Bốc thuốc cho căn bệnh xa xỉ

Thứ năm, 22/04/2010 15:39
Tổng cục Thống kê cho biết, trong khi kim ngạch xuất khẩu quý I-2010, cả nước chỉ đạt hơn 14 tỷ USD thì kim ngạch nhập khẩu đã tăng vọt lên hơn 17,5 tỷ USD. Trong đó có không ít mặt hàng nhập khẩu thuộc nhóm hàng tiêu dùng xa xỉ như ô-tô, xe máy, điện thoại... nhập về với số lượng lớn.

Theo các công ty nhập khẩu ô-tô, lượng xe nhập về Việt Nam trong tháng 3-2010 có giảm hơn hai tháng đầu năm, riêng dòng xe dưới chín chỗ chỉ còn 1.600 xe, giảm 400 chiếc so với tháng 2-2010. Tuy nhiên, các dòng xe trung và cao cấp có giá từ một tỷ đồng trở lên, lượng khách hàng đăng ký vẫn tăng. Một nhà nhập khẩu ô-tô ở quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) cho biết: Dòng xe Toyota Venza 2.7 nhập từ Mỹ về có giá 67 nghìn USD vẫn được đặt hàng. Cuối tháng 3-2010, dòng xe BMW X1 của nhà phân phối Euro Auto có hai phiên bản với giá 1,466 tỷ đồng và 1,761 tỷ đồng đã được 50 khách hàng đăng ký đặt mua ngay trong buổi giới thiệu. Ðại diện Euro Auto cho biết, Việt Nam là nước thứ ba trong khu vực châu Á giới thiệu dòng xe này. Hãng còn dự báo năm nay thị trường ô-tô cao cấp tại Việt Nam vẫn tăng trưởng 10-20% so với năm 2009.

Cùng với ô-tô, các mặt hàng điện tử (trong đó có điện thoại Iphone) quý I có kim ngạch nhập khẩu hơn một tỷ USD, tăng 53,1% so cùng kỳ năm ngoái. Riêng Vinaphone nhập 5.000 máy Iphone 3G và Iphone 3GS đều là máy nguyên chiếc, không nhập linh kiện lắp ráp tại Việt Nam. Cũng trong quý I, cả nước đã "chi" 207 triệu USD để nhập xe máy tay ga, tăng 38% so cùng kỳ...

Không chỉ nhập siêu hàng xa xỉ, Việt Nam còn nhập rất nhiều mặt hàng mà trong nước hoàn toàn có thể sản xuất được như: da bò, bột ngô, đậu nành... thậm chí cả giấy loại với giá trị kim ngạch không nhỏ. Chỉ tính riêng nhập thức ăn chăn nuôi trong quý I lên tới 623 triệu USD, tăng 136% so với cùng kỳ năm 2009.

Tình trạng nhập siêu quá lớn như hiện nay chủ yếu do hai nguyên nhân chính: Do tâm lý sính hàng ngoại vẫn phổ biến trong đông đảo bà con Việt Nam và do các doanh nghiệp trong nước sản xuất hàng giá trị gia tăng thấp. Tâm lý sính ngoại không chỉ thể hiện ở hàng thời trang như quần áo, giày dép, túi xách, xe hơi, xe máy, điện thoại... ở cả trong doanh nghiệp và người dân. Cụ thể là, trong khi cả nước đang tồn kho 300.000 tấn phân bón (trong đó có 160.000 tấn phân NPK), các doanh nghiệp phân bón trong nước phải sản xuất dưới công suất thiết kế thì các doanh nghiệp nhập khẩu lại đang nhập phân NPK. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty giấy Lương Tấn Ðức cho biết: Cơ chế hiện nay khiến các doanh nghiệp thích nhập khẩu giấy loại hơn mua trong nước vì mua trong nước, người bán ve chai không có hóa đơn đỏ, doanh nghiệp rất sợ bị hành.

Các tổng giám đốc doanh nghiệp phía nam cho rằng: Một số sản phẩm công nghiệp của Việt Nam không thua kém các nước khu vực, nhưng doanh nghiệp vẫn thích nhập khẩu vì có hoa hồng, phết phẩy, hàng về một cục dễ bán, lấy lại vốn nhanh. Còn bán hàng Việt Nam chậm thu hồi vốn, do mặt hàng đơn điệu, ít thay đổi mẫu mã nên không cạnh tranh nổi với hàng ngoại nhập cùng loại. Ðó là chưa tính đến việc hàng nhập về bị nâng giá trong nước và bị đối tác ngoài nước đẩy giá tăng cao, trong khi cũng mặt hàng ấy, nhiều doanh nghiệp trong nước sản xuất được với giá thành hạ hơn.

Người dân chưa thích hàng Việt còn do quảng bá thông tin quá ít và yếu. Tại một hội chợ hàng cơ khí ở Ðồng Tháp người giới thiệu bán máy gặt đập liên hoàn là một chân dài, khá trẻ, đẹp. Khi các "chú hai lúa" hỏi về tính năng, công suất gặt đập nhiêu công ngày thì chân dài ú ớ và đưa danh thiếp để người mua tự liên hệ. Trong khi đó, như các "anh hai" cho biết, chỉ cần ra chợ Cao Lãnh là người bán vồ vập, hỏi han chỉ rõ tính ưu việt máy của "bổn hiệu" đang bán và còn hứa hẹn máy có sao thì "qua" tới liền, bảo đảm cày bừa trong sáu tháng vẫn... nguyên như hồi mới mua, đồng thời nhận bảo hành tới ba tháng.

Làm sao để giảm nhập siêu, trong khi từ năm 1990 đến nay cả nước mới xuất siêu một lần? Làm sao để người Việt Nam dùng hàng Việt Nam không chỉ dừng ở khẩu hiệu mà phải được người dân ở mọi tầng lớp hưởng ứng và thực hiện? Ðó là điều cần được các giới, ban, ngành, các tỉnh, thành phố bàn giải pháp thực hiện theo lộ trình. Trước mắt, cần có chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp trong nước bằng lãi suất cho vay, chất lượng đầu tư và năng suất lao động. Và cùng đó, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước, trong đó có doanh nghiệp tư nhân và tập thể, vươn lên sản xuất ra nhiều hàng hóa làm giàu cho gia đình và xã hội theo đúng quy định của Nhà nước.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực