêu cắt giảm và đơn giản hóa 123 thủ tục hành chính thuộc 17 lĩnh vực quản lý nhà nước ngành công thương, tại 40 văn bản quy phạm pháp luật. Tính đến thời điểm hiện nay, tại văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, Bộ Công Thương đã thực hiện đơn giản hóa được 56/452 thủ tục hành chính và sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017.

Để tiếp tục thực hiện phương án đã đặt ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn khẩn trương xây dựng dự thảo để hoàn thành phương án trong năm 2017 trên tinh thần đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng và quản lý nhà nước. Về nội dung đơn giản hóa thủ tục hành chính, việc bãi bỏ và đơn giản hóa các thủ tục hành chính của Bộ Công Thương thời gian qua đều chú trọng 4 tiêu chí: đơn giản, minh bạch, hiện đại và chuẩn hóa. Mục tiêu nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở cả 3 khía cạnh tiết kiệm chi phí, tạo sự công bằng và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bên cạnh việc bãi bỏ và đơn giản hóa thủ tục hành chính, Bộ Công Thương cũng đã tích cực hiện đại hóa để nâng tất cả các thủ tục của ngành lên cấp độ 3 và cấp độ 4; tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, tránh nguy cơ sách nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính. Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến góp ý của cộng đồng doanh nghiệp về thủ tục hành chính, Bộ Công Thương đã trực tiếp xử lý ngay nhiều nội dung liên quan đến bãi bỏ, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính, đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp.

Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực